06/06/2008 - 09:51

Đàm phán Doha-Thỏa hiệp hay đối đầu?

Nông dân các nước nghèo chịu thiệt từ chính sách trợ cấp nông nghiệp của các nước giàu.

Vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang bước vào giai đoạn quyết định sau gần 7 năm trải qua nhiều thăng trầm mà vẫn chưa có lối ra. Tuy nhiên, những biến động trên chính trường quốc tế và cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang tác động mạnh đến tiến trình đàm phán và thậm chí có nguy cơ làm bùng nổ cuộc “chiến tranh” thương mại Bắc-Nam.


Đầu tuần này, nhóm 20 nước đang phát triển hàng đầu thế giới, trong đó có Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Argentina đã chính thức ra tuyên bố phê phán dự luật nông nghiệp mới của Mỹ (vừa được quốc hội thông qua) và cho rằng đây là “bước đi chệch hướng trong giai đoạn quyết định của Vòng đàm phán Doha”. Các nước này cho rằng dự luật nông nghiệp của Mỹ là một cản trở đối với nỗ lực thoát khỏi đói nghèo của hàng triệu người trên thế giới thông qua tự do hóa thị trường nông phẩm. Theo dự luật này, Washington sẽ chi 290 tỉ USD trợ giá cho nông dân Mỹ, những người đang được hưởng khoản lợi nhuận kỷ lục nhờ giá lương thực trên thị trường thế giới gia tăng. Sẽ không có gì đáng nói nếu khoản trợ cấp khổng lồ này không gây tổn hại cho các nhà sản xuất lương thực khác trên thế giới, đặc biệt là tại các nước nghèo dễ bị tổn thương.

Về phần mình, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo các nước đang phát triển lớn như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi cần mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng chế tạo từ các nước công nghiệp phát triển. Washington và Brussels còn kêu gọi các nước đang phát triển đẩy mạnh tiến trình tự do hóa các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông và chăm sóc y tế. Trong khi thúc giục các nước đang phát triển tiếp tục mở cửa thị trường công nghiệp và dịch vụ, các nước phương Bắc giàu có lại tìm cách áp đặt hạn ngạch và hàng rào phi thuế quan thông qua chính sách chống bán phá giá đối với các mặt hàng nông-thủy sản, may mặc... vốn có lợi thế cạnh tranh của các nước phương Nam nghèo khó.

Không chịu thua, các nước đang phát triển yêu cầu phải có sự cân bằng giữa lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp trong các cuộc đàm phán về tự do thương mại. Nếu các nước giàu tiếp tục bảo vệ nông dân của mình thì các nước nghèo sẽ tiếp tục hạn chế mở cửa thị trường cho hàng chế tạo. Do chưa tìm được tiếng nói chung nên hiện nay, hầu như tất cả các nhà đàm phán thương mại của 152 nền kinh tế thành viên WTO đều bi quan về kết quả sắp tới của Vòng đàm phán Doha. Người ta cũng cho rằng cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào cuối năm nay sẽ khiến các nhà lãnh đạo nước này không nhượng bộ trong đàm phán để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.

Người lạc quan duy nhất, dù vẫn khá thận trọng, về Vòng đàm phán Doha có lẽ là Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy. Ông tin rằng cơ hội đạt được một thỏa thuận trong năm nay là 60%.

PHÚC NGUYÊN
(Theo AP, Le Monde, Reuters)

PHÚC NGUYÊN (Theo AP, Le Monde, Reuters)

Chia sẻ bài viết