22/12/2010 - 09:45

Đẩy mạnh phát triển tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn TP Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay. (phần 1)

Trần Việt Trường
– UVBTV TƯ Đoàn, TUV – Bi thư Thành Đoàn Cần Thơ

Trong những năm qua, Thành ủy Cần Thơ đã chỉ đạo các cấp ủy đảng đề ra những giải pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ công nhân, xây dựng tổ chức Đảng và các đoàn thể, trong đó có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN). Tuy nhiên, việc xây dựng tổ chức và hoạt động của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong các DNNNN hiện nay còn bộc lộ nhiều lúng túng, số lượng tổ chức Đoàn hoạt động trong các DNNNN chưa tương xứng với số lượng DNNNN trên địa bàn. Bên cạnh đó, nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đoàn ở các đơn vị vẫn còn không ít hạn chế,… Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới và từng bước khơi dậy tiềm năng của thanh niên công nhân trong quá trình lao động sản xuất tại các DNNNN, góp phần vào sự phát triển của thành phố, việc đẩy mạnh phát triển tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong các DNNNN ở thành phố Cần Thơ đã và đang trở thành nhu cầu bức thiết của tổ chức Đoàn trong giai đoạn hiện nay.

1. Tình hình phát triển DNNNN và hoạt động của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên địa bàn TP Cần Thơ

DNNNN trên địa bàn thành phố có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của thành phố. Nhờ sự tăng trưởng và đóng góp của các DNNNN nên năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp chung của thành phố (theo giá cố định năm 1994) đạt gần 16.653 tỷ đồng, tăng 102,63% so với năm 2005; trong đó khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 210,53%, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của thành phố đạt bình quân 5 năm đạt 15,12%. Đồng thời, các DNNNN đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng công nghiệp – thương mại dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao. Tỷ trọng khu vực I chiếm 12,81%, khu vực II chiếm 43,22%, khu vực III chiếm 43,97%.

 Các DNNNN đã thu hút 89.754 lao động, tạo việc làm khá ổn định cho người lao động. Việc thu hút số lượng lớn lao động và tạo việc làm cho họ đã góp phần quan trọng vào việc khắc phục tình trạng thiếu việc làm, một vấn đề phức tạp đang được cấp ủy, chính quyền trong thành phố quan tâm giải quyết; không những thế phần lớn người lao động làm việc trong các DNNNN có việc làm khá ổn định, đảm bảo thu nhập, đã góp phần đáng kể cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình người lao động.

 * Số lượng các DNNNN tăng lên khá nhanh nhất là những năm gần đây

Năm 1997, toàn tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ) có 394 doanh nghiệp với hơn 27.000 lao động. Sau khi thành phố Cần Thơ được thành lập (năm 2004), được sự quan tâm của Trung ương, Thành ủy Cần Thơ tập trung chỉ đạo đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp, khu chế xuất; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đăng ký và cấp giấy phép kinh doanh; đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích đầu tư những ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Đến năm 2005, thành phố đã có 1.469 doanh nghiệp, đặc biệt từ năm 2005 đến năm 2008 số DNNNN đã tăng rất nhanh, tính đến cuối năm 2008 thành phố có 3.130 doanh nghiệp trong đó DNNNN chiếm 3.087 đơn vị (tăng gần 10 lần so với năm 1997). Trong số DNNNN được thành lập trong các năm từ 2005-2008, gồm: năm 2006 là 377 doanh nghiệp; năm 2007 là 187 doanh nghiệp; năm 2008 là 1.054 doanh nghiệp, Số DNNNN được thành lập trong năm 2008 tăng đột biến so với năm 2007 chủ yếu do xu thế hội nhập kinh tế của thành phố và cơ sở hạ tầng kinh tế của thành phố đang phát triển với tốc độ rất nhanh là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp giao thương, hợp tác kinh tế. Như vậy từ năm 2005 đến 2008 bình quân mỗi năm trên địa bàn thành phố thành lập mới 540 DNNNN.

Hiện nay, nước ta đang tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới CNH, HĐH đất nước, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nói riêng và của thanh niên nói chung lại càng đặc biệt quan trọng. Để phát huy tốt vai trò của thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương (khóa X), ngày 25/7/2008 đã ra Nghị quyết số 25 về: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nghị quyết thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.

