11/06/2013 - 22:29

Để dòng vốn được khơi thông

 Nhiều ngân hàng đang ráo riết “săn” khách hàng. Ảnh: Giao dịch tại Eximbank chi nhánh Cần Thơ.
Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 51 tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động, với mạng lưới 228 địa điểm có giao dịch ngân hàng; theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ thì vốn tín dụng đang dần khơi thông ra thị trường. Tính đến cuối tháng 5-2013, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tăng 3,45% so với cuối năm 2012 và có khả năng, dư nợ sẽ tăng thời gian tới khi các ngân hàng triển khai gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thu mua tạm trữ lúa gạo hè thu.

Dư nợ tín dụng tăng, nhưng… 

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, hiện nay lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến ở mức 2%/năm; có kỳ hạn dưới 12 tháng ở mức 7,5%/năm; lãi suất huy động từ 12 tháng trở lên cao nhất là 10,5%/năm (ngân hàng thương mại nhà nước) và 11%/năm tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần. Tính đến cuối tháng 5-2013, vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 33.600 tỉ đồng, giảm 1,67% so với cuối năm 2012, tuy nhiên nguồn vốn huy động tháng 5-2013 đã tăng 1,77% so với tháng 4-2013. Lý giải vấn đề này, ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cho rằng, vốn huy động giảm là do khó khăn chung của nền kinh tế và lãi suất huy động có chiều hướng giảm thời gian qua, khiến kênh đầu tư tiền gởi không còn hấp dẫn khách hàng so với trước. Song, vốn huy động tháng 5 có chiều hướng tăng trở lại, đây là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế. Vốn huy động đáp ứng 76,54% trong tổng dư nợ cho vay trên địa bàn; trong đó vốn huy động trên 12 tháng chiếm 27,7%, còn lại vốn huy động ngắn hạn.

Đến cuối tháng 5-2013, tổng dư nợ cho vay đạt 43.900 tỉ đồng, tăng 3,45% so với cuối năm 2012. Về mặt bằng lãi suất cho vay, tính đến cuối tháng 4-2013, dư nợ cho vay bằng VND của các TCTD trên địa bàn có lãi suất từ 15%/năm trở lên chiếm tỷ trọng 19,11% trong tổng dư nợ (đầu năm 2013 tỷ trọng là 25,58%). Riêng các NHTM nhà nước, dư nợ lãi suất trên 15%/năm hiện chiếm 1,05% trong tổng dư nợ (NHTM nhà nước hiện chiếm 44,65% tổng dư nợ cho vay). Các chương trình tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Trung ương dư nợ đều tăng so đầu năm 2013. Cụ thể như: 44 TCTD cho vay nông nghiệp, phát triển nông thôn, dư nợ cho vay chiếm 39% trong tổng dư nợ, tăng 6,9% so với đầu năm 2013; dư nợ cho vay thu mua lúa, gạo chiếm 12,8% tổng dư nợ cho vay, tăng 6,1% so với đầu năm; 39 TCTD cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản với dư nợ chiếm 18,7%, tăng 1,7% so với đầu năm. Cho vay lĩnh vực bất động sản, dư nợ chiếm 6,6% trong tổng dư nợ, tăng 4,47% so với đầu năm 2013… Các TCTD trên địa bàn tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Hiện mức lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 9% - 10%/năm. Ngoài ra, một số Chi nhánh NHTM còn triển khai gói tín dụng ưu đãi theo các chương trình của Hội sở. Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cho biết, dư nợ cho vay tăng có thể khẳng định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông dòng vốn tín dụng trên địa bàn đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Song, trên thực tế, dư nợ tín dụng tăng chủ yếu do thực hiện chính sách cho vay đối với các DN trong đợt thu mua tạm trữ vụ lúa đông xuân 2012-2013, còn các DN sản xuất khác một phần không có nhu cầu vay vốn, phần khác là không tiếp cận được vốn ngân hàng. Theo giám đốc một DN tư nhân, hàng tồn kho vẫn còn, đầu ra chưa mấy sáng sủa, nên DN dù thiếu vốn cũng không dám vay ngân hàng, bởi không có nguồn trả nợ. Một số DN lĩnh vực bất động sản chỉ mong trụ được thời điểm này và chờ thị trường tan băng, bởi từ đầu năm đến nay, thị trường giao dịch trầm lắng, giao dịch thành công rất ít. Thống kê của NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, thành phố có 40 TCTD cho vay bất động sản, đến cuối tháng 4-2013, dư nợ cho vay là 2.728 tỉ đồng, chiếm 6,25% tổng dư nợ cho vay và giảm 1,73% so với cuối năm 2012; dù cuối tháng 5-2013 dư nợ cho vay tăng 4,47% so đầu năm 2013, tuy nhiên, mức tăng này chưa đủ “nóng” để làm tan băng thị trường, tồn kho bất động sản trên địa bàn vẫn rất lớn…

Để khơi thông dòng vốn

Theo ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, thời gian tới dư nợ cho vay sẽ tăng khi các ngân hàng tiếp tục thực hiện giải ngân vốn cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu 2013, cho gói hỗ trợ tín dụng mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng, chi nhánh sẽ thường xuyên giám sát việc huy động và cho vay của các TCTD, hạn chế tình trạng nợ xấu tăng. Hiện một số TCTD trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều chương trình, gói sản phẩm cho vay với lãi suất ưu đãi và “săn” khách hàng ráo riết, nhưng đầu ra vẫn chưa chuyển động mạnh. Điều này cho thấy dù ngân hàng đang thừa vốn, nhưng việc đưa vốn ra thị trường cũng không dễ dàng; cả ngân hàng và người đi vay đều thận trọng thời điểm này vì người đi vay sợ “bẫy” lãi suất, bởi các chương trình, gói tín dụng của ngân hàng chỉ hỗ trợ lãi suất thấp thời gian rất ngắn, sau thời hạn ưu đãi, lãi suất cho vay sẽ điều chỉnh theo thị trường.

Đơn cử như thành phố có 1 DN đã triển khai dự án nhà ở xã hội và bắt đầu tiếp nhận đơn của khách hàng từ đầu tháng 6-2013 và 8 chi nhánh của 5 NHTM nhà nước, gồm: Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) đã sẵn sàng giải ngân vốn vay mua nhà ở xã hội của các khách hàng cá nhân và đầu tư nhà ở xã hội của doanh nghiệp. Song, ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh thành phố cho biết qua kết quả thăm dò và làm việc với một số ngân hàng trên địa bàn thành phố thì để triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ liên quan đến hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội còn vướng rất nhiều vấn đề. Đây là chính sách mới, quy mô rộng, lãi suất thấp, thời gian cho vay dài, nguồn cung vốn đã sẵn sàng và không giới hạn chỉ tiêu, khách hàng dùng chính căn nhà của mình để thế chấp ngân hàng. Song, người vay phải có thu nhập đảm bảo trả nợ ngân hàng trong suốt thời hạn vay, nếu lấy căn cứ tính toán từ một vị lãnh đạo của Bộ Xây dựng thì người thu nhập thấp là người có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản chi tiêu gia đình, các ngân hàng sẽ cân nhắc khoản dư còn lại phải đảm bảo trả nợ thì mới giải ngân. Đây là vấn đề khó cho khách hàng vì phải chứng minh rất nhiều thủ tục, giấy tờ. Mặt khác, nhiều người có nhu cầu nhà ở, nhưng có tâm lý là không thích sống trong chung cư, nhà ở diện tích dưới 70m2, nhưng vẫn đăng ký mua… Điều này rất dễ phát sinh tình trạng mua rồi bán sang tay. Lẽ đó, Chi nhánh sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên đối với gói hỗ trợ này.

Trước thực tế của thị trường tín dụng hiện tại cho thấy, cung- cầu vốn thị trường vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ, các ngân hàng không thể hạ tiêu chí cho vay, còn người vay vẫn thận trọng vay vốn thời điểm này mà đang chờ lực cầu thị trường cải thiện.

     Song Nguyên

 

Chia sẻ bài viết