07/06/2009 - 20:31

Đảo xa "khát" nước

Giữa nơi mênh mông là nước, người dân lại... thiếu nước! Nước ở đây được chắt chiu từng giọt và tái sử dụng nhiều lần. Trong khi đó, “hồ nước Chủ tịch” vẫn đang trong giai đoạn sửa chữa sau nhiều lần lỗi hẹn với người dân mà chưa biết khi nào hoàn thành ...

Chắt chiu từng giọt nước

Hồ nước ở Hòn Lớn, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đang được nâng cấp, sửa chữa. 

Ở quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), người dân đang “khát” nước ngọt. Các giếng đào, giếng khơi gần như cạn kiệt. Người ta phải vét từng lon một. Còn nhớ, những năm mùa khô kéo dài, người dân chia lịch để vét nước. Nước chảy ra bao nhiêu, vét hết bấy nhiêu. Nước ít nên phải vét luôn cặn, cát rồi lắng lại để uống chứ chẳng dám xài. Các gia đình cử người đi “canh” nước, ngủ xếp hàng chờ đến lượt mình. Những mạch nước ngầm hiếm hoi vắt kiệt sức mình vẫn không thể cung cấp đủ nước ngọt cho người dân sử dụng. Ông Trần Văn Tuấn, 17 năm sinh sống trên Hòn Mấu (xã Nam Du, huyện Kiên Hải), cho biết: “Nước ngọt trở thành nỗi ám ảnh. Có những đêm đang ngủ, tôi bỗng la thất thanh vì chiêm bao thấy có người lấy cắp thùng nước ngọt của mình vừa “mót” được! Nhờ trời, năm nay mưa sớm, giếng vẫn còn chút nước. Hạn chừng nửa tháng thì giếng cạn queo. Lại phải ngủ tại giếng chờ... vét nước!”.

Liên tục nhiều cơn mưa đầu mùa năm nay không làm dịu được cơn khát. Cư dân trên quần đảo 21 hòn này chủ yếu trông chờ vào nguồn nước duy nhất tại Bãi Ngự ở Hòn Lớn (xã An Sơn, huyện Kiên Hải). Vị trí “đối sơn tích thủy” của khu vực này đã tạo ra nguồn nước ngọt quanh năm. Nhưng gần đây, nguồn nước này cũng không còn dồi dào nữa. Người dân ngay tại Hòn Lớn vẫn phải đổi nước với giá 15.000 đồng/thùng phuy 200 lít, 3.000 đồng/2can loại 20 lít. Qua tới Hòn Ngang, Hòn Mấu (xã Nam Du), giá nước tăng thêm 3.000-5.000 đồng/phuy, 1.000 đồng/đôi tùy vị trí. Lúc khan hiếm, giá đổi nước lên đến 35.000 đồng, cao điểm là 65.000 đồng/phuy nước. Người nghèo không mua được nước thì cầm can chờ ở cầu tàu trông chờ vào sự “hào phóng” của nhà tàu mang nước từ đất liền ra đảo để giải nhiệt cơn khát.

Nước ngọt trở thành “báu vật” của người dân đảo xa nên phải chắt chiu từng giọt. Bà Lưu Thị Phương, ở xã Nam Du, tâm sự: “Nước vo gạo được sử dụng rửa rau. Xả quần áo bằng nước biển rồi mới sử dụng nước ngọt xả lại để... rửa mặn. Tắm cứ như thoa nước lên người chứ chẳng dám xối nhiều. Tiết kiệm lắm thì mỗi người cũng phải sử dụng khoảng 150.000-200.000 đồng tiền nước ngọt mỗi tháng. Lúc khan hiếm, giá cao, nước ngọt chỉ để uống và nấu ăn. Tắm biển rồi “rửa mặn” bằng một ít nước ngọt...”. Hằng năm, người dân trên các đảo này phải chịu “khát” nước ngọt ít nhất 3 tháng. Nhiều giếng khơi, giếng tự nhiên và một số giếng đào ở Hòn Ngang bị nhiễm mặn, nước lợ nhưng cũng được người dân tận dụng mang về xài.

Mỏi mòn chờ đợi...

 Người dân chắt chiu từng giọt nước ngọt (ông Trần Văn Tuấn ở ấp Hòn Mấu, xã Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đang chuyển nước ngọt về sử dụng).

