01/04/2012 - 17:55

Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng ở TP Cần Thơ

Để đạt hiệu quả cao

Bài cuối: Đào tạo và sử dụng chưa chặt chẽ!?

Không thể phủ nhận những thành quả to lớn trong quá trình xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Cần Thơ thời gian qua. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân vẫn còn tình trạng thiếu- thừa nguồn nhân lực...

Lãng phí nguồn lực tại chỗ...

Sinh viên ngành chăn nuôi Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đang thực hành trên mô hình. Ảnh: B. KIÊN

Nỗ lực của TP Cần Thơ trong việc nâng cao nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của thành phố đã thể hiện sự thành công bằng các chương trình, dự án nâng cao nguồn nhân lực đạt hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập.

Công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông nói riêng và sự thiếu định hướng của gia đình đã ảnh hưởng rất lớn đến việc định hướng nghề nghiệp của nhiều học sinh. Việc a dua, chạy theo phong trào đã dẫn đến một sự lãng phí lớn trong đào tạo nhân lực. Chú Mai K., ở quận Ô Môn, cho biết: “Lúc con gái lớn của tôi tốt nghiệp THPT thấy bạn bè học dược nhiều quá, nghe nói ngành y, dược dễ kiếm tiền nên tôi cũng cho con theo học. Con gái kế tôi cũng cho học ngành xét nghiệm máu. Hai cháu tốt nghiệp mấy năm rồi mà vẫn chưa tìm được việc làm. Chán nản, con gái lớn có chồng, con gái nhỏ thì xin học lại lớp trung cấp mầm non”. Cách đây nhiều năm, chị Hà Ngọc Thư, ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, cũng chọn học ngành sư phạm Anh văn nhưng sau khi tốt nghiệp, chị Thư không thể tìm được chỗ dạy vì giáo viên Anh văn đã bão hòa. Hơn một năm mang hồ sơ đến các trường xin việc nhưng không nơi nào nhận, chị bỏ hẳn ước mơ làm cô giáo và tìm việc khác trái với ngành nghề mình đã học. Chị Thư cho biết: “Cũng may, công việc mà tôi tìm được hiện nay không cần chuyên môn, nên tôi không mất nhiều thời gian để được đào tạo lại cho thích nghi với công việc mới”. Không tìm hiểu cặn kẽ công việc, thiếu định hướng nên rất nhiều người sau khi học nghề đã không tìm được việc làm. Vì vậy, rất nhiều người sau khi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học đã phải làm một công việc khác trái ngành nghề đào tạo. Để thích nghi được với công việc mới, nhiều người phải được đào tạo lại- đây chính là một lãng phí không nhỏ nhất là với sinh viên sư phạm- những người không phải đóng học phí khi học đại học, cao đẳng.

Nghịch lý là ở chỗ, khi hàng loạt cử nhân, kỹ sư... không tìm được việc làm thì ở nhiều đơn vị cần tuyển lao động phổ thông có tay nghề nhưng không tuyển được vì không có nguồn. Ông Mai Châu Tiết, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, cho biết: “Một số doanh nghiệp cần tuyển nghề hàn, may công nghiệp... nhưng trường không đáp ứng được do nguồn tuyển hàng năm rất khó, vì nhiều thí sinh cho rằng nghề may lương thấp, nghề hàn thì rất nặng nhọc và độc hại”. Có thể nói, hiện nay, hệ thống các trung tâm dạy nghề đã có mặt ở tất cả các quận, huyện đáp ứng nhu cầu dạy và học nghề ở địa phương. Tuy nhiên, các trung tâm nghề ở một số nơi còn thiếu cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị dạy nghề và những nghề mới thu hút người học. Nhiều nghề được đào tạo lại khó kiếm việc làm. Anh Ngũ Minh L., ở huyện Phong Điền, theo học nghề điện sau khi tốt nghiệp THCS, nhưng đã hơn 2 năm sau khi tốt nghiệp, anh L. vẫn không tìm được việc làm. Không riêng gì anh L., nhiều học viên sau khi học nghề đã không thể tìm được việc làm vì nhiều huyện ở TP Cần Thơ chưa có xí nghiệp, nhà máy... để nhận học viên sau khi tốt nghiệp. Việc mở rộng các trung tâm dạy nghề, đưa nghề, trường nghề về nông thôn là cần thiết trong quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, việc đào tạo thiếu định hướng tất yếu dẫn đến tình trạng học viên không thể tìm được việc làm sẽ làm “nản” các học viên khác. Rõ ràng việc đào tạo và sử dụng không gặp nhau sẽ gây nhiều lãng phí.

Chưa phát huy hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao

Đề án Cần Thơ-150 đã bước đầu thể hiện hiệu quả khi hàng loạt cán bộ, ứng viên trở về nước và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ, Phạm Phi Giang cho rằng: “Khi đăng ký tham gia Đề án Cần Thơ- 150, tôi đã có mong muốn trở về làm công tác giảng dạy. Vì vậy, ngay sau khi về nước tôi đã chọn về công tác tại trường. Tuy nhiên, không phải ứng viên nào cũng thích làm giảng viên, giáo viên. Vì vậy, khi được phân công về công tác ở các trường, một số người đã không thể thích nghi, chưa cống hiến được những kiến thức mà mình đã tiếp thu được trong quá trình du học”.

Một điều quan trọng là ý thức của một số ứng viên khi tham gia đề án chưa cao. Có ứng viên “chê” lương trả thấp so với trình độ “du học” của mình. Tuy nhiên, xét ở cả góc độ tình và lý thì chuyện so đo, tính toán của một số ứng viên là không hợp đạo lý. Bởi trong hoàn cảnh kinh phí thành phố đang khó khăn, nhiều công trình, dự án rất cần kinh phí nhưng thành phố vẫn dành một nguồn kinh phí lớn để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng là một điều đáng trân trọng. Thạc sĩ Nguyễn Phương Quân, giảng viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, nói: “Thực tế, lương chúng tôi nhận cũng là mặt bằng lương chung. Những người tham gia Đề án Cần Thơ 150 không thể so đo, tính toán mức lương bởi chúng ta có được bằng cấp từ nước ngoài là nhờ kinh phí của thành phố”.

Thực tế cho thấy, để hoàn thành chương trình học, mỗi ứng viên cần từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng kinh phí. Với khoảng 150 người, số tiền mà thành phố dành cho đề án là không nhỏ. Tuy nhiên, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, nguồn nhân lực có tay nghề là rất cần thiết trong quá trình phát triển TP Cần Thơ thực sự thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa... của toàn vùng. Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ, quá trình xây dựng nguồn nhân lực rất cần có quy hoạch cụ thể, chi tiết nguồn nhân lực mà thành phố cần có trong từng thời điểm của tương lai. Rõ ràng, khi có được định hướng đúng thì việc đào tạo sẽ không lãng phí. Thực tế cho thấy, không phải ứng viên nào tham gia các chương trình, đề án nâng cao nguồn nhân lực của thành phố cũng phát huy hết sở học của mình. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển của thành phố, bởi không ít người được chọn tham gia các chương trình, đề án của thành phố là cán bộ nguồn trong tương lai. Tuy nhiên, công bằng mà nói, việc không thể phát huy được kiến thức đã học của nhiều ứng viên còn do ở nhiều đơn vị điều kiện nghiên cứu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được kiến thức kỹ năng của nhiều ứng viên.

Không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực trong chất lượng nguồn nhân lực của TP Cần Thơ những năm gần đây. Đó cũng là thành quả mà các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố dày công xây dựng. Tuy nhiên, dường như sự chuyển biến đó là chưa đủ, nhất là khi TP Cần Thơ đang phấn đấu trở thành trung tâm của toàn vùng châu thổ Cửu Long. Rõ ràng, các chương trình, đề án xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao không thể chỉ dừng lại ở chỗ: đào tạo được bao nhiêu kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ... trong và ngoài nước mà phải hướng đến mục tiêu, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực này như thế nào để đạt hiệu quả cao. Có như vậy, TP Cần Thơ mới tránh được lãng phí một phần ngân sách trong công tác xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết