14/07/2012 - 17:58

Đến mùa lại hoãn

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 13-7 thông báo với quốc hội nước này rằng ông quyết định hoãn 6 tháng việc thực hiện biện pháp cho phép bất kỳ một người Mỹ nào có tài sản bị tịch thu trong Cuộc cách mạng Cuba năm 1959 kiện bất cứ người nào ở bất kỳ quốc gia nào đang sử dụng tài sản đó của họ.

“Tôi nay đã quyết định và báo cáo với Quốc hội rằng việc đình hoãn, trong 6 tháng kể từ ngày 1-8-2012, quyền có hành động theo Điều III của Đạo luật (Luật Helms-Burton trừng phạt các công ty nước ngoài giao thương với Cuba) là cần thiết cho lợi  ích quốc gia của Mỹ và xúc tiến quá trình chuyển tiếp dân chủ ở Cuba”- Ông Obama đã viết như thế trong thư gửi các nhà lập pháp cấp cao xứ cờ hoa.

Thông báo của ông chủ Nhà Trắng chẳng làm ai bất ngờ, bởi như nhà bình luận người Mỹ Olivier Knox nói, kể từ thời Bill Clinton đến nay các tổng thống Mỹ vẫn hay làm thế trong mùa vận động bầu cử.

Động thái ấy của tổng thống đời thứ 44 của nước Mỹ được đưa ra vào thời điểm ông sắp đến bang Florida để vận động tranh cử, dự kiến vào cuối tuần tới. Đây là bang có đông người Mỹ gốc Cuba. Những người Cuba lưu vong còn sống đến bây giờ vẫn mang trong lòng mối hận thù, đòi chính quyền phải duy trì các biện pháp cấm vận mà Mỹ đã áp đặt chống Cuba hơn 5 thập niên qua để thúc đẩy cái mà họ gọi “nền dân chủ ở Cuba”.

Tuy nhiên, thế hệ thanh niên Mỹ gốc Cuba phần đông lại có cái nhìn khác với cha ông họ. Theo Olivier Knox, họ mong muốn chính quyền tháo dỡ dần và đi đến chấm dứt các biện pháp cấm vận chống Cuba.

Có điều như Olivier Knox nhận xét, Obama dường như sẽ không nới lỏng hơn nữa các biện pháp cấm vận chống Cuba nếu ông giành thắng lợi thêm một nhiệm kỳ nữa và việc hoãn thực hiện Điều III Luật Helms-Burton chỉ là “động thái mang tính chiến thuật” của ông Obama, người mà Knox nói là đang bị chỉ trích là “đạo đức giả” trong chính sách đối với Cuba.

Luật Helms-Burton chống Cuba được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 3-1996 nhằm thắt chặt các biện pháp cấm vận đơn phương của Washington chống Havana, cản trở các công ty nước ngoài cũng như các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Cuba và bảo vệ tài sản của các công dân Mỹ tại Cuba trước cuộc cách mạng năm 1959, mà Mỹ cho rằng đã bị chính phủ hiện nay ở Cuba quốc hữu hóa.

Chính phủ các nước Canada và Mexico đã đưa ra những đạo luật riêng để Luật Helms-Burton không có giá trị, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cho rằng luật ấy chỉ có tác dụng trong lãnh thổ Mỹ và không có hiệu lực đối với các nước thành viên khối này. Dư luận Mỹ những năm gần đây cũng lên tiếng phê phán các biện pháp cấm vận chống Cuba, cho rằng lệnh cấm này đã trở nên vô nghĩa khi mà người châu Âu và nhiều quốc gia khác đang đầu tư làm ăn ở Cuba.

NHẬT QUANG

Chia sẻ bài viết