Năm 1999, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm người dân đảo này đã tặng một hồ nước trị giá khoảng 5 tỉ đồng. Người dân trên đảo, ai nấy cũng hồ hởi, gọi công trình này là “hồ nước Chủ tịch”. Nhưng niềm vui ấy cũng sớm tắt lịm khi hồ nước chỉ sử dụng được vài mùa thì phơi đáy. Bà Nguyễn Thị Minh, ở xã An Sơn, đến bây giờ vẫn còn ngao ngán: “Tôi có nghe nhiều người nói hồ nước được sửa lại, phục vụ cho dân. Nhưng thời gian hoàn thành thì chẳng biết tới khi nào. Chờ đợi, hy vọng nhiều rồi, bây giờ chẳng mấy ai quan tâm nữa đâu, mấy chú ơi!”. Hồ nước chỉ được lót một lớp vải chống thấm rồi lót đan lên trên. Sau mùa mưa, nước ngầm chảy dưới lớp vải gây lún, sụp đan, rách vải... rồi nước cũng rút đi sau những cơn mưa. Người dân phải bỏ tiền khoảng 600.000 đồng/hộ để lắp đồng hồ nước, dẫn ống về nhà sử dụng. Có người sử dụng được vài tháng. Cũng có người chưa kịp trả tiền nước sử dụng tháng đầu tiên thì hồ đã cạn và phơi đáy. Chính quyền địa phương đã nhiều lần chi ngân sách để khắc phục, nhưng hồ nước vẫn chỉ là một cái chảo đất khổng lồ trị giá tiền tỉ!

Ông Trần Xuân Núi, Chỉ huy phó Công trình nâng cấp, sửa chữa hồ nước Nam Du, cho biết: “Hiện nay, công trình đang trong giai đoạn hoàn tất, có thể bàn giao vào giữa tháng 6-2009”. Lý giải nguyên nhân xây dựng chậm so với tiến độ, ông Núi cho biết thêm: “Do điều kiện vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc... từ đất liền ra đảo rất khó khăn nên công trình bị chậm, trễ tiến độ so với dự kiến. Việc sửa chữa lần này sẽ khắc phục được tình trạng lún, thấm của hồ nước, đảm bảo sử dụng an toàn...”.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, khi công trình hoàn tất sẽ được giao cho Công ty Cấp-Thoát nước và Vệ sinh môi trường tỉnh Kiên Giang quản lý và khai thác. Nếu như vậy, khi đó, hệ thống đường ống dẫn nước đến hộ dân và đồng hồ nước phải được lắp mới. Và như thế - một lần nữa, người dân lại chịu tốn kém mà không biết công trình hoạt động như thế nào!

Cuối năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đồng ý chi 10 tỉ đồng, gấp 2 lần kinh phí xây dựng, để sửa chữa hồ nước này. Thời gian hoàn thành công trình này là 250 ngày, tức đưa vào sử dụng vào tháng 8-2008. Khi đó, có thể rửa hồ và chính thức chứa nước vào mùa mưa năm nay. Thế nhưng, tiến độ rùa bò của công trình đã kéo dài thời gian thi công thêm khoảng 9 tháng. Hôm chúng tôi đến, dưới cái nắng chói chang cuối tháng 5-2009, chỉ thấy có 6 công nhân đang làm việc tại công trình dang dở, không thấy bóng dáng của người quản lý công trình. Phía dưới đáy là một vũng nước đục ngầu màu đất đỏ. Vật liệu xây dựng nằm vương vãi. 6 công nhân đang tập trung làm những tấm đan lót vòng quanh thành hồ. Bí thư xã An Sơn Lê Hiền Nhân thở dài, bảo: “Không biết công trình có hoàn thành trong năm nay không? Phương tiện thì cũ kỹ, hoạt động vài bữa lại hư và phải sửa chữa, công nhân chỉ có vài người... thì làm sao thi công nhanh được?”.

Nhiều người dân bức xúc cho biết: Chi phí xây dựng hồ nước này nếu chia đều cho các hộ ở hai xã Nam Du và An Sơn thì mỗi hộ dư sức xây dựng một cái bồn chứa nước mưa sử dụng quanh năm cho cả gia đình. Làm như vậy, người dân không phải tốn tiền đổi nước suốt hơn 8 năm qua, Nhà nước cũng không phải tốn thêm 10 tỉ đồng để sửa chữa...

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết