09/07/2023 - 08:28

Dấu ấn ngôi làng 240 năm tuổi 

Bài, ảnh: Yên Lương

Ðình thần Bình Thủy, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vừa long trọng tổ chức lễ hội Kỳ yên vào giữa tháng 5 âm lịch. Ðồng thời, lễ hội còn là dịp kỷ niệm 240 năm thành lập làng (1783-2023). Ðây được xem là một trong những lễ hội Kỳ yên đông vui nhất miền Tây sông nước, thu hút hàng rất đông người từ khắp nơi tham dự.

Diễn hành xe hoa chào mừng lễ hội.

Sôi nổi ngày hội sông nước

Lễ Kỳ yên còn gọi là Cầu an, mang ý nghĩa cầu mong quốc thới dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng thắng lợi, nhà nhà ấm no. Lễ Kỳ yên Ðình Bình Thủy tại Châu Phú, An Giang diễn ra với nhiều nội dung đặc sắc. Về phần lễ có các nghi thức Thỉnh sắc, Nghinh thần, Túc yết, Xây chầu, Chánh tế… Về phần hội có các hoạt động: diễu hành xe hoa, hát bội, đua thuyền, hóa trang, trò chơi dân gian…

Nghi thức thỉnh sắc thần quanh cù lao luôn được người dân chờ đợi. Sắc thần là văn bản do vua Bảo Ðại ban, phong tặng danh hiệu cho tôn thần của làng Bình Thủy. Nghi thức thỉnh sắc thần mang ý nghĩa cung thỉnh tôn thần du ngoạn xung quanh làng để xem xét dân tình và ban rải phước lành. Nối đuôi theo xe thỉnh sắc thần của Ban Quý tế đình thần Bình Thủy là các xe hoa diễu hành của các ấp trong xã, cùng xe máy rồng rắn nối đuôi nhau.

Ðặc biệt trong phần hội, giải đua thuyền truyền thống trở thành “thương hiệu” của xứ cù lao Bình Thủy. Dù chỉ là phong trào địa phương nhưng giải đua thuyền thu hút rất đông đảo đội thi đấu. Năm nay, giải đua thuyền có 45 đội tham gia. Mỗi đội có 10 thành viên, các đội được chia theo bảng, mỗi vòng đua là một bảng, cự ly đường đua là 5.000 mét. Thuyền đua là thuyền gỗ do mỗi đội tự chế tác. Ðua thuyền diễn ra trong 2 ngày, mùng 9 thi đấu vòng loại, mùng 10 thi đấu chung kết.

Ðể cổ vũ cho đua thuyền, thanh niên địa phương hóa trang với nhiều hình thức rất phong phú. Họ vẽ mặt, bôi đen cơ thể, dùng lá cây trang trí lên người, mặc những trang phục lạ mắt… Sau khi diễu hành dọc cù lao bằng xe, họ tiếp tục xuống những chiếc bè trên sông để cổ vũ cho giải đua thuyền. Trên bè, các thanh niên hò reo, ca hát, nhảy múa… vô cùng sôi nổi. Hình ảnh hàng chục chiếc bè trên sông với hàng trăm thanh niên hóa trang đầy hài hước không tìm thấy tại bất kỳ nơi nào khác ở miền Tây.

Dấu ấn làng cổ trên đất cù lao

Xã Bình Thủy là địa danh hành chính của cù lao Năng Gù, thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ðây là một trong những ngôi làng được thành lập từ rất sớm trên địa bàn tỉnh, cách nay tròn 240 năm.

Năm 1783, gia đình cụ Dương Văn Hóa (1723-1818) gốc miền Trung chiêu mộ dân cư đến khai phá cù lao Năng Gù, đặt tên là thôn Bình Lâm. Khi đó, vùng đất mới phương Nam trong bối cảnh xung đột giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh. Sau khi vua Gia Long lên ngôi, thôn Bình Lâm thuộc trấn Vĩnh Thanh, lúc này cụ Dương Văn Hóa được phong chức Trùm tri thâu. Ðến triều vua Tự Ðức, Bình Lâm đổi tên thành Bình Thủy đến nay.

Từ khi làng hình thành, ngôi miếu thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh cũng ra đời, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho cư dân trên vùng đất mới. Sau hàng trăm năm tồn tại, trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi miếu đơn sơ ngày nào đã trở thành Ðình thần Bình Thủy đồ sộ, khang trang và tôn nghiêm như hiện nay.

Nằm cạnh ngôi đình là phủ thờ Họ Dương, đây là nơi an nghỉ và nơi thờ tự cụ Dương Văn Hóa và các thế hệ tổ tiên họ Dương xã Bình Thủy. Hằng năm, phủ thờ và đình tổ chức lễ giỗ cụ Dương Văn Hóa từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 1 âm lịch. Cụ được người địa phương tôn là Tiền hiền làng Bình Thủy.

Ngoài hai di tích nêu trên, do là một làng cổ nên Bình Thủy có hàng chục ngôi nhà cổ nằm rải rác trên cù lao. Phần lớn những ngôi nhà này có tính nghệ thuật, kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Ðông và phương Tây, nhiều họa tiết trang trí phong phú. Bên trong những ngôi nhà, chủ nhân còn lưu giữ được nhiều cổ vật mang giá trị lịch sử cao.

Cù lao Năng Gù - xã Bình Thủy là vùng đất thuần nông trù phú. Ðến đây, khách gần xa có thể trải nghiệm không khí làng quê yên bình, những mảnh vườn sum xuê cây trái, những người nông dân hồn hậu. Ngày nay, xã đang từng bước chuyển mình, phát triển phù hợp với xu thế chung, gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Những người con Bình Thủy đang viết tiếp trang sử 240 năm qua của cha ông.

Chia sẻ bài viết