12/07/2010 - 21:09

Dạy con niềm đam mê đọc sách văn học

Quầy truyện tranh ở Nhà sách Phương Nam Cần Thơ thu hút rất đông các bạn nhỏ, trong khi quầy sách văn học thường vắng hoe.

Hè năm học lớp 4, sau khi đọc xong tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, tôi và đám bạn ra ngồi trên triền đê ở cánh đồng trước nhà, nhìn trời đất bao la, tưởng tượng một ngày nào đó mình sẽ như chú dế kia, phiêu lưu đến những miền đất lạ. Từ tác phẩm văn học đầu tiên ấy, chúng tôi đã đến với sách bằng một niềm đam mê mãnh liệt. Sách văn học đã bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn, chắp cho chúng tôi đôi cánh ước mơ, bước ra khỏi lũy tre làng, học hành, đỗ đạt. Vậy nên, trong thời buổi sách không phải khó tìm như bây giờ, thấy những em nhỏ cùng lứa với mình ngày ấy lại thờ ơ với sách, thật không khỏi chạnh lòng…

Chị Ngọc Linh, một công chức nhà nước ở phường An Lạc, kể: “Tôi có thể chia sẻ với đứa con gái 13 tuổi của mình mọi thứ, nhưng không thể hướng cháu vào sở thích đọc sách như mình mong muốn. Sách văn học tôi mua về, cháu đem tặng hết, lại chỉ thích chơi game và đọc truyện tranh đánh đấm nhảm nhí, riết rồi cháu bị ảnh hưởng văn phong trong đó, những bài tập làm văn của cháu toàn những câu cụt ngủn, không có tính biểu cảm”. Theo chị Linh, con gái chị rất thông minh, nhưng thường xuyên bị khống chế điểm môn văn nên học lực chỉ xếp loại khá. Chị Linh mời giáo viên dạy văn đến nhà kèm, đọc sách cùng con nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Còn bé Quốc Bảo, 8 tuổi, con trai chị Nhã Trúc, một giáo viên ở phường An Khánh, mê hình tượng siêu nhân tới nỗi chỉ đọc và xem những gì liên quan đến siêu nhân. Những câu chuyện dễ thương về dế mèn, chú gà, con trâu, cánh đồng, con đường làng... mẹ mua về, Bảo gạt ngang. Mấy tháng nay, Bảo chuyển sang ghiền game, canh mẹ vắng nhà là mở máy chơi suốt. Chị Trúc bày tỏ: “Trẻ chịu đọc sách là tốt, nhưng phải đọc đúng sách dành cho lứa tuổi của mình mới có thể mở mang tâm hồn, làm tiền đề cho việc học văn. Nhưng thời buổi tràn ngập các loại hình giải trí như bây giờ, hướng con vào sách văn học thiệt khó!”.

Những lần vào tham quan các nhà sách ở trung tâm TP Cần Thơ, chúng tôi đều thấy trẻ em lứa tuổi cấp 1, cấp 2 ngồi chật kín ở những quầy truyện tranh, còn các kệ sách văn học dành cho các bé vắng hoe, dù không thiếu những tác phẩm hay, hình thức khá bắt mắt. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng tình hình sách văn học thiếu nhi trong nước hiện nay chưa phong phú về nội dung lẫn hình thức, trong khi mảng truyện tranh của một số tác giả trong và ngoài nước nội dung chưa kiểm soát kỹ, không thích hợp với lứa tuổi thiếu nhi, nhưng vì hình thức bắt mắt, đánh đúng thị hiếu của lứa tuổi mới lớn nên các em ồ ạt tìm đọc. Chị Lương Xuân Mai, trưởng ca Nhà sách Phương Nam Cần Thơ (Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam chi nhánh Cần Thơ), cho biết: Thời gian qua, doanh thu về sách thiếu nhi tăng khoảng 20% so với trước đây, chủ yếu ở mảng truyện tranh nước ngoài, truyện cổ tích, lịch sử Việt Nam bằng hình, sách tranh từ điển Anh-Việt... Chị Xuân Mai bày tỏ: “Nhà sách cố gắng tạo nhiều không gian đọc cho các em, thường có những chương trình ưu đãi, giảm giá dành cho sách văn học thiếu nhi. Tuy nhiên, loại sách văn học ít hình hoặc không có hình minh họa thường bán ra không đáng kể”. Chúng tôi gặp bé Châu Nguyễn Anh Vy, học sinh (HS) lớp 6 Trường THCS Đoàn Thị Điểm vào đầu tháng 7 ở nhà sách Phương Nam Cần Thơ khi bé đang “nghiến ngấu” một xấp truyện tranh. Anh Vy cho biết lịch học kín mít từ sáng đến tối, về nhà chỉ muốn nằm ngủ, không có thời gian đọc sách, nếu có, chỉ coi qua loa vài quyển truyện tranh. Hỏi vài tác phẩm văn học thiếu nhi quen thuộc trong nước, Vy lắc đầu: “Chưa từng đọc tới!”.

Theo một giáo viên cấp 2 ở quận Ninh Kiều, đôi khi cách dạy văn trong nhà trường khiến các em không thích thú, chưa khơi gợi được niềm đam mê đọc sách văn học. Từ cấp 2 trở lên, chương trình học nặng, kể cả môn văn, nhiều sách tham khảo văn mẫu ồ ạt ra đời sẽ ít nhiều ảnh hưởng khả năng tìm tòi, trí tưởng tượng của các em. Trẻ em sống ở đô thị bị những loại hình giải trí khác lấn át niềm say mê đọc sách, trong khi ở nông thôn thì không có điều kiện tiếp xúc nhiều với sách.

Nói về ích lợi của việc đọc sách văn học, em Phạm Thúy Nga, HS lớp 6 Trường THCS Hưng Phú, hồn nhiên khoe: “Đọc sách rất có ích, giúp em học được nhiều thứ, thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Từ những tấm gương vượt khó trong sách, em có thêm nghị lực vươn tới”. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau giờ học phải tranh thủ đi bán vé số, nhưng tuần nào Nga cũng đạp xe từ Cái Răng qua nhà sách Phương Nam Cần Thơ đọc sách miễn phí. Những tác phẩm văn học ý nghĩa, giàu tính nhân văn đã trở thành người bạn đồng hành, giúp Nga có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống.

Bạn bè thường gọi Nguyễn Huỳnh Trâm Anh, HS lớp 11 Trường THPT Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ, là “mọt sách”, vì Trâm Anh không chỉ biết nhiều văn học trong nước mà còn am hiểu nhiều tác giả văn học các nước Anh, Pháp, Trung Quốc. Không chỉ đọc tác phẩm suông, Trâm Anh còn tra cứu thêm sách lịch sử để hiểu rõ hơn các vấn đề thời đó, vì vậy, những bài luận của Trâm Anh thường sắc sảo, thuyết phục. Chị Thúy, mẹ Trâm Anh kể: “Khi cháu vừa biết mặt chữ, gia đình tìm sách văn học dành cho thiếu nhi về dạy con gái đọc, giảng giải từng từ. Sau này, chúng tôi giúp cháu chọn sách, định hướng những loại hình sách cháu sẽ đọc, làm thẻ thư viện cho cháu có điều kiện tiếp xúc với nhiều tác giả, tác phẩm. Còn nhỏ nhưng Trâm Anh thuộc rất nhiều văn thơ, còn tập tành sáng tác nữa”. Từ năm cấp 2, Trâm Anh đã có một nhóm bạn cùng chung niềm đam mê văn học, trao đổi sách và chia sẻ cảm nhận cùng nhau. Trâm Anh nói: “Đọc sách văn học, em cảm nhận tâm hồn mình phong phú hơn, vốn từ cải thiện rõ rệt, không chỉ môn văn, mà các môn văn hóa khác em học cũng tốt hơn”.

Chị Bùi Thanh Thảo, Phó khoa Khoa học xã hội và Nhân văn Trường Đại học Cần Thơ, nhận định: “Trẻ em hiện nay không có niềm say mê đọc sách phần lớn do thói quen. Nhiều gia đình cha mẹ quá bận rộn, không có thời gian đọc sách hay kể chuyện cho con nghe, để con tự lựa chọn loại hình giải trí như chơi game, xem ti-vi, đĩa... Muốn trẻ đọc sách văn học người lớn cần chủ động, kiên trì, chịu khó hướng dẫn để trẻ thấy được cái hay, cái đẹp trong tác phẩm. Để giúp trẻ có thói quen đọc sách, cần có sự kết hợp từ nhiều phía, quan trọng nhất là bản thân sách phải hấp dẫn, trẻ em mới chọn đọc. Nhà trường và gia đình phải tạo niềm vui, khơi gợi niềm hứng thú đọc sách cho các em, không nên gượng ép. Nếu có điều kiện, cho trẻ xem phim hoặc kịch liên quan đến tác phẩm thì hiệu quả càng cao”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết