24/05/2014 - 09:51

Đằng sau cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc

Ảnh: Reuters

Ngày 23-5, cựu trùm khai thác mỏ Trung Quốc Lưu Hán (ảnh), người bị nghi có quan hệ thân cận với gia đình của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị-Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp Trung ương đầy quyền lực Chu Vĩnh Khang, đã bị kết án tử hình về tội danh cầm đầu một băng nhóm tội phạm trong suốt 2 thập kỷ qua. Phán quyết này đồng thời đã hé lộ cuộc đấu tranh quyền lực đằng sau cuộc đàn áp tham nhũng của chính quyền Tập Cận Bình.

Theo hãng tin Reuters, phán quyết trên được một tòa án ở tỉnh Hồ Bắc đưa ra sáng 23-5. Lưu Hán bị buộc tội giết người, buôn bán vũ khí, gian lận, bắt cóc tống tiền, cờ bạc bất hợp pháp và một chuỗi các hoạt động phạm tội khác. Cùng với Lưu Hán, em trai Lưu Duy cũng bị kết án tử hình trong khi 34 thành viên còn lại của băng đảng tội phạm kiểu mafia do Lưu Hán và Lưu Duy cầm đầu nhận các mức án từ 11 năm tù giam đến chung thân. Theo cáo trạng, các hoạt động tội phạm của nhóm này từ năm 1993 cho đến ngày bị phá vỡ đã mang về khối tài sản trị giá 6,4 tỉ USD.

Nhiều nguồn tin cho hay Lưu Hán có mối quan hệ thân cận với gia đình Chu Vĩnh Khang cũng như với nhiều quan tham khác. Tuy nhiên, mối quan hệ thân thiết của ông Lưu với giới quan tham nhanh chóng kết thúc. Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền Chủ tịch nước hồi tháng 3 năm ngoái, vị tỉ phú 48 tuổi có khối tài sản ước tính 855 triệu USD hồi năm 2012 này đã bị bắt giữ cùng với rất nhiều quan chức "có máu mặt" khác. Ngoài các tội danh nói trên, nguyên nhân dẫn đến "cái chết" của Lưu Hán được cho có liên quan đến cuộc đấu đá chính trị tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo các nguồn tin, y bị bắt giữ do "nhúng tay" vào một trò chơi quyền lực hoặc do có mối quan hệ làm ăn với Chu Bân, con trai cả của Chu Vĩnh Khang.

Trong một chiến dịch chưa từng có tiền lệ tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình quyết hạ bệ Chu Vĩnh Khang do ông này vẫn muốn "một tay che trời". Mặc dù nghỉ hưu từ cuối năm 2012, cựu chính trị gia 71 tuổi lại muốn cai trị phía đằng sau hậu trường và trở thành mối đe dọa khôn lường đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. Để "tóm" được ông Chu, các nhà điều tra đã nhắm mục tiêu Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc và các công ty con. Đầu tiên, họ bắt giữ 6 giám đốc điều hành cấp cao là tay chân của ông Chu, sau đó triển khai một cuộc điều tra nhắm vào ông Chu và các thân tín của ông. Nhiều "bộ hạ" của ông Chu sa lưới, trong đó có Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn và Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh. Hơn 300 nhân thân, đồng minh chính trị, bạn làm ăn, thuộc hạ và nhân viên của Chu Vĩnh Khang đã bị bắt giữ và bị thẩm vấn. Cơ quan chức năng đã thu giữ một lượng tài sản "khủng" trị giá ít nhất 14,5 tỉ USD từ các thành viên gia đình và cộng sự của ông Chu.

Chu Vĩnh Khang bị ban lãnh đạo mới Trung Quốc nghi ngờ đã ra lệnh cho một lãnh đạo tình báo quốc gia thân tín của mình nghe lén điện thoại của Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường trước Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012. Ông Chu cũng ủng hộ cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người đang thụ án tù chung thân vì tội tham nhũng và lạm quyền vào vị trí số 3 trong Thường vụ Bộ Chính trị.

TRÍ VĂN (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết