14/02/2020 - 14:28

Đến lượt Harvard và Yale bị “sờ gáy” 

Ngày 12-2, Bộ Giáo dục Mỹ (DOE) thông báo tiến hành điều tra Harvard và Yale xung quanh cáo buộc hai trường đại học lừng danh này không báo cáo số quà cáp và hợp đồng với nước ngoài trị giá hàng trăm triệu USD.

Đại học Harvard. Ảnh: Bloomberg

Theo DOE, Đại học Yale đã không kê khai các giao dịch với nước ngoài trị giá ít nhất 375 triệu USD và các quà tặng/hợp đồng khác trong 4 năm qua. Chưa rõ tổng số tiền tài trợ dành cho Đại học Harvard, chỉ biết trường nhận đóng góp từ Trung Quốc tính từ đầu năm 2013 tới tháng 6-2019 đã lên tới 93,7 triệu USD. Đó là con số cao nhất trong số 115 trường Mỹ nhận các khoản tài trợ dưới nhiều hình thức từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, xếp thứ hai và ba lần lượt là Đại học Nam California và Pennsylvania. Vụ việc trên có thể được chuyển lên Bộ Tư pháp nếu các trường không cung cấp hồ sơ về các khoản đóng góp từ nước ngoài, bao gồm Trung Quốc, Saudi Arabia, Qatar…

Luật Giáo dục đại học Mỹ quy định các trường đại học nước này phải báo cáo bất cứ hợp đồng/quà tặng nào nhận từ nước ngoài có giá trị hơn 250.000 USD. Ngoài ra, mỗi năm 2 lần các học viện có trách nhiệm công khai quyền sở hữu hoặc kiểm soát có yếu tố nước ngoài, điều mà DOE cho rằng nhiều trường đã không thực hiện.

Các quan chức giáo dục Mỹ cũng nhấn mạnh những quan ngại về việc Harvard không kiểm soát toàn diện đối với các nguồn tài trợ nước ngoài, đồng thời viện dẫn trường hợp của Tiến sĩ Charlies Lieber gần đây. Vị trưởng khoa Hóa và Sinh Hóa tại Đại học Harvard này bị truy tố vì lừa dối về việc tham gia vào chương trình “1.000 nhân tài” của Trung Quốc, chương trình nhằm thu hút các chuyên gia nghiên cứu ở nước ngoài. Ông Lieber được cho đã nhận hàng trăm ngàn USD từ các tổ chức của Trung Quốc và “qua mặt” các nhà điều tra liên bang cũng như các lãnh đạo tại Harvard.

Dữ liệu thu thập từ khoảng năm 1990 của Bộ Giáo dục Mỹ cho thấy các trường nước này đã nhận các khoản tài trợ từ Qatar, Trung Quốc, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trị giá 6,6 tỉ USD. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn bởi các trường “né tránh” báo cáo.

Những cáo buộc trên đưa ra chỉ 4 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng cảnh báo về mối nguy Trung Quốc len lỏi vào hệ thống giáo dục xứ cờ hoa. Theo ông Pompeo, hiện có tình trạng các quan chức Trung Quốc ở Mỹ muốn gieo rắc sự hỗn loạn và giành quyền tiếp cận những thông tin nhạy cảm.

Theo báo cáo của Thượng viện Mỹ hồi năm ngoái, gần 70% trường đại học Mỹ nhận hơn 250.000 USD từ Hán Biện, một tổ chức tuyên truyền của Bắc Kinh, đã không báo cáo đầy đủ thông tin này lên DOE. Qua thu thập hồ sơ tài chính của 100 đại học Mỹ, cơ quan này còn phát hiện Hán Biện đã trực tiếp đóng góp cho các trường trên  hơn 113 triệu USD, cao gấp 7 lần số tiền các trường báo cáo thực tế. Trung bình, không tới 300 trường trong xấp xỉ 6.000 đại học Mỹ thông báo nhận tiền từ nước ngoài mỗi năm. Dữ liệu chỉ ra rằng phần lớn tiền tài trợ nước ngoài đều chảy vào túi của khoảng 50 học viện lớn. Kể từ tháng 6-2019, DOE đã mở 8 cuộc điều tra dân sự về chuyện nhận đóng góp từ nước ngoài của các trường.

Trong báo cáo sơ bộ trình lên quốc hội, DOE thậm chí khẳng định các trường đại học lớn nhất là “những doanh nghiệp đa quốc gia, có nhiều tỉ USD”, sử dụng các quỹ mờ ám, phân nhánh ở nước ngoài… để thu lợi nhuận. 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN)

 

Chia sẻ bài viết