11/03/2009 - 20:57

Để mang thai và sinh con khỏe hơn

Mang thai là giai đoạn rất khó nhọc cả về thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt với cuộc sống nhiều áp lực và vệ sinh an toàn thực phẩm hiện đang trở thành vấn đề thời sự. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một số điều thai phụ cần lưu ý để được “mẹ tròn, con vuông”.

1. Không hút thuốc lá

Bào thai phát triển nhờ hấp thụ nguồn dưỡng chất và ôxy từ cơ thể mẹ. Khi thai phụ hút thuốc lá, chất nicotine, nhựa thuốc lá... cũng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Không chỉ tác động không tốt cho đứa bé trong bụng, ảnh hưởng của các độc tố này có thể kéo dài trong nhiều năm sau nữa.

 

Theo một nghiên cứu của Viện Ung thư ở bang New South Wales (Úc), thai phụ hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ trẻ mắc ung thư khi trưởng thành. Nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cũng tăng 70%, u não và u thần kinh 80%. Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Phát triển và Liệu pháp tâm lý cho thấy phụ nữ hút thuốc trong thời kỳ thai nghén có nguy cơ cao sinh trẻ hung hăng, hiếu chiến.

2. Hấp thu đủ chất xơ

Một nghiên cứu phân tích chế độ ăn uống của 1.500 phụ nữ nhận thấy người tiêu thụ 20 – 30 gam chất xơ/ngày (liều khuyên dùng của bác sĩ) giảm được 70% nguy cơ tiền sản giật so với những người nạp ít hơn. Nếu bổ sung thêm 5 gam nữa, nguy cơ mắc bệnh có thể giảm thêm 14%.

Tiền sản giật là chứng bệnh nguy hiểm, với khoảng 3 -7% phụ nữ mang thai có thể gặp. Triệu chứng điển hình là cao huyết áp, và thường ảnh hưởng bất lợi đến quá trình phát triển của thai nhi. Nếu không can thiệp, bệnh có thể trở nặng, dẫn đến phải thúc sanh sớm.

3. Thể dục nhịp điệu dưới nước

Theo một nghiên cứu của Brazil công bố trên tạp chí Sức khoẻ sinh sản, tập nhịp điệu dưới nước trong thời gian mang thai giúp giảm dùng thuốc giảm đau trong quá trình “vượt cạn”. Theo dõi 71 thai phụ, trong đó phân nửa tập thể dục nhịp điệu dưới nước 3 buổi/tuần (mỗi buổi 50 phút) cho thấy chỉ 27% sản phụ trong nhóm tập nhịp điệu cần dùng thuốc giảm đau. Tỷ lệ ở nhóm đối chứng là 65%.

Mặc dù từng có nhiều ý kiến cho rằng tập thể dục trong thời gian mang thai sẽ ảnh hưởng đến bào thai hoặc làm tăng nguy cơ dị tật cho thai nhi, nhưng nghiên cứu trên chỉ ra rằng tập thể dục nhịp điệu dưới nước thường xuyên trong lúc mang thai không gây hại đến sức khỏe của cả mẹ lẫn bé.

4. Duy trì mức độ tăng cân hợp lý

Một nghiên cứu của khoa Y Đại học Harvard (Mỹ) nhận thấy thai phụ tăng cân quá nhiều có 42% khả năng sinh ra trẻ nặng cân bất thường và béo phì ở tuổi thiếu niên. Theo Viện Y khoa Mỹ, phụ nữ có thể trọng trung bình khi mang thai, nên tăng thêm 11 - 15 kg. Đối với bà bầu thừa cân trước lúc mang thai, nên khống chế ở mức 6,8 – 11,3 kg trong khi người nhẹ cân nên đạt mức tăng 12,7 -18,1 kg.

5. Tránh tiếp xúc keo xịt tóc

Theo một nghiên cứu ở châu Âu, phụ nữ tiếp xúc với keo xịt tóc trong 3 tháng đầu của thai kỳ có khả năng sinh con trai bị dị tật ở bộ phận sinh dục cao gấp 2-3 lần so với bình thường. Mối liên hệ này có thể là do sự hiện diện của chất phthalate (thường được dùng làm dẻo nhựa) trong keo xịt tóc.

CHÂU ANH (Theo NaturalNews)

Chia sẻ bài viết