25/06/2020 - 05:31

Dân Úc hết tin Trung Quốc 

Kết quả cuộc khảo sát thường niên vừa công bố của Viện nghiên cứu chính sách Lowy cho thấy, niềm tin của người dân Úc đối với Trung Quốc giảm mạnh do những tranh cãi gần đây về ngoại giao và thương mại giữa hai nước.

Niềm tin của người dân Úc vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giảm mạnh, chỉ còn 22%. Ảnh: Reuters

Theo đó, chỉ 23% trong số 2.448 người được hỏi cho biết tin tưởng Trung Quốc hành động có trách nhiệm đối với thế giới, giảm mạnh so với mức 52% năm 2018, trong khi số người dân xứ sở chuột túi coi Bắc Kinh là đối tác kinh tế giảm xuống còn 55%, so với mức 82% cách đây 2 năm. Thế nên có đến 94% người nói rằng Chính phủ Úc cần đưa ra những biện pháp giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc; 80% ủng hộ các biện pháp trừng phạt quan chức nước này vi phạm nhân quyền.

Ngược với Trung Quốc, sự ủng hộ của dân Úc đối với liên minh an ninh Úc-Mỹ ngày càng tăng. Có 78% số người được hỏi cho rằng Washington là đồng minh quan trọng đối với nền an ninh của Canberra. Đặc biệt, 51% người tin tưởng Mỹ hành động có trách nhiệm trên thế giới, tương đương với tỷ lệ hồi năm ngoái. Song, Tổng thống Mỹ Donald Trump không được lòng người dân Úc, chỉ 30% tin tưởng nhà lãnh đạo xứ cờ hoa “làm điều đúng đắn”, hành động có trách nhiệm trên trường quốc tế. Đây được xem là kết quả của lời cáo buộc “thất thường, thiếu suy nghĩ và không nhất quán” của cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đối với ông chủ Nhà Trắng. Ngược lại, 87% người Úc tin tưởng vào Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trong khi 73% tin tưởng vào Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Cuộc khảo sát còn cho thấy 55% số người được hỏi đánh giá quan hệ giữa Canberra với Washington quan trọng hơn quan hệ với Bắc Kinh. “Niềm tin vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi, đã giảm đi một cách nhanh chóng. Niềm tin vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí còn giảm mạnh hơn” - Giám đốc điều hành Viện Lowy Michael Fullilove cho biết. Cụ thể, chỉ có 22% số người Úc được hỏi tin tưởng ông Tập làm những điều đúng đắn trong các vấn đề quốc tế.

Còn chuyên gia Natasha Kassam của viện này đánh giá, cuộc khảo sát năm nay phát hiện ra tình trạng “tương đối ảm đạm” khi đa số người dân Úc cảm thấy “không tin tưởng, bi quan và không an toàn”. Trong đó, căng thẳng với Trung Quốc được cho góp phần tạo nên sự ảm đạm này. “Cách đây 2 năm, người Úc xem Trung Quốc là một cơ hội kinh tế. Song, sự gia tăng các cuộc tranh luận về nhiều vấn đề khiến nhiều người chuyển sang coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh” - bà Kassam nói.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra trở nên xấu đi từ khi Úc kêu gọi tiến hành cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của SARS-CoV-2, phản đối Tập đoàn công nghệ Huawei, lên án công khai gián điệp và ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước này. Đáp lại, Trung Quốc gần đây áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại nhằm vào các sản phẩm của Úc, như cấm nhập khẩu thịt bò hay áp thuế đối với lúa mạch. Bắc Kinh còn kêu gọi sinh viên và du khách tránh đến Úc, thậm chí chế giễu liên minh lâu đời Canberra-Washington.

Căng thẳng giữa hai nướctiếp tục leo thang hồi tuần trước sau khi Ngoại trưởng Úc Marise Payne tố các nước, gồm Nga và Trung Quốc, bóp méo thông tin giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành.  Thủ tướng Úc Scott Morrison mới đây tiết lộ, một loạt các tổ chức chính trị và khu vực tư nhân ở Úc bị tấn công mạng quy mô lớn bởi “một chính phủ nước ngoài”. Dù nhà lãnh đạo Úc không đề cập trực tiếp nhưng truyền thông nước này cho rằng Trung Quốc chính là “nghi can hàng đầu”.

TRÍ VĂN (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết