29/07/2012 - 10:07

Đâu rồi nét hồn nhiên của "Đồ Rê Mí"

Thí sinh Gia Linh trình bày sử ca “Bạch Đằng Giang” của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Ảnh: eva.vn

“Đồ Rê Mí” là cuộc thi hát dành cho thiếu nhi do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, phát định kỳ vào lúc 20 giờ 10 phút Chủ nhật hằng tuần trên kênh VTV3, đã đi vào giai đoạn cuối. Tuy nhiên, không ít khán giả màn ảnh nhỏ đã thấy băn khoăn khi ban tổ chức gán ghép cho các thí sinh những chiêu trò của người lớn.

Chương trình “Đồ Rê Mí” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2007 và duy trì đến nay. Sau 5 lần tổ chức, phải nói là chương trình nhận được nhiều tình cảm của các em thiếu nhi và cả người lớn. Những nét ngây thơ, giọng hát tự nhiên, thoải mái của các em khiến khán giả thích thú.

Tuy nhiên, nếu như những năm đầu, chương trình để các em bộc lộ khả năng, cách diễn xuất một cách tự nhiên thì năm nay chương trình dần biến các em thành những “ca sĩ chuyên nghiệp”, khá nặng nề khiến các em đánh mất sự hồn nhiên sẵn có của tuổi thơ.

Trước hết, khán giả nhận thấy thí sinh ra trình diễn đều được trang điểm khá đậm, khoác lên người những trang phục đầy màu sắc nóng bỏng kèm theo phụ kiện, dây đeo rất rườm rà, không phù hợp với độ tuổi từ 5-10 tuổi của các em. Đành là phong cách trình diễn là một phần quan trọng nhưng xem phần vũ đạo của một số em, người lớn không khỏi ái ngại: các bé gái lắc hông, quăng mông và liếc mắt “rất người lớn” với khán giả. Có em mặc đồ “bốc lửa” rồi nhảy điệu đà và giao lưu, đập trống, gảy đàn của nhạc công. Đáng nói là phần thi diễn bài “Rock con diều” của một bé gái giống na ná với ca sĩ Siu Black trên sân khấu biểu diễn.

Thể loại và cách chọn bài hát của thí sinh cũng là vấn đề đáng nói. Năm nay, chương trình dành cho trẻ em lại có phần thi hát nhạc rock và... opera. Làn hơi còn non nớt, giọng hát chưa rành rọt của trẻ lên 5, 6 liệu có phù hợp với các thể loại nhạc mà không phải người lớn nào cũng có thể hát được? Thương quá, nhiều thí sinh đã hụt hơi với những ca khúc đòi hỏi vút cao hay gào thét của nhạc kịch và nhạc rock. Tuổi của các em làm sao có thể hiểu và trình bày ra chất một bài sử ca vào loại kinh điển như “Bạch Đằng Giang” (Lưu Hữu Phước) hay yêu đương, cách tỏ tình đầy lãng mạn của “H’Zen lên rẫy” (Nguyễn Cường)- vậy mà các em vẫn phải thi diễn ngượng ngùng, cập rập.

Cuộc thi nào cũng có kẻ thắng người thua. Giọt nước nước mắt của các em nhỏ phải rời cuộc chơi khiến khán giả thấy thương, đồng cảm; nhưng thật khó chấp nhận việc có phụ huynh khóc lóc, nhìn con bằng ánh mắt não nề, trách móc. Đưa con đến với cuộc thi để các em thỏa đam mê ca hát, dạn dĩ, thân thiện với mọi người chứ đâu phải thi để thành “sao”!

Quá nhiều điều bất cập, quá nhiều sức ép đặt lên vai của các thí sinh “Đồ Rê Mí” khiến cuộc thi vốn dĩ của sự thơ ngây, hồn nhiên trong tâm hồn trẻ thơ còn đúng nghĩa chăng?

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết