26/05/2022 - 09:16

Để người chăn nuôi yên tâm sản xuất! 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Hiện nay, giá hầu hết các loại thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản đều tăng lên ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thêm vào đó, nhiều chi phí đầu vào khác cũng tăng; dịch bệnh, thiên tai, giá cả đầu ra bấp bênh là những thách thức cho người chăn nuôi. Tình hình này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi trong tương lai.

  Nuôi cá tra bằng thức ăn công nghiệp tại huyện Vĩnh Thạnh.

 

Khó duy trì đàn heo

Những hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ là đối tượng đang gặp nhiều khó khăn trong duy trì và phát triển đàn vật nuôi. Bởi giá heo hơi vẫn ở mức thấp, chưa đảm bảo cho người chăn nuôi có lời, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, chưa có vaccine, thuốc đặc trị để phòng ngừa và trị bệnh này.

Bà Huỳnh Thị Hạnh, ngụ xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: "Do giá thức ăn gia súc và nhiều chi phí chăn nuôi đầu vào liên tục tăng cao nên để nuôi 1 con heo đạt tạ (100kg), nhiều hộ dân phải bỏ ra số tiền từ 5,6-6 triệu đồng, đó là chưa kể tiền công chăm sóc. Trong khi giá heo hơi chỉ ở mức 5,5-5,8 triệu đồng/tạ (dù đã tăng khoảng 700.000-800.000 đồng/tạ so với hồi đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 1,2-1,3 triệu đồng/tạ so với cùng kỳ). Người chăn nuôi chỉ từ phá huề đến lỗ vốn".

Bà Phạm Thị Lượng ngụ ấp Trường Phú, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: "Chăn nuôi heo hiện nay đều phụ thuộc vào nguồn thức ăn công nghiệp chế biến sẵn. Tuy nhiên, giá mặt hàng này đã liên tục tăng cao trong hơn 1 năm qua, với khoảng 14 lần điều chỉnh tăng, tính ra mỗi bao thức ăn đã tăng từ 100.000-150.000 đồng/bao, tùy loại 25kg hay 40 kg/bao. Chi phí tiền thức ăn chiếm khoảng 65-70% giá thành chăn nuôi nên người nuôi heo bị thiếu vốn và gặp khó khi giá heo hơi ở mức thấp. Tôi chỉ còn duy trì nuôi 10 con, trong khi trước đây lúc nào tôi cũng nuôi từ 30-40 con heo trở lên".

Còn theo anh Lê Văn Tha ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, nhiều hộ dân muốn phát triển nuôi heo tại gia nhằm kiếm thêm thu nhập. Nhưng do giá thức ăn tăng cao và chăn nuôi dễ gặp rủi ro do dịch bệnh nên gần đây nhiều hộ dân đã quyết định tạm thời nghỉ nuôi. Từ cách nay khoảng 2 tháng, anh Tha xuất bán đàn heo 10 con, với giá bán 5,3 triệu đồng/tạ, lỗ vốn hơn 15 triệu đồng.

Chờ giá thức ăn chăn nuôi giảm

Người chăn nuôi gia cầm và thủy sản cũng đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi giá các chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi tăng, nhất là giá thức ăn chăn nuôi. Giống như nuôi heo, việc chăn nuôi nhiều loại gia cầm và thủy sản cũng đang phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào nguồn thức ăn công nghiệp và khi giá mặt hàng này tăng cao, người dân cũng gặp khó về nguồn vốn phục vụ sản xuất, còn các cửa hàng hạn chế bán thiếu nhằm hạn chế rủi ro.

Dù giá gia cầm và nhiều loại thủy sản đang ở mức khá cao, giúp người nuôi có lời nhưng với tình hình giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, người nuôi lo ngại tới đây giá đầu ra sản phẩm không tăng tương xứng sẽ không còn lời, thậm chí lỗ vốn. Theo ông Huỳnh Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi ở huyện Vĩnh Thạnh, giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu ở mức khá cao từ 30.000-32.000 đồng/kg, người nuôi cá tra đang có lợi nhuận khá tốt. Nhưng giá thức ăn tăng cao, người dân khó mở rộng diện tích nuôi vì thiếu vốn, cũng như sợ bị thua lỗ nếu giá cá tra giảm trở lại. Với giá nhiều loại thức ăn cho cá đang ở mức trên dưới 14.000 đồng/kg, tới đây giá thành nuôi cá tra có thể lên đến 27.000-28.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn.

Ngoài ra, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm và thủy sản cũng dễ gặp các rủi do dịch bệnh, thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Người nuôi rất mong ngành chức năng có giải pháp bình ổn và kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi, cũng như ổn định nguồn cung và đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi bán trên thị trường. Kịp thời có các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong nước chủ động sản xuất và tìm kiếm các nguồn thức ăn chăn nuôi thay thế có giá rẻ hơn; được tiếp cận nhiều chương trình hỗ trợ về vốn, kỹ thuật chăn nuôi để kéo giảm chi phí; vay vốn với lãi suất ưu đãi...

Bà Nguyễn Ngọc Bích ngụ xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, đang nuôi 27 con heo, cho biết: "Hiện tôi phải mua thức ăn viên dành cho heo với giá từ 480.000-560.000 đồng/bao, còn thức ăn đậm đặc dành cho heo (thức ăn dạng cám, có hàm lượng chất dinh dưỡng cao) có giá lên đến 610.000-620.000 đồng/bao 25kg, thậm chí cao hơn. Người dân rất khó duy trì và phát triển đàn heo, tôi rất mong Nhà nước có giải pháp kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật và tạo điều kiện để người dân có thể tận dụng các loại nông sản trong nước để làm các loại thức ăn tự chế có giá rẻ hơn. Ðể giảm chi phí chăn nuôi, tôi cũng đã mua các loại cám gạo về phối trộn với các loại thức ăn công nghiệp, nhưng nguồn cám gạo đảm bảo chất lượng và có giá cả phù hợp không dễ tìm mua. So với các năm trước, hiện giá cám gạo cũng đã tăng hơn 100.000 đồng/bao 50kg, lên ở mức hơn 400.000 đồng/bao".

Theo anh Ðinh Hoàng Chân, chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi Huy Hoàng ở huyện Thới Lai, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cũng gây nhiều khó khăn cho các cửa hàng vì cần phải tăng thêm nguồn vốn phục vụ kinh doanh, nhưng lợi nhuận không tăng do sức tiêu thụ hàng bị giảm mạnh. Rất mong giá thức ăn sớm bình ổn và giảm trở lại để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng trở lại.

Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng do giá cả nguyên vật liệu sản xuất tăng cao, nhất là từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Do đó, về lâu dài, nước ta cần chủ động sản xuất các loại nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu thì mới có thể "quyết" được giá cả nguyên liệu, chi phí đầu vào có lợi cho người chăn nuôi và mở rộng quy mô sản xuất theo tình hình thực tế.

Chia sẻ bài viết