25/10/2008 - 08:47

Tiếp các Trưởng đoàn dự Hội nghị AMAF lần thứ 30 và Hội nghị AMAF +3 lần thứ 8, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:

Đẩy mạnh hợp tác, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng càng cao, tăng sức cạnh tranh 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp các Bộ trưởng Nông lâm các nước ASEAN và đại biểu 3 nước đối tác Trung Quốc,Nhật Bản và Hàn Quốc sang dự Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm các nước ASEAN tổ chức tại Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN KHANG - TTXVN.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

* Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tiếp đại diện các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Phó Chủ tịch điều hành, Tổng Giám đốc IFC

Ngày 24-10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp các Trưởng đoàn dự Hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 30 và Hội nghị AMAF + 3 lần thứ 8 (gồm 3 nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 23-25/10/2008.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN và 3 nước đối tác trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp sẽ góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội. Thế giới hiện nay có nhiều biến động hết sức phức tạp, tình hình bất ổn về tài chính, tín dụng ở các nước lớn đang tác động đến toàn thế giới, gây ảnh hưởng nhất định tới khu vực ASEAN + 3. Trong bối cảnh đó, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực thế mạnh và phát triển bất chấp cơn bão tài chính. Nhờ nông nghiệp, nhiều nước duy trì được sự ổn định, đặc biệt là ở Việt Nam. Chủ tịch nước nhấn mạnh, hợp tác khu vực là trọng tâm chính trong chính sách đối ngoại của nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao quan hệ hợp tác với các nước láng giềng và trong khu vực, vì vậy Việt Nam mong muốn ASEAN và 3 nước đối tác tăng cường hợp tác hơn nữa cùng nhau vượt qua những thách thức hiện nay, giữ gìn môi trường trong sạch để cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện tốt hơn.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đề nghị các nước ASEAN và 3 đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác trong vấn đề đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để làm sao các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng ngày càng cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới mạnh hơn. Thị trường cho sản phẩm nông nghiệp cũng là vấn đề rất quan trọng, ASEAN và 3 nước đối tác cần tăng cường hợp tác hơn nữa, và cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn được chia sẻ, học tập kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực đào tạo cán bộ nông nghiệp.

* Ngày 24-10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp Đoàn đại diện các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam nhân dịp 63 năm thành lập LHQ.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp và hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức LHQ vào tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam; bày tỏ Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các tổ chức của LHQ nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Thiên niên kỷ, phục vụ tốt nhất đời sống của nhân dân.

Thay mặt đoàn, ông John Hendra, Điều phối viên của LHQ tại Việt Nam phát biểu, đánh giá cao sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như những thành công trong xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và những tiến bộ đáng kể trong sản xuất lương thực. LHQ tin tưởng, với 8 giải pháp đưa ra, Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện thành công kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

* Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp ông Larc Thunnel, Phó Chủ tịch điều hành, Tổng Giám đốc tổ chức tài chính quốc tế IFC thuộc Ngân hàng Thế giới (WB).

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cảm ơn sự giúp đỡ hiệu quả cả về nguồn lực tài chính và những tư vấn điều hành chính sách của IFC đối với Việt Nam thời gian qua; khẳng định IFC có vị trí quan trọng và đã tham gia tích cực thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Ông Larc Thunnel cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc xử lý những vấn đề mà nền kinh tế gặp phải thời gian qua; đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội và thành công trong xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Ông khẳng định, IFC sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam đối phó với những khó khăn hiện nay của nền kinh tế; cổ phần hóa thành công các ngân hàng thương mại của Nhà nước; tăng cường năng lực hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ các ngân hàng về nguồn vốn, đảm bảo tính thanh khoản, tăng mức hỗ trợ xuất nhập khẩu, tăng cường hỗ trợ về hạ tầng dịch vụ tài chính... IFC cũng cam kết tiếp tục tham gia đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam...

DƯƠNG ĐỨC DŨNG - ĐỖ QUYÊN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết