11/06/2017 - 19:54

Đài Loan chật vật đối phó “chảy máu” nhân tài

Dẫn số liệu từ giới chức Đài Loan, báo Straits Times cho hay mỗi năm có từ 20.000-30.000 lao động có chuyên môn lựa chọn rời đảo này ra nước ngoài làm việc, do bị hấp dẫn bởi mức lương và môi trường làm việc tốt hơn.

Chẳng hạn như trường hợp của cô Chang Chia Ling (32 tuổi) - người đã ký hợp đồng 2 năm làm bác sĩ X quang tại Bệnh viện Tan Tock Seng ở Singapore. Ngay sau khi vượt qua vòng phỏng vấn với giới chức Bộ Y tế Singapore, Chang đã tạm ngừng khóa học thạc sĩ chuyên ngành X quang và đến đảo quốc sư tử làm việc vào năm 2012. "Thậm chí nếu tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ, tôi biết rằng mình sẽ không tìm ra một công việc tương xứng với mức lương như tại Singapore và có được kinh nghiệm làm việc hải ngoại"- Chang nói thêm về quyết định rời quê nhà.

Một nhân viên Đài Loan đang làm việc cho công ty ShopBack ở Singapore. Ảnh: ShopBack

Được biết, Chang đã được tăng lương 50% so với mức lương cũ và được cấp 21 ngày phép/năm - tức gấp 3 lần ở Đài Loan. Cô đã tái ký hợp đồng lao động 2 lần tại Singapore và được bổ nhiệm vị trí bác sĩ X quang cấp cao hồi năm ngoái. Ngoài tiền lương cao hơn, Chang chia sẻ rằng môi trường làm việc tại Singapore cho phép cô có thể vừa học vừa làm việc nhiều hơn, bởi có thể thảo luận các ca bệnh với bác sĩ. Chang cũng đang nộp hồ sơ để trở thành thường trú nhân tại Singapore do muốn ổn định cuộc sống ở đây.

Theo số liệu thống kê của giới chức, số người Đài Loan ra nước ngoài làm việc đã tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2005-2015, từ 340.000 lên 724.000 người, với hơn 70% sở hữu ít nhất 1 tấm bằng cử nhân. 58% trong số này lựa chọn đến Trung Quốc làm việc, trong khi 15,4% đến các quốc gia Đông Nam Á như Singapore.

Trong khi đó, nhà tuyển dụng ở những quốc gia như Singapore cho biết họ sẵn sàng trả nhiều tiền để thuê các lao động có tài đến từ Đài Loan. "Họ (lao động Đài Loan) sẵn sàng làm việc chăm chỉ và có vốn chuyên môn không thể tìm thấy ở Singapore. Vì vậy, chúng tôi muốn đưa ra mức lương cạnh tranh để thu hút họ" - đồng sáng lập hãng thương mại điện tử ShopBack (Singapore) Joel Leong nói.

Tuy vậy, Tạp chí Đài Loan Commonwealth dẫn thông tin từ hãng tư vấn kinh tế độc lập Oxford Economics (Anh) cảnh báo "cuộc di cư" của các lao động có tài sẽ làm cho Đài Loan phải chứng kiến sự thiếu hụt nhân tài lớn nhất thế giới vào năm 2021.

Hơn thế nữa, xu hướng dân số đang lão hóa cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhân lực tại Đài Loan. Năm ngoái, lực lượng lao động chỉ tăng có 0,08%, trong khi mức tăng của Singapore là 0,4%. Trước cuộc khủng hoảng nhân tài tại Đài Loan, lãnh đạo vùng lãnh thổ này thừa nhận rất khó để giữ chân họ vì mức lương thấp. Theo số liệu vừa công bố, lương khởi điểm trung bình hiện nay của một lao động có bằng đại học là 28.116 Đài tệ (935 USD), chỉ tăng 100 Đài tệ so với hồi năm 2000.

Dù vậy, giới chức Đài Loan vẫn đang nỗ lực vừa giữ chân người tài, vừa thu hút thêm nhân lực nước ngoài. Họ đã triển khai nhiều biện pháp thu hút nhân lực – bao gồm nới lỏng yêu cầu thị thực và cư trú cho lao động nước ngoài, khuyến khích các công ty nước ngoài mở cửa hàng ở Đài Loan và chăm lo huấn luyện người tài. Bên cạnh đó, Đài Loan cũng bơm thêm tiền và nguồn lực để tăng cường cho khu vực công nghệ sinh học và công nghệ xanh, cũng như khôi phục ngành công nghiệp quốc phòng địa phương để tạo ra nhiều công việc được trả lương cao hơn.

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết