24/03/2024 - 07:07

Đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn vùng ĐBSCL 

Lễ ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành Điện tử và Vi mạch bán dẫn giữa Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ, Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu (Công ty Sun Edu) vừa diễn ra cuối tuần qua. Tại buổi lễ, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công nghiệp bán dẫn vùng ĐBSCL cũng được lãnh đạo các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương bàn thảo.

Đào tạo đón đầu

Ông Huỳnh Thành Ðạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, nhận định nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghiệp quan trọng như công nghiệp bán dẫn (CNBD) có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiềm lực KH&CN quốc gia. Nhân lực là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị CNBD toàn cầu. Đây là ngành công nghiệp có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỉ USD năm 2023 và tiếp tục tăng trưởng nhanh. Hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành CNBD đã được định hình và có hàng rào gia nhập cao; các quốc gia đang phát triển khó có thể tham gia. Tuy vậy, với sự tái định vị chuỗi giá trị ngành bán dẫn sau đại dịch COVID-19, sự cạnh tranh công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành CNBD, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ tìm tài liệu học tập.

Ông Huỳnh Thành Ðạt cho biết Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nước ta đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm các dự án sản xuất bán dẫn. Đến nay, Việt Nam đã và đang ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn lớn trong ngành CNBD từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản… với khoảng 40 công ty. Nhiều tập đoàn trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip…”. TP Cần Thơ chủ động thúc đẩy hoạt động phát triển nhân lực phục vụ ngành CNBD thông qua việc hợp tác đào tạo nhân lực giữa các đơn vị, trường ĐH có ý nghĩa quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư cho TP Cần Thơ và cả vùng Tây Nam Bộ”, ông Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực Điện tử và Vi mạch bán dẫn trên cả nước là rất lớn. Một trong các giải pháp hàng đầu để phát triển công nghiệp điện tử, CNBD là sớm phát triển nguồn nhân lực chuyên môn, nhất là nguồn nhân lực trong nước có trình độ cao, ổn định, cạnh tranh để xây dựng và thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực CNBD lớn trên thế giới đến hoạt động tại Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ, cho biết, trong Nghị Quyết 124/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7-2023), có giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: KH&CN, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng “Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành CNBD đến năm 2030, trong đó dự kiến đào tạo khoảng 30.000-50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành CNBD”. Trường ĐH Cần Thơ vinh dự là 1 trong 18 ĐH, trường ĐH được phân giao chỉ tiêu đào tạo kỹ sư lĩnh vực Vi mạch bán dẫn. Đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn đối với trường. GS.TS Nguyễn Thanh Phương cho biết: Từ năm 1991, trường đã có kinh nghiệm đào tạo kỹ sư lĩnh vực Kỹ thuật điện tử, riêng ngành Kỹ thuật máy tính (là ngành có nội dung đào tạo liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn) đã được trường tổ chức đào tạo từ năm 2008. Bên cạnh đó, nhà trường đã hợp tác với một số tập đoàn lớn về thiết kế vi mạch của Hoa Kỳ (như Cadence, Synopsys), trong quá trình đào tạo đã cung cấp cho các kỹ sư kiến thức và kỹ năng cần thiết đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Theo số liệu thống kê do Cộng đồng vi mạch Việt Nam công bố tháng 7-2023, Trường ĐH Cần Thơ thuộc tốp 5 các trường ĐH cung cấp nhân lực làm việc trong lĩnh vực Vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Trường hiện có gần 2.000 cán bộ, giảng viên (trong đó có gần 1.200 giảng viên, trình độ tiến sĩ chiếm 55% và GS, PGS chiếm 17%) và 45.000 sinh viên, đào tạo đa ngành, chuyên sâu và phong phú, cơ sở vật chất ngày được nâng cấp hiện đại. “Nhà trường còn có mạng lưới các đối tác trong nước và quốc tế mạnh mẽ. Đây là ưu thế giúp trường có điều kiện thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao”, GS.TS Nguyễn Thanh Phương nói.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết, TP Cần Thơ đang đẩy nhanh triển khai đề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ và Đề án thành lập Khu Công nghệ cao Cần Thơ theo quy hoạch tích hợp TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg. Trong đó, thành phố sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tái tạo. TP Cần Thơ đang tập trung kêu gọi các nhà đầu tư để triển khai hạ tầng công nghiệp. Nhiều năm qua, TP Cần Thơ đang xúc tiến và đẩy mạnh lĩnh vực này, hợp tác đầu tư và thu hút nhà đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp, nhất là vi mạch, điện tử... Sự kiện hợp tác đào tạo là bước khởi đầu để triển khai thực hiện quy hoạch, phát triển Cần Thơ, một bước chuyển mình mới để thúc đẩy sự phát triển thành phố.

