14/10/2012 - 16:09

SAU PHIÊN CHỢ ĐƯA HÀNG VIỆT VỀ NÔNG THÔN

Để người dân tiếp cận được hàng Việt

Khách tham quan và mua sắm tại phiên chợ công nhân vừa tổ chức ở Khu công nghiệp Trà Nóc. Ảnh: MINH CÁC

Phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn" (ĐHVVNT) do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch phối hợp với Sở Công Thương và UBND các quận, huyện tổ chức đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng nông thôn đối với hàng Việt. Những phiên chợ này góp phần cho việc thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở Cần Thơ đi vào chiều sâu.

Hiện nay, các chuyến ĐHVVNT của các doanh nghiệp đều được chính quyền hỗ trợ về công tác tuyên truyền, về mặt bằng, bảo vệ an ninh... Dù doanh thu không đủ bù đắp chi phí nhưng các chuyến ĐHVVNT doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm nhà phân phối, khảo sát nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, doanh nghiệp xây dựng chiến lược dài hơi cho trị trường nông thôn.

Sau phiên chợ ĐHVVNT người tiêu dùng mua hàng ở đâu? Muốn người tiêu dùng nông thôn đẩy mạnh việc sử dụng hàng Việt cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày thì cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và các nhà phân phối. Bởi lẽ, sau khi phiên chợ kết thúc, hàng Việt có thể tiếp tục bán tại các nhà phân phối và tiểu thương. Khi diễn ra phiên chợ, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch phối hợp với phòng kinh tế của quận/huyện tổ chức khảo sát, gặp gỡ giữa doanh nghiệp và nhà phân phối. Qua đó, tìm hiểu năng lực, nhu cầu để doanh nghiệp có thể phân phối hàng hóa tại các chợ nông thôn. Đối với các huyện chưa có điều kiện phát triển đại lý, doanh nghiệp có thể giao hàng đến các tiệm tạp hóa bằng đường xe khách. Đồng thời, cử đội ngũ bán hàng để hướng dẫn các tiệm tạp hóa cách bài trí sản phẩm.

Cơ hội thị trường cho hàng Việt là rất lớn, để nắm bắt cơ hội, cần đẩy mạnh tính kết nối giữa: Nhà quản lý thương mại địa phương (phòng kinh tế các huyện); doanh nghiệp với doanh nghiệp; doanh nghiệp kết nối với mạng lưới bán hàng ở nông thôn. Theo đó, mối liên kết giữa phòng kinh tế của UBND huyện với doanh nghiệp cần xác lập nhu cầu hàng hóa của địa phương ở những ngành hàng cụ thể. Ví dụ: nhu yếu phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, may mặc, điện gia dụng…; chỉnh trang nâng cấp hệ thống chợ truyền thống để các tiểu thương và các nhà phân phối ở đô thị lớn tiếp cận. Cùng làm việc với Sở Công Thương hoặc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch thành phố….tìm kiếm nhà sản xuất và phân phối hàng hóa. Lâu nay, thị trường tự điều tiết theo cung cầu, vì thế hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng nhái về vùng nông thôn rất nhiều. Vì thế, Nhà nước cần kết nối giữa quận huyện và thành phố để có cách tiếp cận với doanh nghiệp. Đồng thời, đối với các chợ truyền thống ở nông thôn, các Ban quản lý chợ cần dành mặt bằng thích hợp cho các nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm mới, cho dùng thử, hướng dẫn sử dụng sản phẩm dịch vụ… Đặc biệt, việc cho thuê mặt bằng phải với giá cả phải chăng, để kích thích các doanh nghiệp. Xác định nguồn cung ứng của địa phương để các doanh nghiệp phân phối hoặc nhà sản xuất cần, lấy hàng về thành phố theo từng địa phương. Ví dụ có huyện thì chuyên cung cấp rau, củ và trái cây, có huyện sẽ chuyên cung cấp gạo, thủy sản… Khi DN phân phối của thành phố cung cấp hàng hóa địa phương không có, thì lúc quay về, họ cũng cần các mặt hàng mà các quận ở trung tâm thành phố cần như rau, củ quả, gạo… để khai thác hiệu quả sử dụng vận tải.

Doanh nghiệp liên kết với nhau để tăng sức mạnh đàm phán với nhà phân phối ở nông thôn. Doanh nghiệp sản xuất ngành A có thể liên kết với ngành B để có chính sách khuyến mãi đối với nhà phân phối. Ví dụ: doanh nghiệp sản xuất bột giặc và doanh nghiệp sản xuất nước xả cùng liên kết để đàm phán và cùng phân phối hàng hóa ở thị trường nông thôn. Nếu một doanh nghiệp đi riêng lẻ để đàm phán với nhà phân phối thì nhà phân phối sẽ cân nhắc việc phân phối hàng hóa trong số nhiều doanh nghiệp đã chào hàng. Mặt khác, khi các doanh nghiệp liên kết lại, chi phí thâm nhập thị trường nông thôn sẽ hiệu quả hơn. Qua đó, hàng hóa Việt sẽ có cơ hội đến với người tiêu dùng nông thôn qua nhà phân phối địa phương. Ngoài ra, doanh nghiệp cần kết nối với mạng lưới bán hàng ở nông thôn. Tìm và chọn lựa nhà phân phối lớn ở nông thôn để được hỗ trợ bán hàng, tập huấn cách trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Vì những nhà phân phối ở nông thôn sẽ hiểu và biết tập quán tiêu dùng trên địa bàn của từng hộ gia đình. Từ đó, họ sẽ là "chân rết" vững chắc cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc giới thiệu quảng bá sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm Việt đến với người tiêu dùng nông thôn.

Tháng 11-2012, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch thành phố sẽ tổ chức phiên chợ ĐHVVNT ở quận Thốt Nốt. Phiên chợ này có điểm mới là huấn luyện cho tiểu thương chợ truyền thống cách trưng bày và giới thiệu sản phẩm Việt, khảo sát thị trường chợ truyền thống, kết nối các doanh nghiệp tham gia phiên chợ với các nhà phân phối địa phương.

NGUYỄN KHÁNH TÙNG
(Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư
Thương mại và Du lịch TP Cần Thơ)

NGUYỄN KHÁNH TÙNG (Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết