28/03/2022 - 09:10

Dân Trung Quốc ngại cưới, ngán ly hôn 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Ðối mặt với tỷ lệ ly hôn tăng vọt, Trung Quốc hồi năm ngoái đã đưa ra quy tắc gọi là “30 ngày hòa giải”, trong đó yêu cầu các cặp vợ chồng phải đợi 1 tháng sau khi nộp đơn ly hôn mới có thể tiếp tục hoàn tất thủ tục chia tay. Biện pháp này đang phát huy hiệu quả khi số vụ ly hôn giảm mạnh.

Các cặp đôi Trung Quốc trong một đám cưới tập thể. Ảnh: NYT

Nhờ quy tắc này, năm 2021 chứng kiến chỉ 2,1 triệu cặp vợ chồng Trung Quốc hoàn tất thủ tục ly hôn, giảm 43% so với 3,7 triệu cặp đôi “đường ai nấy đi” hồi năm 2020. Ðáng chú ý là hơn một nửa số cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn vào tháng 1 năm ngoái ở thành phố Vũ Hán (thủ phủ tỉnh Hồ Bắc) đã quyết định rút đơn, tiếp tục chung sống sau “30 ngày

 hòa giải”.

Lý giải vì sao nhiều cặp đôi phải “tan đàn xẻ nghé”, Dong Yuzheng, Giám đốc Học viện Phát triển Dân số Quảng Ðông, cho biết: “Một số vụ ly hôn trước đây là những vụ ly hôn bốc đồng. Một số người thường cãi vã khi họ gặp các vấn đề nhỏ nhặt. Cái gọi là không có tiếng nói chung thực chất là kết quả của thái độ không đúng mực của cả 2 bên, không đặt mình vào vị trí của người kia và muốn ly hôn bốc đồng khi cơn tức giận dâng cao”.

Thế nhưng, Trung Quốc hiện đang đối mặt với thách thức lớn hơn trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, đó là ngày càng ít công dân chịu kết hôn. Số lượng các cặp đôi đăng ký kết hôn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 36 năm qua, góp phần khiến tỷ lệ sinh giảm mạnh - dấu hiệu đáng lo ngại trong xã hội đang già đi nhanh chóng của Trung Quốc.

Nhiều thanh niên Trung Quốc cho biết, họ không muốn kết hôn vì công việc ngày càng khó tìm, sự cạnh tranh khốc liệt hơn và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. “Tôi không muốn kết hôn chút nào. Tôi nghĩ rằng ngày càng có nhiều người xung quanh tôi không muốn kết hôn. Tỷ lệ ly hôn và kết hôn ở Trung Quốc đã giảm đáng kể. Tôi nghĩ đó là xu hướng không thể đảo ngược” - Yao Xing, một người độc thân 32 tuổi sống ở thành phố Ðan Ðông, tỉnh Liêu Ninh, nói. Yao cho hay, cha mẹ đang gây áp lực buộc anh phải kết hôn và sinh con nhưng công việc mua bán đồ dùng nhà bếp không mang lại thu nhập ổn định - điều mà anh coi là điều kiện tiên quyết để tiến tới hôn nhân.

Quan trọng hơn hết là Yao khó tìm được người bạn đời, bởi nhiều phụ nữ hiện không muốn kết hôn. Theo giới chuyên gia, chính tình trạng bất bình đẳng giới tại nơi làm việc và gia đình cùng với việc được giáo dục tốt hơn và độc lập hơn về tài chính đã khiến nhiều phụ nữ suy nghĩ lại về hôn nhân. Mặt khác, các cặp vợ chồng ở Trung Quốc thường không muốn sinh con, bởi họ lo ngại về chi phí giáo dục tăng cao và gánh nặng chăm sóc cha mẹ già khi con còn nhỏ. Một số cặp đôi thì trì hoãn kết hôn, thay vào đó là chọn cách sống chung với nhau mà không có con cái.

Lo sợ về một ngày dân số có thể bắt đầu giảm xuống, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con. Theo đó, Bắc Kinh cho sửa đổi các quy tắc kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt 2 lần trong những năm gần đây, gồm chấm dứt chính sách “một con” kéo dài hàng thập niên vào năm 2015, sau đó cho phép các cặp đôi sinh con thứ 3. Không những vậy, Trung Quốc còn áp dụng chế độ nghỉ thai sản tốt hơn và có chính sách bảo vệ các bà mẹ khi đi làm. Bất chấp những nỗ lực như vậy, tỷ lệ kết hôn ở nước này đã giảm hàng năm kể từ năm 2014. Theo Bộ Dân chính Trung Quốc, chỉ khoảng 7,6 triệu người kết hôn hồi năm 2021, con số thấp nhất kể từ khi giới chức Trung Quốc bắt đầu ghi nhận số người kết hôn từ năm 1986.

Trong khi đó, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc năm 2021 chỉ là 7,52 trẻ trên 1.000 dân, thấp nhất kể từ khi lập quốc năm 1949. Với đà này, một số dự báo cho rằng Trung Quốc có thể mất vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Ðộ trước
năm 2027. 

Chia sẻ bài viết