HẠNH NGUYÊN (Theo NY Times)
Các quốc gia ở Ðông Nam Á, châu Âu và Mỹ đã bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang phòng chống COVID-19 từ nhiều tháng trước. Gần đây, chính phủ các nước Ðông Á “nối gót” hoặc nới lỏng quy định, nhưng trên thực tế người dân vẫn duy trì thói quen tốt này.
Ða số người dân Nhật đều đeo khẩu trang trong nhà và ngoài đường. Ảnh: NY Times
Từ ngày 30-1, Hàn Quốc đã chính thức bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong hầu hết các không gian công cộng trong phòng kín. Quy định đeo khẩu trang cũng được đổi thành “khuyến nghị” tại nhiều cơ sở trong nhà như trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán cà phê, bến xe buýt và ga tàu điện ngầm. Như vậy, chính phủ xứ kim chi đã chấm dứt quy định đeo khẩu trang được áp dụng suốt 27 tháng qua nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Tương tự, Nhật Bản cũng đã bỏ khuyến nghị người dân đeo khẩu trang khi ở ngoài trời và sắp hủy luôn khuyến nghị đeo khẩu trang ở các địa điểm trong nhà. Ðài Loan trong tháng này cũng sẽ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong khuôn viên khép kín tại phần lớn các địa điểm công cộng.
Thói quen có từ lâu
Ở nhiều vùng của châu Á, người dân đã được yêu cầu đeo khẩu trang trong hơn 2 năm qua. Ðiều này đã hình thành thói quen thường xuyên đeo khẩu trang và rất khó thay đổi.
Thật ra, thói quen đeo khẩu trang đã hình thành ở châu Á từ trước COVID-19, bởi vậy khi đại dịch xảy ra, biện pháp này được thực hiện quyết liệt hơn. Khi đại dịch cúm năm 1918 và gần đây hơn là dịch SARS năm 2002 và MERS 2012 ập đến, giới chức y tế trên khắp khu vực đã dễ dàng thuyết phục dân chúng đeo khẩu trang phòng bệnh.
Một bộ phận người dân Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tận dụng việc đeo khẩu trang để không phải trang điểm. Tại Hàn Quốc, khẩu trang giúp nhiều người giảm bớt sức ép duy trì vẻ đẹp trên khuôn mặt bởi thiết bị này che đi mặt mộc của họ. Ở Nhật, một số ý kiến đã gọi khẩu trang là “kao pantsu”, tức không đeo khẩu trang sẽ xấu hổ như cởi bỏ đồ lót nơi công cộng.
Vẫn còn khuyến nghị
Mặc dù không còn bắt buộc người dân đeo khẩu trang, giới chức y tế Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn thúc giục họ đeo nó, đặc biệt là trong không gian kín. Số ca nhiễm COVID-19 ở hai nước này đã giảm đều đặn trong tháng qua, song các quan chức y tế cảnh báo nguy cơ cao tái nhiễm và khả năng bùng phát khi những hạn chế đi lại trên toàn quốc đã được nới lỏng.
Ở Hàn Quốc, người dân vẫn buộc phải đeo khẩu trang khi ở trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cơ sở y tế. Giới chức Nhật thì khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín.
Các nghiên cứu dịch tễ học phát hiện khẩu trang được sử dụng phổ biến tại những quốc gia kiềm chế số ca nhiễm ở mức thấp trong đại dịch. Quy định đeo khẩu trang cũng được chứng minh đã giúp trì hoãn đáng kể sự lây lan của virus ở Mỹ, theo Giáo sư John Volckens tại Ðại học bang Colorado. Tránh được các bệnh đường hô hấp khác như cúm mùa và dị ứng, cũng là lý do khiến người dân quyết định đeo khẩu trang.
Tôn trọng sức khỏe người khác
Ðối với nhiều người dân châu Á, đeo khẩu trang nơi công cộng còn thể hiện sự tôn trọng sức khỏe người khác. Ðeo khẩu trang giúp những người khác phòng bệnh bởi biết đâu những người xung quanh mình bị suy yếu hệ miễn dịch hoặc đang sống cùng người thân dễ tổn thương.
Ngoài ra, mức độ bụi mịn ở Ðông Á thường không đạt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng không khí trong những năm qua. Năm ngoái, mật độ trung bình hạt bụi mịn kích thước PM 2.5 ở Hàn Quốc lên tới 18 microgram trên mét khối (µg/m3), vượt mức an toàn là 5µg/m3 của Tổ chức Y tế Thế giới. Văn hóa đeo khẩu trang được định hình kể từ khi bụi mịn trở thành vấn đề đáng lo ngại trong thập niên 2010. Do vậy, người dân trong khu vực từ lâu đã sử dụng khẩu trang để phòng tránh tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, như ho, hắt hơi và tức ngực.