Công tác tập hợp và đoàn kết thanh niên đang lao động trong các DNNNN trong cả nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng là vấn đề mới, đang nảy sinh trong quá trình nền kinh tế nước ta triển khai mô hình nền KTTT định hướng XHCN. Đối với thành phố Cần Thơ (tính từ năm 2004 đến nay), khi xem xét ở những mặt ưu điểm có thể đánh giá chất lượng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong các DNNNN trên một số nội dung sau:

* Về số lượng, quy mô

Tính đến năm 2009, toàn thành phố Cần Thơ có 16 DNNNN có tổ chức Đoàn, chiếm 1,2% so với tổng số DNNNN của thành phố. So với năm 2005, số DNNNN có tổ chức Đoàn đã tăng 40 doanh nghiệp, được thể hiện qua bảng 1.1 dưới đây:

Bảng 1.1: Số lượng DNNNN ở thành phố Cần Thơ có tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua 05 năm (2005-2009)

(Nguồn: Cục Thống kê và Đảng ủy Khối doanh nghiệp TP.Cần Thơ)

Qua khảo sát tổ chức Đoàn trong các DNNNN trên địa bàn thành phố Cần Thơ cho thấy quy mô tổ chức Đoàn ở các doanh nghiệp này là không lớn; tổ chức Đoàn có từ 10 – 50 đoàn viên chiếm 88,63 % trên tổng số DNNNN có tổ chức Đoàn. Nếu ta xem xét tổ chức Đoàn trong các loại hình doanh nghiệp thì loại hình công ty cổ phần chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt 75 % so với tổng số các DNNNN có tổ chức Đoàn.

Biểu đồ  1.1: Số lượng DNNNN ở thành phố Cần Thơ phát triển trong 05 năm (2005-2009)

(Nguồn: Cục Thống kê và Đảng ủy Khối doanh nghiệp TP.Cần Thơ)

* Về công tác tư tưởng văn hóa, tuyên truyền giáo dục

Công tác tư tưởng văn hóa, tuyên truyền giáo dục của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở bất kỳ đơn vị nào đều phải tập trung vào 04 nội dung chủ yếu sau: một là giáo dục chính trị tư tưởng; hai là truyền thống; ba là giáo dục đạo đức, lối sống và bốn là giáo dục ý thức pháp luật. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đơn vị mà tổ chức Đoàn trong đơn vị đó linh hoạt để truyền tải các nội dung tuyên truyền giáo dục.

 Bảng 1.2: Số liệu các hoạt động tuyên truyền giáo dục do tổ chức Đoàn thực hiện ở các DNNNN trong năm 2009

(Nguồn: Đoàn ủy khối Doanh nghiệp)

Đối với tổ chức Đoàn trong các DNNNN ở thành phố Cần Thơ, công tác tư tưởng văn hóa, tuyên truyền giáo dục luôn được chú trọng. Việc tuyên truyền, giáo dục lao động trẻ được lồng ghép một cách hợp lý thông qua các buổi sinh hoạt lệ chi đoàn, thông qua Tờ tin Tuổi trẻ Tây Đô do Thành Đoàn Cần Thơ biên soạn hàng tháng hoặc thông qua các hội thi, hội diễn, đố vui, tọa đàm, diễn đàn thanh niên với các chủ đề như: thanh niên với văn hóa giao thông, thanh niên với hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội, thanh niên với truyền thống doanh nghiệp, thanh niên với Đảng - Đảng với với thanh niên…

* Về hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên, bảo đảm vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, vừa bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại đơn vị, địa phương

Qua khảo sát hoạt động các DNNNN ở thành phố Cần Thơ có tổ chức Đoàn, hơn 2/3 các chủ doanh nghiệp đánh giá cao việc gắn kết giữa hoạt động Đoàn với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Việc tổ chức Đoàn trong các DNNNN ở thành phố Cần Thơ phát động các phong trào như: ngày hội Sáng tạo trẻ, hội thi Người thợ giỏi, Phiên chợ công nhân và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhân các ngày lễ trọng đại của đất nước và các ngày kỷ niệm truyền thống của doanh nghiệp đã được sự đồng thuận rất lớn của lãnh đạo các DNNNN.

Các hoạt động phong trào góp phần thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát huy vai trò của Đoàn viên thanh niên. Với nội dung này, Đoàn ủy Khối doanh nghiệp TP. Cần Thơ và các quận, huyện đoàn đã hướng dẫn cho các chi đoàn hoạt động trong các DNNNN tổ chức các phong trào gắn liền với việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tập trung thực hiện các công trình phần việc thanh niên, nhiều phong trào thiết thực đã ra đời như: phong trào Sáng tạo trẻ, phong trào “3 trách nhiệm” (trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với đơn vị, trách nhiệm với nhân dân)… Các chi đoàn còn chủ động phối hợp với tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp cùng tham gia các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần cho công nhân, thông qua các phong trào và hoạt động để giúp lực lượng lao động trẻ nâng cao ý thức lao động, hăng say sản xuất, phục vụ tốt yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể nói các hoạt động phong trào của tổ chức Đoàn trong các DNNNN ở thành phố Cần  Thơ là sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động phong trào của tổ chức Đoàn, vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, vừa bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại đơn vị, địa phương

Nhiệm vụ chính là củng cố và nâng chất lượng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong các DNNNN ở thành phố Cần Thơ luôn được các tổ chức Đoàn trong các DNNNN xem là nhiệm vụ trọng tâm để khẳng định được vị trí, vai trò của mình đối với lãnh đạo doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện nay, thành phố có 44 tổ chức Đoàn trong các DNNNN với 1.708 ĐVTN đang tham gia sinh hoạt.

Bảng 1.3: Thống kê tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên trong các loại hình doanh nghiệp ở DNNNN của thành phố Cần Thơ năm 2009

(Nguồn: Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ)

Mặc dù tổ chức Đoàn từ cấp thành phố đến cơ sở đã có nhiều cố gắng trong công tác phát triển tổ chức Đoàn ở các DNNNN trên địa bàn thành phố Cần Thơ, nhưng kết quả thu được còn rất hạn chế, dù bình quân hàng năm tốc độ phát triển rất cao nhưng nếu so với tổng số các DNNNN trên địa bàn thành phố Cần Thơ thì lại rất khiêm tốn.

Việc chỉ đạo và thành lập tổ chức Đoàn TNCS trong các DNNNN vẫn chưa cụ thể về nội dung, cách làm nên tổ chức Đoàn còn lúng túng trong quá trình hoạt động. Thành Đoàn Cần Thơ chưa kịp thời tham mưu với Thành ủy Cần Thơ ra Nghị quyết chuyên đề trong việc chỉ đạo phát triển tổ chức Đoàn ở các DNNNN trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Một số DNNNN đã đủ điều kiện thành lập tổ chức Đoàn nhưng do thiếu sự quan tâm chỉ đạo nên chưa tập trung đúng lúc, đúng thời điểm để thành lập tổ chức Đoàn. Nhiều tổ chức Đoàn trong các DNNNN chưa coi trọng công tác phát triển đoàn viên trong tổ chức mình.

Việc xây dựng quy chế hoạt động và thực hiện nghiêm túc quy chế còn nhiều yếu kém và bất cập. Bên cạnh đó, công tác khen thưởng chưa thỏa đáng dẫn đến việc cán bộ Đoàn mang tâm lý chán nản, giảm hiệu suất hoạt động cũng là tình trạng còn phổ biến trong các doanh nghiệp. Vì do nếu làm tốt công việc cơ quan thì được lãnh đạo doanh nghiệp thưởng, còn nếu làm tốt công việc của Đoàn mà không hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo doanh nghiệp giao thì không được thưởng mà còn bị phạt trừ lương, v.v…

2. Một số giải pháp chủ yếu góp phần đẩy mạnh phát triển tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong các DNNNN ở thành phố Cần Thơ giai đoạn hiện nay

Một là, nhóm giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy và nâng cao nhận thức của các tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ thành phố về vai trò của đoàn viên thanh niên và tổ chức Đoàn trong các DNNNN trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Thứ nhất, kiện toàn và phát huy vai trò của Đảng ủy khối Doanh nghiệp và tổ chức cơ sở đảng trong các DNNNN

Để các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong DNNNN phát triển, củng cố và nâng chất lượng hoạt động cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, sự giúp đỡ của các ban ngành mà trực tiếp là Đảng ủy khối Doanh nghiệp. Để hoạt động của tổ chức Đoàn đạt hiệu quả, ta cần tập trung những nội dung cơ bản sau:

- Đảng ủy khối Doanh nghiệp và cấp ủy Đảng trong doanh nghiệp cần coi trọng việc định hướng chính trị cho hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở tất cả các lĩnh vực, có phân kỳ chỉ đạo tập trung theo đúng đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; theo chủ trương, nghị quyết của Thành ủy Cần Thơ về phát triển tổ chức Đảng và đoàn thể trong DNNNN.

- Chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của từng đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để hoạt động không bị khô cứng, không rập khuôn, sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp. Đồng thời, coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn, tránh tình trạng hành chính hóa hoạt động Đoàn.

- Cử những cán bộ có phẩm chất, năng lực, có kinh nghiệm công tác Đoàn để theo dõi, giúp đỡ cho tổ chức Đoàn trong quá trình hoạt động tại các DNNNN. Làm việc định kỳ 06 tháng một lần, hoặc làm việc đột xuất với tổ chức Đảng, Đoàn cấp trên và với chủ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà tổ chức Đoàn ở doanh nghiệp gặp phải để giúp hoạt động Đoàn đạt hiệu quả.

- Các cấp ủy, nhất là Đảng ủy khối Doanh nghiệp và cấp ủy Đảng trong các DNNNN cần coi trọng việc xây dựng và thực hiện công tác quy hoạch cán bộ Đoàn trong các DNNNN; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương nhiệm và cán bộ kế thừa để tạo nguồn cho cán bộ cho tổ chức Đoàn và cho tổ chức Đảng khi cần thiết.

Thứ hai, xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa tổ chức Đảng, các ngành chức năng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với người sử dụng lao động trong DNNNN

Đây là nhân tố rất quan trọng, là cơ sở pháp lý để tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoạt động thuận lợi và đạt hiệu quả. Trên thực tế việc xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp ủy Đảng, các ngành chức năng và tổ chức Đoàn với chủ doanh nghiệp không phải lúc nào, ở đâu cũng gặp thuận lợi. Nhiều trường hợp bên ngoài chủ doanh nghiệp có vẻ đồng tình song bên trong họ không muốn cấp ủy Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào công việc nội bộ, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cũng có trường hợp chủ doanh nghiệp thể hiện rõ sự không đồng tình với công việc này. Do vậy, cấp ủy Đảng và tổ chức Đoàn cần kiên trì thuyết phục và nhờ sự tác động của tổ chức Đảng, các ngành chức năng và Đoàn cấp trên. Đồng thời, cần thể hiện sự phối hợp tích cực giữa cấp ủy, tổ chức Đoàn đối với một số hoạt động lớn của doanh nghiệp.

Khi xây dựng các quy chế làm việc, cấp ủy Đảng và tổ chức Đoàn ở nơi đó cần nắm chắc đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp; quán triệt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình để từ đó xây dựng quy chế hoạt động thực tế tại đơn vị cho phù hợp, có tính khả thi cao. Đối với các DNNNN đã có tổ chức Đảng, nội dung của quy chế hoạt động của Đoàn TNCS cần phải được cấp ủy nơi đó thông qua, sau đó có tổ chức thảo luận trong các lực lượng ĐVTN của doanh nghiệp và được biểu quyết thống nhất theo đa số trước khi ban hành. Đối với các DNNNN chưa có tổ chức Đảng, quy chế hoạt động của tổ chức Đoàn nơi đó cần xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của tổ chức Đoàn cấp trên, sau đó có sự bàn bạc thống nhất của ĐVTN ở nơi đó trước khi ban hành. Đặc biệt, quy chế hoạt động của tổ chức Đoàn cần phải được trao đổi kỹ lưỡng với chủ doanh nghiệp để được sự đồng thuận của doanh nghiệp; khi đã có sự nhất trí của chủ doanh nghiệp thì quy chế hoạt động của tổ chức Đoàn tại doanh nghiệp bước đầu đã đạt hiệu quả.

Trong các quy chế hoạt động này, cần xác định rõ mối quan hệ giữa cấp ủy, các tổ chức chính trị xã hội trong đó có tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với chủ doanh nghiệp. Khi quy chế về sự phối hợp giữa cấp ủy, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với chủ doanh nghiệp được ban hành cần thực hiện ngay công tác phổ biến, tuyên truyền và quán triệt trong tất cả lực lượng thanh niên là người lao động trong doanh nghiệp để mọi người nhận thức và thực hiện nghiêm túc quy chế đã ban hành.

Xây dựng quy chế làm việc giữa cấp ủy, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với chủ doanh nghiệp là việc rất khó, tuy vậy, việc duy trì nghiêm túc các nội dung trong quy chế đã ban hành càng khó hơn. Điều quan trọng nhất là cấp ủy và tổ chức Đoàn phải là người trực tiếp mọi người thực hiện nghiêm quy chế. Đồng thời khéo léo tác động đến chủ doanh nghiệp tự giác theo hiện quy chế đã ban hành.

(còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết