14/11/2011 - 21:18

CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở CẦN THƠ

Đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Giờ học của sinh viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ. Ảnh: B.NG

Nhìn chung, mạng lưới các trường cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) ở TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung phát triển khá mạnh về qui mô cũng như chất lượng đào tạo. Nhưng qua thực tế triển khai các nhiệm vụ đào tạo, các cơ sở giáo dục vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc... Làm gì để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường? Điều này đã được đặt ra tại buổi làm việc gần đây giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với đại diện các cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn thành phố.

* Mở rộng cơ sở vật chất: Nhiều khó khăn

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có 12 trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập; trong đó, có 3 trường ĐH (Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Tây Đô), Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ và phân hiệu của Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, thành phố còn có một số trường ĐH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, đang chuẩn bị điều kiện thành lập là ĐH Kỹ thuật - Công nghệ, ĐH Kinh tế- Kỹ thuật Nông nghiệp, ĐH Đồng bằng sông Cửu Long. Các trường có hơn 2.000 cán bộ, viên chức với quy mô đào tạo hơn 45.000 sinh viên, học sinh. Nhìn chung, các trường đều thực hiện khá nghiêm túc Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012, chương trình hành động của Bộ GD&ĐT và “3 công khai”... để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, trách nhiệm quản lý của UBND cấp tỉnh, Sở GD&ĐT đối với các cơ sở giáo dục ĐH chưa được rõ ràng nên còn chồng chéo chức năng quản lý nhà nước về giáo dục; việc phối hợp giữa các ngành, địa phương trong quản lý các cơ sở này chưa chặt chẽ,...

Những năm gần đây, mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH ở TP Cần Thơ phát triển khá mạnh về qui mô, ngành nghề đào tạo. Thế nhưng, hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH, nhất là các cơ sở mới và sẽ được thành lập, được UBND thành phố cấp đất mở rộng cơ sở vật chất đều bị “vướng” khâu bồi thường thiệt hại (BTHT), giải phóng mặt bằng (GPMB), hoặc đội ngũ giảng viên... Đơn cử như, Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ vào tháng 4-2010, nhưng vẫn chưa thể “lên” ĐH được vì còn thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Theo ông Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, thành phố đã qui hoạch xây dựng trường ĐH Kỹ thuật-Công nghệ tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, nhưng chưa xây dựng được do chưa có kinh phí BTTH, GPMB.

Tương tự, Trường CĐ Y tế Cần Thơ đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất do vướng phải khâu giải phóng mặt bằng mở rộng cơ sở phía đường Nguyễn Văn Cừ. Do khó khăn về cơ sở vật chất, nên trường phải thuê thêm 5 phòng học và bố trí một số lớp vào ban đêm. Trường cũng không đủ phòng để triển khai phòng thực tập, mặc dù đã có đủ trang thiết bị, mô hình và không có ký túc xá, sân chơi rèn luyện thể chất cho sinh viên... Ông Trần Ngọc Hùng, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết thêm: “TP Cần Thơ hiện có rất nhiều trường đào tạo ngành y, dược, số sinh viên thực tập ở các bệnh viện tăng lên rất nhanh, nên quá tải ở nơi thực tập, thực tế”. Còn theo đại diện Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại- cơ sở Cần Thơ, UBND thành phố đã cấp 10 ha tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy để xây dựng cơ sở hoạt động, nhưng đến nay vẫn chưa thể sử dụng vì “vướng” khâu BTTH, GPMB...

* Liên kết đào tạo

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn thành phố, lãnh đạo các trường đề nghị thành phố xem xét, tăng nguồn kinh phí đầu tư giúp các trường xúc tiến nhanh BTTH, GPMB và đầu tư thêm trang thiết bị thực hành, thực tập... Theo đại diện Sở Tài chính, trong khi ngân sách thành phố còn khó khăn, các trường nên bổ sung kinh phí BTTH, GPMB vào dự án đầu tư xây dựng công trình để được cấp kinh phí và “linh động” tranh thủ nguồn kinh phí đầu tư từ trung ương.

Ở khía cạnh khác, để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, vấn đề liên kết giữa các trường cũng được nhiều đại biểu đặt ra. Ông Phan Văn Thơm, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, cho rằng: “Nếu các trường ĐH, CĐ cùng hợp tác, hỗ trợ nguồn lực trong đào tạo sẽ cùng nhau phát triển. Khi đó, các trường tận dụng được nguồn nhân lực cán bộ, giảng viên, trang thiết bị thực hành lẫn nhau. Điều này cũng sẽ tránh đào tạo trùng lắp, gây lãng phí”. Theo đại diện Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại- cơ sở Cần Thơ, khi các trường tìm được “tiếng nói chung”, liên kết, liên thông trong đào tạo sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh, “đầu vào” cũng thuận lợi hơn. Còn bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ thì đề xuất: “TP Cần Thơ nên có dự báo nguồn nhân lực từ nay đến năm 2020. Qua đó, giúp các trường chủ động mở mã ngành phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”...

Tại buổi làm việc, các đại biểu còn đề nghị các ban, ngành liên quan khi thẩm định thành lập trường mới, mở mã ngành mới cần kiểm tra chặt chẽ các điều kiện về nhân lực, vật lực để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, nói: “Ngành giáo dục thành phố nên thẩm định chặt chẽ hơn nguồn lực hiện có của các trường, nhất là trường có đào tạo y, dược”. Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: “TP Cần Thơ sẽ tạo mọi điều kiện để các đơn vị thành lập mới các trường, hoặc mở thêm mã ngành mới, nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả đào tạo, các trường ĐH, CĐ nên liên kết hỗ trợ nhau trong đào tạo, nghiên cứu khoa học,... nhằm đưa giáo dục, đào tạo TP Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung thoát khỏi “vùng trũng” về đào tạo nguồn nhân lực”.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết