Thời gian qua, ngành lúa gạo nước ta đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giúp đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và đóng góp tích cực cho an ninh lương thực toàn cầu. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Ðể ổn định phát triển trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng và người tiêu dùng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, ngành lúa gạo Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực đổi mới sáng tạo và kịp thời khắc phục nhiều khó khăn, hạn chế.

Thu hoạch lúa tại mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải trong vụ đông xuân 2024-2025 ở Hợp tác xã Tiến Dũng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Lúa gạo Việt Nam khẳng định vị thế
Việt Nam từ chỗ thiếu đói lương thực đã vươn lên trở thành nước sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu trên thế giới. Ðiều đó cho thấy, Việt Nam không những có các điều kiện thuận lợi để sản xuất lúa gạo mà người Việt Nam cũng rất cần cù, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh để tạo ra ngành hàng xuất khẩu giúp mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước và khẳng định vị thế quan trọng trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh, từ 6 triệu tấn những năm trước lên 7,5 triệu tấn năm 2022 và đạt mức cao kỷ lục 9,18 triệu tấn trong năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu trên 5,7 tỉ USD. Chất lượng và hình ảnh, thương hiệu lúa gạo của Việt Nam cũng ngày càng được nâng cao. Hiện trên thị trường xuất khẩu có 3 nhóm gạo chủ yếu gồm: gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cao cấp. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu phần lớn là gạo chất lượng cao chiếm tới 60-70%, gạo cao cấp có tên thương hiệu chiếm khoảng 15%, 10-15% còn lại là gạo thường. Theo nhận định của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam ít bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu gạo khác. Gạo của Việt Nam đã có mặt ở nhiều quốc gia, nhiều thị trường khó tính nhờ chất lượng cao. Với khí hậu nhiệt đới và nhiều nơi có thể sản xuất tới 3 vụ lúa trong năm, nhất là tại vùng ÐBSCL, từ đó nước ta luôn có các sản phẩm lúa gạo mới, tươi ngon để cung ứng ra thị trường.
Bên cạnh các thành công, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, nhất là trong bối cảnh mới của quá trình hội nhập quốc tế và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Thị trường có nhiều sự cạnh tranh và các thị trường quốc tế đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, trong đó có yêu cầu về sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường.
Nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo
Mới đây tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam Ðầu Tư vừa phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo “Ðịnh vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”. Tại hội thảo này, nhiều đại biểu cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam cần kịp thời khắc phục các khó khăn, hạn chế và tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện đổi mới, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo và nâng cao giá trị toàn chuỗi ngành hàng. Ðặc biệt, triển khai thực hiện tốt Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 (Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC) là giải pháp quan trọng để ngành lúa gạo tổ chức lại sản xuất hiệu quả, khắc phục hạn chế và giúp phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, thích ứng BÐKH.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ngành hàng lúa gạo Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Trong đó, ngành hàng lúa gạo của vùng ÐBSCL thời gian qua đạt nhiều thành tựu rất to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, là nơi đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hạt gạo của Việt Nam đã được khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo cũng còn những bước thăng trầm, đời sống của người nông dân trồng lúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người trồng lúa còn thấp hơn so với một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác. Sản xuất lúa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như BÐKH, vấn đề môi trường, vấn đề chất lượng yêu cầu ngày càng cao, vấn đề thương hiệu… Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC là một cơ hội, là giải pháp để tiếp tục thúc đẩy ngành hàng lúa gạo phát triển.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC được phê duyệt theo Quyết định số 1490/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ðề án hướng đến mục tiêu giữ vững vai trò nòng cốt của sản xuất lúa gạo trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Phát triển nông nghiệp ÐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng, áp dụng quy trình canh tác bền vững, thích ứng với BÐKH và giảm phát thải khí nhà kính. Góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về bảo vệ môi trường. Qua 7 mô hình thí điểm thực hiện Ðề án đã triển khai tại vùng ÐBSCL cho thấy, nông dân đã tăng lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/ha/vụ nhờ giảm lượng giống gieo sạ đến 50%, giảm lượng phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật hóa học 30%, giảm đổ ngã và tổn thất sau thu hoạch khoảng 5%... Ðể đảm bảo thành công của Ðề án, việc tăng cường liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo là vô cùng quan trọng.
Ông Ðỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, cho biết: “Doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi trong tập quán sản xuất, nghiên cứu thị trường… Theo đó, thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam ngày càng đa dạng, trải rộng khắp châu Á và mở rộng ra nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và châu Ðại Dương... Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, hoàn thuế, cơ sở hạ tầng logistics. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ về tài chính, cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu lương thực, trong đó có gạo”. Cũng theo ông Nam, nước ta cần đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, hướng tới việc giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình, đồng thời tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản. Nâng cao chất lượng gắn với đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới. Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm gia tăng giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan...
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG