03/04/2008 - 10:44

Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012

Xây dựng 141.300 phòng học và 1,6 triệu m2 nhà công vụ cho giáo viên toàn quốc

(CT)- Ngày 2-4-2008, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị “Triển khai đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012”. Đại diện 64 tỉnh, thành của cả nước đã tham gia hội nghị thông qua cầu truyền hình trực tiếp tại 5 điểm: Hà Nội (2 điểm), Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ.

Theo đề án, từ năm 2008 đến năm 2012, cả nước sẽ có 141.300 phòng học được xây dựng mới, trong đó sẽ xây dựng 140.100 phòng học để xóa phòng học tạm (các phòng học tre lá, bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng...) và 1.200 phòng học để xóa 3 ca. Tổng kinh phí xây dựng các phòng học là 22.400 tỉ đồng. Đề án cũng đề cập đến việc giải quyết nhà công vụ cho giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL... Theo đó, từ nay đến năm 2012 sẽ đầu tư khoảng 2.800 tỉ đồng xây dựng khoảng 1,6 triệu m2 nhà công vụ cho giáo viên. Tổng kinh phí của đề án trong 5 năm là 25.200 tỉ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương huy động từ trái phiếu Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương khoảng 16.200 tỉ đồng, ngân sách hàng năm của địa phương khoảng 7.000 tỉ đồng và 2.000 tỉ đồng huy động từ các nguồn đóng góp của xã hội.

Tại hội nghị, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng cũng đưa ra dự thảo về phân bổ nguồn vốn cho các địa phương thực hiện đề án và hướng dẫn áp dụng thiết kế mẫu phục vụ đề án kiên cố hóa trường lớp. Đóng góp cho dự thảo phân bổ nguồn vốn và các thiết kế mẫu trường lớp, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Tài chính nên phân bổ kinh phí phù hợp với tình hình từng địa phương, cần chú ý đến những vùng khó khăn trong vận chuyển vật liệu như: miền núi, hải đảo. Trong phân bổ kinh phí cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho những vùng có trình độ dân trí thấp. Về định suất đầu tư 200 triệu đồng/1 phòng học, nhiều đại biểu cho rằng Bộ Tài chính nên tính đến mức độ trượt giá trong vòng 5 năm, đồng thời phải tính đến địa hình của từng địa phương. Chẳng hạn, ở vùng ĐBSCL nền đất yếu nên phải đầu tư xây dựng nền móng tốn nhiều tiền hơn...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các địa phương khẩn trương lập đề án và tiến hành các thủ tục cần thiết để có thể bắt đầu thực hiện đề án ngay trong tháng 4-2008, bởi số lượng phòng học phải xây dựng trong giai đoạn 2008-2012 tăng gấp 2,35 lần so với giai đoạn trước nhưng thời gian triển khai thực hiện chỉ có 5 năm. Các Bộ ngành liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc để hỗ trợ kịp thời cho các tỉnh, khu vực khó khăn. Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ sẽ kết hợp cùng các Bộ, ngành liên quan để xem xét những đề nghị của các đại biểu trước khi đưa ra những chỉ tiêu phân bổ kinh phí chính thức cho các địa phương...

L.G

Chia sẻ bài viết