09/05/2019 - 15:15

Để ngành hàng rau quả xuất khẩu ổn định 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc không chỉ là thị trường mang lại kim ngạch xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và ngày càng tăng trong những năm qua. Cụ thể, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả Việt Nam, tỷ lệ này lần lượt tăng lên 30% năm 2014, 65% năm 2015, 70,8% năm 2016 và 75,7% năm 2017. Riêng năm 2018 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc thu về ngoại tệ lên đến 2,78 tỉ USD, tăng 5,03% so với năm 2017. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc năm 2017 đạt 2,65 tỉ USD và tăng đến 52,43% so với năm 2016. Trước đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng liên tục ghi nhận sự tăng trưởng ở mức cao, góp phần giúp ngành hàng này đạt mức tăng trưởng bình quân trên 32% trong giai đoạn từ năm 2011-2016 theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thống kê.

Xoài cát là một trong những mặt hàng của TP Cần Thơ xuất khẩu nhiều sang thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, quý I-năm 2019, ngành hàng rau quả Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị sụt giảm và điều đó khiến kim ngạch xuất khẩu chung toàn ngành cũng đi xuống. Cụ thể, số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam đến hết quý I-2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 680 triệu USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng này khiến kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành trong quý I-2019 giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 949 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sụt giảm do quốc gia này kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch chặt chẽ hơn.

Theo ông Đoàn Hoài Phương, đại diện doanh nghiệp Hương Miền Tây (Bến Tre - đơn vị chuyên cung ứng, xuất khẩu bưởi da xanh): Hải quan Trung Quốc đã thông báo không làm thủ tục cho bưởi da xanh của Việt Nam do loại sản phẩm này không được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Còn ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cho rằng, việc Trung Quốc tiến tới loại bỏ nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang nhập khẩu chính ngạch ngành hàng rau quả Việt Nam là xu hướng tất yếu nhằm quản lý tốt hơn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát dịch hại, chất lượng sản phẩm và cả vùng trồng rau quả.

Việc Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu mặt hàng rau quả Việt Nam đã có tác động rất lớn đến xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường nước này. Vì vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra chỉ tiêu xuất khẩu rau quả năm 2019 chỉ tăng khoảng 1% so với năm 2018. Ông Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông sản Cát Tường, nguyên Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) cho biết, để tháo gỡ khó khăn ở thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần phải đàm phán để mở cửa xuất khẩu chính ngạch ngành hàng rau quả sang Trung Quốc. Hiện nay, ngoài 9 loại trái cây được xuất chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, chuối, mít, dưa hấu, măng cụt thì Việt Nam cũng đang sản xuất nhiều loại rau, cây ăn trái khác theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dịch hại, chất lượng sản phẩm và chất lượng vùng trồng… nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và xuất khẩu.

Bài, ảnh: H.VĂN

Chia sẻ bài viết