Hợp tác cùng phát triển

Tại buổi lễ, nhiều đại biểu, chuyên gia cho rằng việc hợp tác giữa các đơn vị là bước quan trọng thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực Điện tử và Vi mạch bán dẫn, giúp hoạt động xúc tiến hỗ trợ, thu hút các dự án đầu tư lớn, phát triển ngành CNBD của thành phố nói riêng, ĐBSCL nói chung. Để triển khai thực hiện chương trình đạt hiệu quả, cần có giải pháp căn cơ. TS Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Công ty Marvell Việt Nam cho biết Marvell lựa chọn đầu tư vào Việt Nam dựa trên sự ổn định về địa chính trị; nguồn nhân lực có kiến thức cơ bản tốt; hiệu quả đầu tư. Hiện nay, CNBD ở Việt Nam đang có cơ hội vàng, các nước đang hỗ trợ Việt Nam để phát triển CNBD trở thành mắc xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành CNBD toàn cầu. Chính phủ Việt Nam quan tâm hỗ trợ với nhiều chương trình, giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành CNBD với mục tiêu đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành CNBD Việt Nam cả về chất lượng và số lượng. 

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Phương, việc ký kết hợp tác phát huy thế mạnh của các bên, cũng như đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực về điện tử và vi mạch bán dẫn đang có nhu cầu xã hội, thúc đẩy sự phát triển của TP Cần Thơ. Bên cạnh đào tạo, đôi bên có thể hợp tác đẩy mạnh thêm các hoạt động về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển hợp tác trong tư vấn, hỗ trợ các chương trình trụ cột phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ. GS.TS Nguyễn Thanh Phương cho biết: “Trường ĐH Cần Thơ cam kết đồng hành với với Công ty Sun Edu thực hiện tốt nhất sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của nhà trường, góp phần phát triển bền vững TP Cần Thơ và ĐBSCL”.   

Thầy Nguyễn Cao Quí, giảng viên Trường ĐH Cần Thơ, chuyên môn Kỹ thuật điện tử và lĩnh vực chuyên sâu Thiết kế vi mạch, cho biết, qua 20 năm công tác thầy nhận thấy phần mềm giảng dạy dành cho thiết kế vi mạch có giá rất cao (có phần mềm giá 1 triệu USD/1 năm); đây cũng là một trong nhiều lý do khó phát triển lĩnh vực Thiết kế vi mạch. Do đó, cần quan tâm hơn về vấn đề này trong triển khai kế hoạch đào tạo.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết thành phố sẽ tạo điều kiện để cụ thể hóa các nội dung thỏa thuận hợp tác mà các đơn vị đã ký kết. Đồng thời, đề nghị 3 đơn vị đầu mối của TP Cần Thơ là Sở KH&CN Cần Thơ, Trường ÐH Cần Thơ, Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ phối hợp với Công ty Sun Edu bắt tay triển khai ngay các nội dung ký kết. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để có kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ, cấp học bổng đến sinh viên, nhất là sinh viên giỏi, có hoàn cảnh khó khăn… góp phần đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng xu thế phát triển các công nghệ mới của thế giới.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết