28/12/2013 - 21:06

BÀ PHAN THỊ THANH HÒA - PHÓ GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH NHNN CHI NHÁNH TP CẦN THƠ:

Đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng

Bà Phan Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Phụ trách NHNN Việt Nam, Chi nhánh TP Cần Thơ. 

Năm 2013 được nhận định là năm khó khăn nhất của các doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu chu kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới đến nay (năm 2007), nhiều doanh nghiệp kiệt sức vì khó khăn. Để chung sức giải quyết khó khăn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều giải pháp tiền tệ nhằm hạ lãi suất cho vay, mở rộng tăng trưởng tín dụng, song, tăng trưởng tín dụng năm 2013 theo nhận định sẽ khó đạt mức tăng trưởng định hướng. Tại TP Cần Thơ, bà Phan Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Phụ trách NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cho biết, mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã có nhiều cố gắng, nhưng đến cuối tháng 12-2013, tín dụng tăng trưởng ước đạt khoảng 3,45% so với cuối năm 2012.

* Theo bà nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng tín dụng chưa đạt như kỳ vọng là gì?

- Trên địa bàn hiện có 50 TCTD với 227 địa điểm có giao dịch ngân hàng. Nhìn chung, các tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay ổn định. Mặt bằng lãi suất trên địa bàn tháng 12-2013 ổn định so với tháng trước, cụ thể: Lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến mức 1,2%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến mức 7,0%/năm; lãi suất huy động từ 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến mức 7,5%/năm; lãi suất huy động từ 12 tháng trở lên phổ biến ở mức 7,5% - 9,0%/năm (NHTM nhà nước) và 8,5% - 9%/năm (NHTM cổ phần). Lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên phổ biến từ 8% - 9%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh phổ biến từ 9% - 11,5%/năm đối với ngắn hạn, 11% - 13%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất của các khoản vay cũ cũng được TCTD điều chỉnh giảm. Đến ngày 30-11-2013, dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam với lãi suất từ 13%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 77,6% (đầu năm 2013 là 38,9%). Riêng các NHTM Nhà nước dư nợ với lãi suất từ 13%/năm trở xuống chiếm 98% trong dư nợ. Lãi suất USD: lãi suất huy động phổ biến 1,25 %/năm đối với cá nhân, 0,25%/năm đối với tổ chức kinh tế. Lãi suất cho vay phổ biến 4,0% - 7,0%/năm.

Các TCTD trên địa bàn đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đã giảm được mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định được tỷ giá, bảo đảm hoạt động ngân hàng tiếp tục ổn định và an toàn, góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ một bước khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tín dụng tăng trưởng ước đạt khoảng 3,45% nhưng phân tích cho thấy, tín dụng bằng VND tăng 9,83%, tín dụng ngoại tệ giảm 22,11%, phù hợp với chủ trương chống đô-la hóa. Tín dụng tăng trưởng thấp hơn định hướng và các năm trước nhưng hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng cao, cơ cấu tín dụng hợp lý, hiệu quả và an toàn hơn, tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Về nguyên nhân tín dụng chưa tăng cao chủ yếu do về phía cầu yếu trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, phục hồi chậm, thị trường tiêu thụ giảm sút, đã làm giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh kém hiệu quả phải giải thể hoặc không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.

* Trong điều kiện kinh tế phục hồi chậm, Chính phủ và NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chú trọng giải ngân vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn dễ dàng, với lãi suất ưu đãi. Tại TP Cần Thơ, các chương trình tín dụng được các TCTD trên địa bàn thực hiện ra sao, thưa bà?

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank chi nhánh TP Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

- Nhìn chung, 5 lĩnh vực ưu tiên đều được các TCTD trên địa bàn ưu tiên giải ngân vốn, và dư nợ cho vay tăng. Đối với cho vay nông nghiệp, phát triển nông thôn, trên địa bàn có 47 TCTD cho vay, ước đến cuối tháng 12-2013 dư nợ cho vay đạt 17.200 tỉ đồng, chiếm 39,18% trong tổng dư nợ, tăng 7,52% so với đầu năm. Có 39 TCTD cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản với dư nợ cho vay đến cuối tháng đạt 8.500 tỉ đồng, chiếm 19,36%, tăng 5,42% so với đầu năm (trong đó dư nợ cho vay nuôi trồng, chế biến cá tra là 6.400 tỉ đồng, tăng 5,68% so cuối năm 2012). Có 33 TCTD cho vay thu mua lúa, gạo, với dư nợ cho vay đạt 4.500 tỉ đồng, chiếm 10,25%, tăng 3,78% so với đầu năm. Có 44 TCTD cho vay lĩnh vực bất động sản, với dư nợ cho vay đạt 3.100 tỉ đồng, chiếm 7,06% trong tổng dư nợ, tăng 11,67% so với đầu năm. Có 2 Chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15-5-2013, đến ngày 30-11-2013 dư nợ cho vay là 21,35 tỉ đồng, trong đó khách hàng cá nhân 851 triệu đồng và doanh nghiệp gần 20,5 tỉ đồng; ước dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở đến cuối tháng 12-2013 đạt 30 tỉ đồng. Hiện nay, các Chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực này.

Thời gian qua, chi nhánh làm tốt vai trò là cầu nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, chính quyền địa phương thông qua các cuộc đối thoại giữa các bên, giúp cung- cầu tín dụng trên thị trường được giải quyết hài hòa hơn. Chi nhánh còn tham gia các đoàn khảo sát của lãnh đạo thành phố đi khảo sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn, để có giải pháp tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp.

* Năm 2013, nợ xấu tại các TCTD trên địa bàn có xu hướng tăng so với năm 2012, bà nhận định gì về vấn đề này?

- Chi nhánh làm tốt nhiệm vụ trung tâm tiền mặt, trung tâm thanh toán; thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các TCTD. Đồng thời, thực hiện công tác giám sát từ xa, gắn với thu thập các nguồn thông tin, có cảnh báo kịp thời để các TCTD chủ động tự kiểm tra, rà soát và ngăn chặn rủi ro trong hoạt động. Việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại tổ chức và hoạt động, việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đã giúp các ngân hàng trên địa bàn giải quyết khá tốt vấn đề nợ xấu từ nhiều năm trước, chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đến cuối năm chỉ ở mức tương đương năm trước, là sự nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, phù hợp với tình hình chung của toàn ngành.

* Xin cảm ơn bà!

Gia Bảo (thực hiện)

Chia sẻ bài viết