20/02/2013 - 20:26

Để mô hình cánh đồng mẫu lớn ngày càng đạt hiệu quả cao

Năm 2012, mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML)ở TP Cần Thơ tiếp tục khẳng định hiệu quả cao về phương thức sản xuất, chất lượng sản phẩm và cả hiệu quả về kinh tế. Năm 2013, theo kế hoạch, TP Cần Thơ tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình này. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn cần phải nhanh chóng có giải pháp giải quyết để mô hình này đạt hiệu quả như mong muốn.

Khẳng định hiệu quả

 Xây dựng thành công CĐML cũng góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, phát triển toàn diện theo hướng bền vững.

Năm 2012, huyện Vĩnh Thạnh phối hợp cùng ngành nông nghiệp thành phố triển khai xây dựng mô hình CĐML ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An với quy mô khoảng 400ha và ở ấp D2, xã Thạnh Lợi 200ha. Ngoài ra, huyện cũng bước đầu hình thành mô hình CĐML ở ấp C2, xã Thạnh Thắng với quy mô khoảng 300ha. Kết quả, so với sản xuất lúa ngoài mô hình, ở vụ đông xuân 2011-2012, mô hình có lợi nhuận cao hơn từ 4,84 - 16,6 triệu đồng/ha và cao hơn từ 3,29 - 4,67 triệu đồng/ha ở vụ hè thu. Ngoài hiệu quả về mặt kinh tế, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng phòng, Phòng NN&PT NT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Sản xuất theo mô hình CĐML đồng ruộng tập trung với diện tích lớn - liền canh, liền cư nên rất thuận lợi trong việc kiểm soát dịch hại, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Chính vì vậy, hiệu ứng của CĐML đã thật sự lan tỏa, thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, năm 2012, toàn thành phố có gần 8.891 ha sản xuất lúa theo mô hình CĐML. Trong đó, vụ đông xuân 2011-2012 là 1.832 ha; vụ hè thu 4.602,47 ha và vụ thu đông 2.456,46 ha. Tùy từng mùa vụ, mô hình CĐML đem lại nhiều hiệu quả thiết thực so với sản xuất thông thường của người nông dân. Cụ thể: vụ đông xuân 2011-2012, mô hình tiết kiệm được từ 80-100kg giống/ha nhưng năng suất tăng từ 4,6 - 7,46%. Nhờ tăng chất lượng, tăng giá trị sản phẩm nên hạt lúa làm ra từ mô hình tăng tỷ lệ lợi nhuận 28,38%. Vụ hè thu tổng chi phí sản xuất (chủ yếu là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động) trong mô hình giảm từ 600.000 - 2.000.000 đồng/ha… Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhận định: Với kết quả đạt được, mô hình CĐML đã và đang đi đúng mục tiêu ban đầu. Đó là xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô lớn gắn kết với tiêu thụ. Khai thác tối đa tiềm năng năng suất, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa, giảm giá thành sản xuất thông qua tổ chức liên kết sản xuất. Xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, phát triển dịch vụ nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, phát triển toàn diện theo hướng bền vững và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; đáp ứng tốt nhu cầu về tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, CĐML cũng thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, góp phần rút ngắn khoảng cách về năng suất giữa các nông hộ, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng lúa, gạo và làm nền tảng cho việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP, GlobalGAP…

Cần chung tay gỡ khó

Theo kế hoạch, năm 2013, toàn thành phố dự kiến tiếp tục triển khai mở rộng mô hình CĐML trên 50% số xã với tổng diện tích 11.186,33 ha. Ngay vụ đông xuân 2012 - 2013, nhiều địa phương đã triển khai mạnh mẽ việc xây dựng mô hình này. Như huyện Vĩnh Thạnh, ngoài việc củng cố, nâng cao hiệu quả các CĐML hiện có ở ấp Thầy Ký (thị trấn Thạnh An), ấp D2 (xã Thạnh Lợi), các địa phương còn lại phấn đấu thực hiện thành công một mô hình với tổng diện tích khoảng 2.633ha… Trong vụ đông xuân 2012-2013, huyện Thới Lai triển khai hình thành 13 CĐML, tổng diện tích gần 5.555ha. Huyện Cờ Đỏ, trong vụ đông xuân 2012 - 2013, Phòng NN&PTNT huyện cùng với ngành chuyên môn, phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ và các doanh nghiệp thực hiện mô hình CĐML tại các xã Thới Xuân, Thạnh Phú, Trung An, Trung Hưng, Thới Đông, Đông Hiệp, Đông Thắng với tổng diện tích là 2.239 ha…

Khẳng định hiệu quả, phong trào xây dựng CĐML đã và đang phát triển ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai những năm qua, mô hình CĐML đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo các địa phương: Phần lớn năng lực Ban quản lý các CĐML còn hạn chế. Dù các thành viên nhiệt tình công tác nhưng chưa được đào tạo và chưa có kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý, điều hành nên chưa phát huy tốt lợi thế của kinh tế hợp tác nhằm sinh lợi cho người dân. Khi mô hình ở quy mô nhỏ, thì việc tổ chức, quản lý, điều hành cũng như việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tương đối thuận lợi. Nhưng khi mở rộng quy mô diện tích lớn, nhiều hộ tham gia thì công việc quản lý điều hành chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng phòng, Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Trình độ của người nông dân không đồng đều nên việc tiếp thu, chọn lọc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, việc ghi chép nhật ký đồng ruộng phần lớn chưa đạt yêu cầu. Đầu ra cho lúa hàng hóa, kể cả các diện tích lúa đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cũng còn nhiều vấn đề bàn cãi. Việc áp giá thu mua của doanh nghiệp từng lúc chưa tạo được sự đồng thuận trong nhân dân nên tình trạng phá vỡ hợp đồng vẫn còn xảy ra. Doanh nghiệp chủ yếu mua lúa khô và giao tại kho trong khi nhiều nơi Ban quản lý chưa tổ chức được việc vận chuyển cho doanh nghiệp hoặc nông dân chỉ muốn bán lúa tươi ngay sau khi thu hoạch.

Ngoài ra, để phát triển mô hình CĐML, nhiều ý kiến cho rằng: Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư mở rộng mô hình cánh đồng mẫu; đầu tư hệ thống lò sấy, kho và nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu. Đào tạo nâng cao trình độ cho Ban quản lý các CĐML về tổ chức, quản lý, điều hành, về chuyên môn, nghiệp vụ. Quan tâm đào tạo, bổ sung nguồn cán bộ kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động từng CĐML. Chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo và hỗ trợ hoạt động cho CĐML tại địa phương, nhất là trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Xây dựng đội ngũ nông dân nồng cốt, gồm những nông dân nhạy bén trong tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tạo điều kiện cho những nông dân khác tiếp cận và làm theo. Giúp việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng nhanh và đồng bộ hơn, hiệu quả sản xuất sẽ tốt hơn…Trong định giá lúa hàng hóa, doanh nghiệp cần xem xét yếu tố giá tại từng địa phương để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hợp đồng đã ký kết. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần liên hệ chặt chẽ với địa phương và ban quản lý CĐML để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nếu có xảy ra trước khi thu hoạch 10-15 ngày. Doanh nghiệp cần gặp gỡ nông dân từng cánh đồng để phổ biến kế hoạch cũng như giá cả thu mua. Trong đó, quan trọng nhất là khi mở rộng các CĐML, diện tích bao tiêu lúa hàng hóa tăng đáng kể, việc thực hiện giao nhận lúa tươi như thế nào để tránh xảy ra ùn tắc, làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng lúa gạo cũng cần có sự thống nhất cao giữa doanh nghiệp và nông dân.

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết