20/08/2021 - 08:26

Đẩy mạnh vận chuyển, chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ 

Sau chuyến vận tải vào Khu V thành công, cuối năm 1964, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở rộng tuyến vận tải bằng đường biển vào các bến thuộc địa bàn Khu V.

Phương án này tuy cung đường được rút ngắn nhưng xuất hiện nhiều khó khăn mới, nhất là việc tìm đặt bến; địa hình ven biển trống trải, các cửa sông tàu ta có thể vào để giao hàng thì địch đã đóng đồn bốt, ngoài biển thì ra đa, tàu chiến, máy bay địch kiểm soát khá cẩn mật.

Sau khi nhận được thông tin về bến, bãi do các tổ trinh sát và cơ quan quân sự địa phương cung cấp, Bộ Tư lệnh Hải quân đã thông qua phương án vận chuyển do Đoàn 125 đề xuất đồng thời nhấn mạnh: Các tàu vào ven biển Khu V phải thật khôn khéo lừa địch trên đường hành trình; táo bạo, bí mật thọc sâu vào bến, nhanh chóng bốc dỡ hàng xong là rút ngay. Trường hợp thật đặc biệt mới ở lại ban ngày nhưng phải chuẩn bị đầy đủ kế hoạch và phương án chiến đấu phòng khi bị lộ.

Hồ Chủ tịch thăm và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 Hải quân (cuối năm 1960). Ảnh: TL

Sau một thời gian phối hợp với Khu V nghiên cứu và chuẩn bị bến bãi, ngoài bến Vũng Rô (Phú Yên) đã có, các bến Lộ Diêu (Bình Định), Đạm Thuỷ (Quảng Ngãi), Bình Đào (Quảng Nam) được khẩn trương chuẩn bị và sẵn sàng tiếp nhận hàng.

Ngày 21/9/1964, Tàu 401 được lệnh lên đường vào Khu V. Tàu có 12 cán bộ, chiến sĩ. Khi hành trình trên biển gặp gió mùa Đông Bắc nên chi ủy tàu hội ý và quyết định cho tàu quay trở lại.

Ngày 10/10/1964, Tàu 401 xuất phát lần 2 nhưng gặp bão, đành phải vào tạm trú tại đảo Hải Nam. Ngày 25/10, Tàu tiếp tục hành trình. Vượt qua sóng gió và sự tuần tra, kiểm soát của địch, sáng 1/11/1964, tàu cập bến Lộ Diêu nhưng bị mắc cạn, phải mạo hiểm giao hàng vào ban ngày. Toàn bộ vũ khí được đưa về vị trí cất giấu an toàn. Do bị mắc cạn, Tàu 401 bị hỏng nặng không thể khắc phục được, chi bộ quyết định đốt cháy tàu để xóa dấu vết.

Tình hình Tàu 401 mở bến Lộ Diêu được báo cáo lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tư­ớng chỉ thị: Không sử dụng bến Lộ Diêu nữa mà tìm cách đưa hàng vào bến mới ở Phú Yên. Chấp hành chỉ thị của trên, Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định chọn bến Vũng Rô làm điểm giao hàng cho chiến trường Phú Yên.

Để thực hiện chuyến đi vào Vũng Rô, Bộ Tư­ lệnh Hải quân và Đoàn 125 chọn Tàu 41. Đây là chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên của Đoàn 125 đi vào Khu V. Tàu có 16 cán bộ, thủy thủ do Thuyền tr­ưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh (giữa), Thuyền trưởng Tàu 41 có 3 lần cập bến Vũng Rô (cuối năm 1964). Ảnh: Phương Oanh

Ngày 16/11/1964, Tàu 41 chở 45 tấn vũ khí rời Bãi Cháy (Hòn Gai, Quảng Ninh). Đi đư­ợc hơn một ngày thì gặp gió mùa Đông Bắc, sở chỉ huy chỉ thị cho tàu dừng lại ở đảo Hải Nam (thường gọi là A3) chờ lệnh. Ngày 26/11, tàu tiếp tục hành trình. Đến 23 giờ ngày 28/11, tàu cập bến Vũng Rô. Sau chuyến thứ nhất, Tàu 41 được lệnh vào Vũng Rô lần thứ 2, lần thứ 3. Cả 3 chuyến vận chuyển đều thắng lợi, an toàn.

Có vũ khí từ miền Bắc chuyển vào, tháng 12/1964, Bộ Tư lệnh Khu V đã mở các đợt tác chiến tiêu diệt quân chủ lực ngụy, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá kìm, diệt ác, giải phóng một số vùng ở đồng bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà. Tại thung lũng An Lão, chỉ trong một đêm, lực lượng của ta đã san bằng 9 cứ điểm của địch.

Phát huy thắng lợi, các trung đoàn chủ lực của Khu V đã phối hợp với các tiểu đoàn bộ đội địa phương và đặc công tiếp tục tiến công địch giành chiến thắng vang dội ở Việt An, Quế Sơn, Đèo Nhông, Dương Liễu… Hàng ngàn tên địch bị tiêu diệt. Hàng vạn nhân dân vùng đồng bằng được giải phóng. Đến đây, cao trào đấu tranh quân sự, chính trị song song ở Khu V có bước phát triển mới, góp phần làm chuyển biến cục diện chung trên toàn miền.

Công việc vận chuyển đang tiến triển thuận lợi thì xảy ra sự kiện Tàu 143 bị lộ ở Vũng Rô. Theo kế hoạch, Tàu 143 chở 63 tấn vũ khí vào bến Lộ Diêu (Bình Định) nhưng sau đó được lệnh đưa hàng vào bến Vũng Rô (Phú Yên). Ngày 16/2/1965, sau khi bốc dỡ hàng hóa, tàu quay ra thì tời neo bị hỏng, buộc phải ngụy trang ở lại bến nhưng bị địch phát hiện. Chúng cho máy bay ném bom và sử dụng lực lượng bộ binh bao vây hòng tiêu diệt và bắt sống cả người và tàu của ta. Trong trận chiến đấu không cân sức, một số đồng chí bộ đội địa phương bị thương và hy sinh, ta mất một số vũ khí cất giấu chưa kịp chuyển đi.

Con đường vận chuyển chiến lược trên biển không còn giữ được bí mật nữa. Biết rõ ý đồ của ta, địch tăng cường tuần tiễu, kiểm soát chặt chẽ và phong tỏa vùng biển miền Nam. Việc vận chuyển vũ khí, hàng hóa quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển gặp muôn vàn khó khăn, Quân ủy Trung ương quyết định tạm ngừng việc vận chuyển bằng đường biển vào miền Nam để nghiên cứu phương thức vận chuyển mới, phù hợp với tình hình.

Tháng 10/1964, Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho lực lượng vũ trang miền Nam mở đợt hoạt động Đông-Xuân (1964-1965) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực ngụy, mở rộng vùng giải phóng. Chiến trường chính trong đợt hoạt động này là miền Đông Nam Bộ, miền Trung Trung Bộ và Tây Nguyên.

Để chuẩn bị cho đợt hoạt động trên, Bộ Tư lệnh miền Đông Nam Bộ xin chi viện vũ khí vận chuyển bằng đường biển vào Bà Rịa. Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho Đoàn 125 thực hiện yêu cầu trên. Ngày 29/11/1964, Tàu 56 chở 44 tấn vũ khí, nhổ neo. Đến 10 giờ đêm 22/12, Tàu đã cập bến Lộc An-Sông Ray (Bà Rịa-Vũng Tàu) an toàn.

Du kích Đông Nam Bộ tiếp nhận và vận chuyển vũ khí do tàu Không số chi viện. Ảnh TL

Năm 1964 là năm mà Đoàn 125 vận chuyển được nhiều vũ khí nhất chi viện cho chiến trường. Từ ngày đi chuyến đầu tiên (tháng 10/1962) cho tới đầu năm 1965, Đoàn 125 đã tổ chức trên 90 chuyến, vận chuyển được trên 5 ngàn tấn gồm: Súng đạn, thuốc chữa bệnh và các trang bị quân sự.

Những chuyến đi là hàng trăm câu chuyện thần kỳ về lòng dũng cảm, đức hy sinh, sự tài trí; là những câu chuyện cảm động về tình đồng đội, về tinh thần vượt khó, chịu đựng gian khổ, xông pha hiểm nguy, đối mặt với kẻ thù. Mỗi chuyến đi là một chiến công (kể cả những chuyến thành công và những chuyến chưa thật trọn vẹn).

Những sự tích anh hùng, những huyền thoại của “Đoàn tàu Không số” xâu chuỗi thành con đường bất tử - Đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi lưu truyền trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Theo Báo Hải quân Việt Nam

Chia sẻ bài viết