13/08/2020 - 11:16

Để doanh nghiệp chung tay ứng phó biến đổi khí hậu 

Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1055/QÐ-TTg ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Kế hoạch). Ðây là cơ sở để Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối DN và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng với BÐKH, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Doanh nghiệp Cần Thơ tìm hiểu điện mặt trời tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.

Doanh nghiệp Cần Thơ tìm hiểu điện mặt trời tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.

Kế hoạch xác định 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bao gồm: nâng cao hiệu quả thích ứng với BÐKH thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BÐKH và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BÐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BÐKH.

Ðể thực hiện Kế hoạch trên, huy động nguồn lực có ý nghĩa quan trọng đối với việc triển khai các hoạt động thích ứng với BÐKH. Nguồn lực thực hiện Kế hoạch được huy động từ nhiều kênh khác nhau, tuân thủ theo các quy định pháp luật, có thể được huy động từ các kênh gồm: ngân sách nhà nước; hỗ trợ quốc tế; nguồn lực của các doanh nghiệp (DN) và đóng góp của cộng đồng. Theo các chuyên gia, nguồn lực từ cộng đồng DN đóng vai trò quan trọng để nâng cao năng lực thích ứng với các tác động của BÐKH ở tầm quốc gia. Bởi DN vừa là chủ thể chịu tác động của BÐKH vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ những tác động của BÐKH. Tuy nhiên, nhận thức về BÐKH của nhiều DN còn hạn chế, chưa quan tâm tới bảo vệ môi trường, thực hiện mô hình sản xuất và tiêu dùng nhằm phát thải các-bon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững...

Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng DN, Kế hoạch nêu rõ: Nhà nước tạo cơ sở pháp lý, áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính, các DN trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với BÐKH của Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng: thúc đẩy sự tham gia của DN cần dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Do đó, cần xây dựng một lộ trình phù hợp song song với đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ đề ra trong Kế hoạch. Ðồng thời, cần giúp DN hiểu rằng việc xây dựng và triển khai Kế hoạch vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của DN về ưu đãi thuế, tạo cơ hội kinh doanh mới, tiếp cận thêm các nguồn hỗ trợ vốn bên ngoài… Về phía DN cũng đề xuất các cơ quan liên quan cần hỗ trợ phát triển công cụ đánh giá tác động của BÐKH và thiên tai, cũng như đưa ra các quy định, hướng dẫn thống nhất về quy trình đánh giá; xây dựng cơ chế hỗ trợ tín dụng thuế linh hoạt, phù hợp với hình thức kinh doanh và quy mô DN. Mặt khác, các DN tiếp tục nghiên cứu, đánh giá mức độ tác động và xu hướng của BÐKH đến hoạt động đơn vị để sẵn sàng cho việc xây dựng năng lực ứng phó một cách phù hợp. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng; đầu tư, ứng dụng năng lượng tái tạo; áp dụng các biện pháp, mô hình các-bon thấp, sản xuất sạch hơn trong sản xuất kinh doanh…

Bài, ảnh: L. MẪN

Chia sẻ bài viết