“Làm gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục và đào tạo” là vấn đề mà lãnh đạo ngành giáo dục ở 5 thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ đặc biệt quan tâm khi tham dự Hội nghị giao ban cụm thi đua vùng VII, do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đăng cai tổ chức vừa qua.
* Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh:
Tạo điều kiện để học sinh có cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến
- TP Hồ Chí Minh có khá nhiều trường mầm non, phổ thông, trung cấp và cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, có một số cơ sở giáo dục đào tạo có yếu tố nước ngoài hoặc cơ sở do người Việt Nam liên kết với tổ chức nước ngoài có uy tín thực hiện chương trình giáo dục tiên tiến, có sự đầu tư thỏa đáng. Bên cạnh đó, đời sống một bộ phận người dân ở TP Hồ Chí Minh tương đối khá giả nên nhu cầu cho con em học chương trình tiên tiến tại Việt Nam khá cao. Tuy nhiên, theo Nghị định 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục: Cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam, nhưng số học sinh Việt Nam ở trường tiểu học và THCS không quá 10% và THPT không quá 20% tổng số học sinh của trường. Quy định này đã “siết” đầu vào của các trường và trái ngược với nhu cầu thực tế của người dân. Điều này gián tiếp không tạo cơ hội cho học sinh học chương trình tiên tiến tại nước mình mà học ở nước ngoài. Chúng tôi mong muốn Chính phủ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 73 để ngành giáo dục linh động thực hiện quy định này, phù hợp với từng vùng miền và phát huy hiệu quả hơn.
* Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ:
Cần đầu tư mở thêm nhiều trường lớp
- Sự gia tăng về dân số tạo nên thách thức lớn cho ngành giáo dục, nhất các vùng nội thành, đô thị tập trung đông dân, các trường phổ thông lâm vào tình trạng quá tải học sinh. Bên cạnh đó, nhu cầu của học sinh vào các lớp 2 buổi/ ngày, bán trú ngày càng lớn. Chính vì vậy, bộ, ngành Trung ương cần quan tâm đầu tư mở thêm nhiều trường lớp, nhất là ở những vùng điều kiện còn khó khăn. Lãnh đạo các địa phương cũng phải xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, để có kế hoạch đầu tư thỏa đáng, xứng tầm.
TP Cần Thơ và ĐBSCL đang đầu tư tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo hướng mở rộng. Số học sinh trung cấp và sinh viên cao đẳng, đại học khá đông nhưng tìm được việc làm phù hợp sau khi ra trường vẫn còn là bài toán khó. Tôi nghĩ, để giải quyết bài toán này, cần đẩy mạnh hợp tác đào tạo giữa nhà trường và nhà tuyển dụng lao động. Nhà trường nên đào tạo nguồn nhân lực mà doanh nghiệp đang cần, đáp ứng nhu cầu xã hội.
* Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội:
Bồi dưỡng nhân lực là chiến lược
- TP Hà Nội có gần 2.500 trường học, với hơn 1,5 triệu học sinh; 116.000 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Chất lượng giáo dục của thành phố giữ vững và đa dạng hóa các loại hình hoạt động. 5 năm qua, địa phương có nhiều học sinh giỏi đạt nhiều giải quốc gia và quốc tế... Để nâng cao chất lượng giáo dục, chúng tôi nhận thức rằng, phải xây dựng nền giáo dục tiên tiến trên nền tảng giáo dục chuẩn hóa. Vì thế cần phải xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp theo hướng đạt chuẩn (Hà Nội hiện có 768 trường chuẩn Quốc gia). Phấn đấu đến năm 2015, thành phố có từ 50% đến 55% số trường đạt chuẩn. Đồng thời, cần phải quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, theo lộ trình phát triển, đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 1.500 trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, thành phố còn quan tâm vấn đề tuyển dụng; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhà giáo là chiến lược phát triển của ngành. Qua đó, việc tuyển dụng có nhiều điểm mới theo hướng phân cấp về cho các điểm trường, đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tuyển người theo nhu cầu. Nhờ vậy, đã bố trí đủ giáo viên ở những vùng khó khăn, thiếu nhiều giáo viên trước đây; đảm bảo đủ giáo viên phục vụ công tác dạy và học. Sở GD&ĐT TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, tăng cường mở nhiều chuyên đề, lớp bồi dưỡng đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý; tăng cường giám sát và xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng công vụ và nhà giáo
* Ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng:
Cần nâng cao chất lượng tự học của học sinh
- 19 năm qua, Hải Phòng đều có học sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc tế; trong đó, 18 năm liền đều có học sinh đạt giải. Năm nay, thành phố có 3 học sinh dự thi. Hải Phòng luôn cố gắng làm điểm sáng trên nền chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Không chỉ thế, thành phố đã và đang nỗ lực đẩy mạnh nâng cao chất lượng tự học của học sinh, đây là nền tảng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Để làm được điều này, cần có sự thống nhất cao từ ngành giáo dục đến các đơn vị. Các đơn vị, đội ngũ nhà giáo phải có phương pháp quản lý, giảng dạy để tạo tính tự học cho học sinh, phát huy tư duy sáng tạo. Ngoài ra, Hải Phòng còn tổ chức nhiều hội thảo đổi mới cách tự học của học sinh. Qua đó, xác định cần nâng cao chất lượng nội dung và ý thức học tập, sự chuyên cần, cách tự học.
Cũng như các thành phố khác, Hải Phòng rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ giáo viên, vì hiện nay, một số bộ môn còn thiếu giáo viên. Thời gian tới, ngành giáo dục xác định biên chế giáo viên giảng dạy thể dục ở các trường tiểu học; giáo viên tư vấn học đường, tâm lý; xây dựng tiêu chí trường chất lượng cao. Chúng tôi rất mong Bộ GD&ĐT sớm ban hành chuẩn chung về vấn đề này.
* Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng:
Nên sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp và Trung tâm dạy nghề
- Năm 2012-2013, thành phố đạt được những kết quả tích cực; trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, với 67/ 80 học sinh dự thi đạt giải. Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU, học sinh Đà Nẵng cũng đạt giải nhất toàn quốc
Tuy nhiên, để ngành giáo dục phát triển như mong muốn, thành phố còn một số khó khăn, vướng mắc cụ thể như: Một số trường tiểu học trung tâm thành phố quá tải vì áp lực dân số; tập trung nhiều ở các khu hành chính, số con em công nhân viên chức, lao động rất nhiều, nên khó triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, thành phố đang tiến tới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học nhưng còn thiếu khoảng 400 giáo viên tiểu học. Thành phố có Đại học Đà Nẵng nhưng vẫn chưa thể cung cấp đủ nguồn nhân lực cho ngành giáo dục thành phố
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục, các bộ, ngành Trung ương nên nghiên cứu việc sáp nhập 3 trung tâm: Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp (do ngành GD&ĐT quản lý) và Trung tâm dạy nghề (do ngành Lao động Thương binh và Xã hội quản lý) về một mối quản lý là ngành GD&ĐT, nhằm thống nhất thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ GD&ĐT. Bởi vì, ngành giáo dục là đơn vị “chủ công” thực hiện nhiệm vụ đào tạo và cấp chứng chỉ giáo dục cho người học.
M.HOÀNG - B.KIÊN