13/12/2009 - 19:53

Thị trường bán lẻ TP Cần Thơ

Đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá gạo

Hơn 1 tháng qua, giá lúa gạo đã liên tục nhích lên và hiện ở mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt là các loại gạo bán lẻ tại chợ. Theo nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu, ngoài nguyên nhân nguồn cung giảm do giáp vụ và giá gạo thế giới tăng, giá gạo bán lẻ tại các chợ đã tăng mạnh có phần do tác động của yếu tố tâm lý, chứ không phải do nguồn cung cạn kiệt...

GIÁ GẠO BỊ ĐẨY LÊN CAO

So với cách nay 1 tháng, hiện giá bán lẻ nhiều loại gạo tại TP Cần Thơ đã tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg. Tại nhiều chợ ở nội ô TP Cần Thơ, giá bán lẻ nhiều loại gạo thường như: IR 50404, Hàm Trâu, Một Bụi... từ ở mức 7.000- 8.500 đồng/kg, hiện lên ở mức 9.000 -10.500 đồng/kg. Trong khi đó, cách đây 1 tháng, giá nhiều loại gạo thơm như: thơm nhẹ (OM 4900), thơm Mỹ (Jasmine), thơm Thái, thơm Đài Loan... chỉ ở mức 8.500- 10.000 đồng/kg nhưng nay vọt lên 11.000 đồng-13.000 đồng/kg; gạo thơm Nàng Hương, Hương lài, Hương lài sữa, thơm chợ Đào từ 11.000-14.000 đồng/kg, đã lên 12.000-17.000 đồng/kg... Bà Lê Thị Phụng, tiểu thương bán gạo ở Trung tâm Thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ, cho biết: “Gần đây, các nhà máy xay xát gạo và thương cung cấp gạo sỉ đã liên tục điều chỉnh tăng giá bán do cho rằng nguồn cung lúa hàng hóa trên thị trường giảm làm giá tăng và khó mua hàng hơn trước. Chính vì vậy, chúng tôi cũng phải điều chỉnh giá bán lẻ gạo lên tương ứng”.

Lượng gạo bán lẻ rất dồi dào tại Cửa hàng của Công ty Lương thực Sông Hậu ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.  

Khoảng 1 tháng qua do các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào thời điểm giáp vụ, nguồn lúa gạo hàng hóa giảm. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo đang có nhiều thuận lợi, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã liên tục tăng sau khi Philippines mở các đợt đấu thầu mua gạo với số lượng lớn. Theo nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu, ngoài nguyên nhân nguồn cung lúa gạo hàng hóa trên thị trường giảm và nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều nước trên thế giới tăng, giá lúa gạo trong nước được đây lên ở mức cao còn do yếu tố tâm lý. Đó là nhiều người kinh doanh gạo ở thị trường trong nước quy đổi giá gạo xuất khẩu ra thành giá gạo bán lẻ ở thị trường trong nước. Mặt khác, đa số người buôn bán gạo và các loại hàng hóa khác nói chung, luôn mong muốn có được mức lời cao... Vì vậy, giá gạo bán lẻ trong nước tại nhiều nơi đã nhanh chóng được đẩy lên ngang bằng với giá gạo xuất khẩu, thậm chí cao hơn. Trong khi đó, lượng lúa, gạo giá rẻ mà trước đây nhiều doanh nghiệp mua dự trữ vẫn còn rất nhiều trong kho. Ngoài ra, thời gian qua do một bộ phận người dân sợ giá gạo tăng thêm đã đổ xô mua gạo dự trữ, góp phần đẩy giá nhích lên. Theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại TP Cần Thơ, với giá nhiều loại gạo thường bán lẻ ở mức 9.500-10.000 đồng/kg, tương đương với giá xuất khẩu khoảng 500 USD/tấn.

ĐẢM BẢO NGUỒN CUNG

Thực hiện chủ trương của Nhà nước nhằm bình ổn thị trường lúa gạo, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gạo xuất khẩu tại TP Cần Thơ đã tiến hành mở hệ thống các cửa hàng bán lẻ gạo tại thành phố. Hiện trên địa bàn thành phố đã có hàng chục đại lý và cửa hàng bán lẻ gạo của các DN như: Công ty cổ phần Gentraco, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, Công ty Lương thực Sông Hậu... Các cửa hàng bán lẻ gạo của các DN chế biến gạo có nguồn hàng dự trữ gạo dồi dào nên hiện nay người dân tại thành phố không phải lo gạo bị thiếu nguồn cung.

Theo Công ty Lương thực Sông Hậu (thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam), hiện công ty đã có 4 đại lý và cửa hàng bán lẻ gạo tại TP Cần Thơ. Các cửa hàng bán lẻ gạo của công ty được bố trí theo hình thức của một siêu thị mi-ni. Nơi đây, chẳng những có bán đủ các loại gạo từ gạo thường đến các loại gạo cấp cao được bán lẻ hoặc đóng túi mà còn có bán nhiều loại thực phẩm công nghệ và hàng tiêu dùng thiết yếu. Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ cũng đẩy mạnh bán lẻ gạo. Ông Đỗ Văn Minh, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết: “Hiện công ty đang có 2 cửa hàng trưng bày và bán lẻ gạo (1 cửa hàng đặt tại quận Ninh Kiều và 1 tại quận Bình Thủy). Hiện 2 cửa hàng này đang tiêu thụ trên 30 tấn gạo/tháng, tăng hơn 30% so với cách nay 1 tháng. Hiện nay, nguồn hàng để cung cấp cho người dân vẫn đảm bảo vì công ty đang còn lượng gạo dự trữ tới vài nghìn tấn. Giá bán lẻ các loại gạo thường tại 2 cửa hàng của công ty dao động 9.000-9.500 đồng/kg, gạo thơm khoảng 11.000 đồng/kg”.

Theo giới tiểu thương chuyên đi thu mua lúa về xay gạo bán cho các DN xuất khẩu, mấy ngày qua giá nhiều loại lúa, gạo tại ĐBSCL đã có xu hướng bình ổn và giảm nhẹ trở lại khoảng 40-50 đồng/kg so với cách nay 1 tuần. Cụ thể, giá bán buôn nhiều loại lúa thường và gạo nguyên liệu xuất khẩu giảm nhẹ do nguồn cung lúa hàng hóa trên thị trường tăng khi nhiều tỉnh ở ĐBSCL như: Sóc Trăng, Bạc Liêu... có lúa mới tới thu hoạch. Nếu như, giá các loại lúa thường bán lẻ trên thị trường ở các tỉnh, thành ĐBSCL vẫn đứng ở mức 6.000-6.500 đồng/kg, thì giá nông dân bán cho thương lái phổ biến: 5.600-5.700 đồng/kg. Anh Trương Văn Nghiêm, tiểu thương ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho rằng: “Khoảng thêm nửa tháng, lượng lúa mới thu hoạch tại các tỉnh ĐBSCL sẽ rất dồi dào nên nguồn cung lúa gạo hàng hóa trên thị trường sẽ tăng đáng kể trở lại. Vì thế, giá các loại lúa, gạo sẽ khó có khả năng còn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, do giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao nên dự đoán giá các loại lúa gạo không giảm mạnh và nhiều khả năng sẽ ổn định ở mức cao từ nay đến khi bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân 2009-2010”. Chị Nguyễn Thị Trang ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, chuyên thu mua lúa về xay gạo bán cho các tiểu thương bán lẻ gạo tại các chợ, cũng cho biết: “Hiện lượng lúa mới về thành phố chưa nhiều nhưng giá lúa gạo trong những ngày gần đây đã có xu hướng ổn định trở lại. Giá lúa thường hiện ở mức 5.500-5.700 đồng/kg, lúa thơm Jasmines khoảng 6.500 đồng/kg; còn giá bán sỉ gạo trắng đang ở mức 8.500-9.400 đồng/kg; gạo thơm Jasmines 10.000-10.500 đồng/kg”.

Theo nhiều tiểu thương bán lẻ gạo tại các chợ ở nội ô TP Cần Thơ, tuy giá bán lẻ các loại gạo chưa giảm trở lại nhưng khoảng 1 tuần qua, giá đã có xu hướng bình ổn trở lại, không còn tiếp tục tăng thêm. Tại nhiều cửa hàng bán lẻ gạo, lượng người đến mua gạo cũng bình thường và không có tình trạng người dân sợ giá tăng mà mua gạo về dự trữ như hồi năm 2008.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết