09/11/2020 - 09:46

Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9-11)

Để việc tìm hiểu pháp luật trở thành công việc tự thân của mỗi người 

Những ngày qua, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố cũng như các sở, ban, ngành, quận, huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng đến Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như: tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”; tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL; triển khai, phổ biến văn bản luật… Qua đó, góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa, hiệu ứng tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật rộng rãi trong nhân dân; đưa việc học tập, tìm hiểu pháp luật trở thành công việc tự thân, hằng ngày của mỗi cán bộ công chức, viên chức, người lao động… 

Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai, phổ biến văn bản luật.

Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai, phổ biến văn bản luật.

Những ngày này, các tuyến đường trên địa bàn TP Cần Thơ được treo khá nhiều khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật Việt Nam) như: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; “Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, tự giác tuân thủ, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật”; “Tìm hiểu, học tập và chấp hành pháp luật là trách nhiệm của mọi công dân”… Ông Nguyễn Hữu Thành, ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, chia sẻ: “Qua các khẩu hiệu và tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, tôi nhận thức được rất nhiều các quy định pháp luật có liên quan đến đời sống như: tranh chấp ranh đất, quy định mới về đất đai, hộ khẩu… Nhờ đó, tôi có thêm kiến thức pháp luật cũng như biết cách ứng xử khi gia đình, bạn bè gặp phải các vấn đề về pháp luật”. 

Bà Võ Thị Ngọc Sương, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Thới Lai, cho biết: Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, huyện Thới Lai đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cổng/trang thông tin điện tử của huyện. Đồng thời, thiết lập chuyên trang, chuyên mục phát thanh để bình luận, đối thoại chính sách, định hướng dư luận; bố trí treo áp phích, pa-nô, băng rôn, cờ, phướn trên các tuyến đường chính, khu trung tâm, cơ quan, đơn vị, trường học, địa điểm công cộng. Huyện còn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp gắn với giáo dục khởi nghiệp; tuyên truyền thông qua trợ giúp pháp lý; lồng ghép tuyên truyền trong lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; tăng cường công khai thông tin theo quy định nhằm thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ tại cơ sở; phổ biến quy định của pháp luật qua các vụ việc, tình huống, sự kiện pháp lý cụ thể... để pháp luật có thể đến gần hơn với người dân.  

Việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú đã giúp cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cũng như người dân nắm bắt kịp thời các quy định của Nhà nước. Ông Nguyễn Công Chánh, công chức tư pháp phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, cho biết: “Các buổi tập huấn pháp luật giúp CBCCVC cập nhật quy định pháp luật mới, quy định được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc thay thế… để từ đó cập nhật vào việc giải quyết thủ tục cũng như hướng dẫn cho người dân được tốt hơn”. Ngoài ra, các cuộc thi trực tuyến như: “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”, về bình đẳng giới, “Tìm hiểu Bộ luật Lao động”... tạo động lực để CBCCVC tìm hiểu các quy định pháp luật phục vụ cho công tác của mình.

Theo Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” đã giúp CBCCVC và nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức tôn trọng, chấp hành và tham gia phòng, chống tham nhũng. Qua thời gian phát động cuộc thi từ 7 giờ ngày 1 tháng 10 năm 2020 đến 17 giờ ngày 30 tháng 10 năm 2020, đã có 10.624 lượt bài thi, với 9.200 người thi. Trong đó, đối tượng CBCCVC, giáo viên chiếm khoảng 65%; đối tượng sinh viên, học viên chiếm khoảng 10%; đối tượng là các tầng lớp nhân dân chiếm khoảng 25%.

Ông Võ Văn Chính, Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn thành phố những ngày qua đã được các đơn vị, địa phương tổ chức đi vào chiều sâu, lan tỏa, tạo hiệu ứng tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật rộng rãi trong nhân dân. Để công tác tuyên truyền, PBGDPL ngày càng sâu rộng, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của luật; chú trọng hình thức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; lồng ghép tuyên truyền qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động hòa giải ở cơ sở; lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường và đối tượng thanh thiếu niên tại địa phương...

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết