01/01/2012 - 20:26

TP CẦN THƠ

Đẩy mạnh các biện pháp quản lý nhà nước về giá

CPI tháng đầu năm sẽ chịu tác động lớn của thị trường phục vụ Tết Nguyên đán 2012.
Trong ảnh: Một điểm bán hàng hóa Tết trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung cả thành phố tháng 12-2011 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 15,52% so với tháng 12 năm trước, tăng 35,8% so với kỳ gốc 2009. Và CPI bình quân của thành phố năm 2011 so với năm 2010 tăng 17,29%. Trước những yếu tố khó lường của giá cả thị trường, năm 2012, TP Cần Thơ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về giá, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường để kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường...

* CPI tăng do sức ép cuối năm

CPI của TP Cần Thơ tháng 12-2011 tăng 0,7% so với tháng trước. Nguyên nhân tăng này do giá cả, sức mua hàng hóa trên thị trường phục vụ cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2012 hơn tháng qua đã bắt đầu tăng tốc.

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, trong “rổ hàng hóa” tính CPI của tháng 12, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng cao nhất, mức tăng 1,23%. Trong nhóm này, hàng lương thực tăng 0,34% do giá các loại gạo tăng 0,22% so với tháng trước, như: giá gạo tẻ thường tăng 0,16%, gạo tẻ ngon tăng 0,44%, các loại gạo nếp tăng 0,3%. Thực phẩm thuộc nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 12 tăng 1,19% so với tháng trước. Trong đó, giá các loại rau xanh có chỉ số giá tăng mạnh nhất, với mức tăng 8,74% so với tháng trước. Giá của một số mặt hàng điển hình như: bắp cải tăng 20,77%, các loại đậu tăng 12,45%, rau muống tăng 4,69%... Giá thực phẩm trong tháng tăng đã kéo mức giá ăn uống ngoài gia đình tăng 0,14% và theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, nhóm này nhiều khả năng sẽ đứng ở mức cao và biến động tăng trong tháng 1 - 2012, thời điểm Tết Nguyên đán 2012. Đứng ở vị trí thứ hai trong “rổ hàng hóa” tháng 12 là nhóm may mặc, mũ nón và giày dép, với mức tăng 1,12%. Biến động tăng của nhóm này chủ yếu do phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân; trong đó, chỉ số giá của mặt hàng quần áo tăng 0,78% và giày dép tăng 1,79%.

Kết quả công bố của Cục Thống kê TP Cần Thơ, “rổ hàng hóa” tính CPI của tháng 12-2011 chỉ có 2/11 nhóm hàng (hàng ăn và dịch vụ ăn uống; hàng may mặc, mũ nón và giày dép) có mức tăng trên 1%. Còn lại 7/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng từ 0,04-0,55%, như: đồ uống và thuốc lá; nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giao thông; giáo dục; hàng hóa và dịch vụ khác). CPI tháng 12-2011 có 2/11 nhóm hàng chỉ số giá giảm so với tháng trước là bưu chính viễn thông (giảm 0,19%); văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,06%).

Theo nhận định của các ngành hữu quan, có thể đà tăng giá trong tháng đầu tiên của năm 2012 sẽ mạnh hơn. Nguyên nhân chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện và biến động tăng giá hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2012.

* Tăng cường quản lý nhà nước về giá

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, tháng cuối năm 2011, hàng hóa bán ra của toàn thành phố ước thực hiện 6.163 tỉ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 19,2% so với cùng kỳ; bán lẻ ước đạt 3.639 tỉ đồng, tăng 3,6% so tháng trước và tăng 20,1% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2011, so với năm 2010, hàng hóa bán ra ước thực hiện 72.451 tỉ đồng, tăng 20,1%; bán lẻ ước đạt 39.956 tỉ đồng, tăng 21,1% so với năm 2010.

Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Tháng 12 nói riêng và cả năm 2011 nói chung, tình hình lưu chuyển hàng hóa trên thị trường ở TP Cần Thơ tương đối ổn định; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng duy trì trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, công tác dự trữ hàng hóa và tổ chức các điểm bán lẻ bình ổn giá được các ngành hữu quan, các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt nên không có tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến xảy ra trên địa bàn TP Cần Thơ. Ngoài ra, theo ông Lê Văn Hừng, kết quả khả quan của năm 2011 cũng nhờ vào sự chủ động của các ngành hữu quan trong việc kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, như: lương thực, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, sắt thép, xi măng, đường,... các mặt hàng nhạy cảm và các thiết bị điện tử; kiểm tra về đo lường các mặt hàng xăng, dầu, khí hóa lỏng (kể cả việc sang chiết gas trái phép),... nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường.

Theo UBND TP Cần Thơ, phấn đấu năm 2012, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố ước thực hiện 93.300 tỉ đồng; bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 49.400 tỉ đồng. Trước những yếu tố khó lường của giá cả thị trường, năm 2012, TP Cần Thơ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về giá, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường để kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt hàng, tăng giá đột biến. Để làm được vấn đề này, TP Cần Thơ sẽ khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tăng cường kiểm soát cung - cầu; đồng thời quản lý, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu góp phần ổn định giá cả thị trường...

Song song với các mặt công tác trên, ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Ngay trong tháng đầu năm 2012, đặc biệt là trong khoảng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngành công thương sẽ chủ động phối hợp với các ngành hữu quan tăng cường kiểm tra chống buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại; kiểm tra, kiểm soát biểu hiện nâng giá các mặt hàng thiết yếu; kiểm tra, xử lý việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm không có dấu hoặc tem kiểm định của cơ quan thú y... Từ đó xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý giá. Cũng theo ông Lê Văn Hừng, ngành công thương đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường. Việc làm vừa giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa giúp người tiêu dùng có định hướng đúng tránh tình trạng đổ xô mua hàng, gây sốt ảo hàng hóa trên thị trường.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

CPI tháng đầu năm sẽ chịu tác động lớn của thị trường phục vụ Tết Nguyên đán 2012. Trong ảnh: Mộ

Chia sẻ bài viết