13/01/2013 - 21:02

Đặc sản quýt hồng Lai Vung

Quýt hồng Lai Vung rất sai trái, mỗi cây 5 năm tuổi có thể cho trái trên 100kg/vụ. 

Kỹ sư Huỳnh Thanh Tồn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung (Đồng Tháp), kiêm Chủ nhiệm dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm quýt hồng Lai Vung", giới thiệu: Ở Lai Vung, quýt hồng chỉ được trồng nhiều ở 4 xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước và Vĩnh Thới với tổng diện tích 1.073/1.102,8 héc-ta. Từ khi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phê duyệt cho triển khai dự án, Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp nhãn hiệu độc quyền quýt hồng Lai Vung", đã góp phần phát triển thương hiệu, nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình và giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.

Quýt hồng là cây ăn quả đặc sản của huyện Lai Vung (Đồng Tháp), không chỉ nổi tiếng khắp vùng mà còn vang danh cả nước, được trồng ở Lai Vung hơn 50 năm nay. Theo nhiều nhà vườn, cả khu vực ĐBSCL chỉ có huyện Lai Vung mới có diện tích trồng quýt hồng nhiều và chỉ quýt hồng trồng tại đây mới có màu sắc đẹp và hương vị ngọt đậm đà hơn những nơi khác. Anh Lưu Văn Tín, một nhà vườn ở xã Long Hậu, cho rằng: Đất ở đây là loại đất sét, rất phù hợp với nhiều loại cây có múi, đặc biệt là quýt hồng. Cũng theo kỹ sư Huỳnh Thanh Tồn, tại huyện Lai Vung không phải tất cả các xã đều trồng được quýt hồng mà chỉ có 4 xã: Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước và một phần của xã Vĩnh Thới là trồng được loại cây này. Năm 2012, toàn huyện có 4.156,9 héc-ta trồng cây ăn trái, trong đó nhiều nhất là quýt hồng với 1.102,8 héc-ta, 757 héc-ta quýt đường… Đặc biệt, mùa quýt hồng Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 cho trái với năng suất rất cao trên 45 tấn/héc-ta, tổng sản lượng trên 40.000 tấn, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân ĐBSCL, trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu.

Không chỉ nổi tiếng về chất lượng, màu sắc, giá trị sử dụng mà quýt hồng Lai Vung còn có giá trị và hiệu quả kinh tế rất lớn. Với sản lượng trung bình 40.000 tấn/năm, trị giá hàng trăm tỉ đồng, đây thật sự là loại cây ăn quả chủ lực của huyện Lai Vung. Thế nên hiện nay nhà vườn đang áp dụng các biện pháp kỹ thuật như IPM, GAP để sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao phục vụ mục đích phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nông hộ. Đã có hơn 200 nhà vườn ở Lai Vung được tỉnh Đồng Tháp chọn canh tác hơn 100 héc-ta quýt hồng an toàn, kiểu mẫu để xây dựng thương hiệu "Quýt hồng Lai Vung" đạt chuẩn trái cây sạch, an toàn cung ứng cho thị trường.

Năm 2009, Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và chính quyền địa phương xây dựng mô hình trồng quýt hồng theo hướng VietGAP tại xã Long Hậu cho 13 nhà vườn, trên diện tích 47.500m2. Mô hình VietGAP là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí như: tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm (gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch); môi trường làm việc (nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân); truy tìm nguồn gốc sản phẩm (cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm).

Đến nay, các nhà vườn trồng quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung đã thành lập được 2 tổ liên kết sản xuất quýt hồng an toàn theo hướng VietGAP với tổng diện tích 20 héc-ta. Mô hình sản xuất này mở ra hướng sản xuất hàng hóa bền vững, bảo đảm quy trình kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ môi trường, hạn chế lượng thuốc BVTV, cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Long Hậu là xã có diện tích trồng quýt hồng nhiều nhất ở Lai Vung với hơn 593 héc-ta. Thực hiện mô hình VietGAP ở xã Long Hậu, ngoài việc trang bị cho nhà vườn kiến thức chăm sóc giúp cây sinh trưởng, phát triển, kiến thức bảo vệ môi trường… mô hình VietGAP còn xây dựng nhà đóng gói 100m2 với các trang thiết bị cần thiết để xử lý, đóng gói quýt sau khi thu hoạch. Thương lái chỉ liên hệ tại đây để thu mua quýt hồng để cung ứng cho thị trường. Từng trái quýt hồng được gắn "Made in Lai Vung" được chuyển đi khắp nơi trong nước và xuất khẩu càng tôn thêm giá trị cho loại đặc sản này.

Với lợi thế của cây quýt hồng là mùa trái chín tập trung vào dịp Tết Nguyên đán, chất lượng ngon nên tiềm năng về thị trường còn rất lớn. Tuy năm nay thời tiết bất thường nên sản lượng giảm so Tết Nguyên đán năm 2012 (còn khoảng 35.000 tấn) nhưng giá thị trường năm nay cao hơn nên nhà vườn vẫn có lãi lớn. Nhà vườn Lưu Văn Tín ở xã Long Hậu, cho biết: "Bình quân, giá thành sản xuất 1kg quýt hồng từ 6.000- 7.000 đồng, giá quýt hồng hiện được thương lái mua 27.000 đồng/kg, gần Tết còn cao hơn! Chắc chắn, người trồng quýt có lời khá cao". Năm nay vườn quýt hồng 520 gốc của ông Tín cho trái khoảng 60 tấn, sẽ lợi nhuận trên 1,2 tỉ đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho 200 lao động địa phương. Cũng như ông Tín, vào mùa thu hoạch quýt ở Lai Vung giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, giúp người dân có khoản tiền để vui Xuân đón Tết.

Theo chiến lược phát triển thị trường cho quýt hồng Lai Vung trong thời gian tới là tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thành thương hiệu mạnh, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm quýt hồng đặc sản. Tỉnh Đồng Tháp đặt ra kế hoạch sản xuất cây quýt hồng trong thời gian tới bằng việc tập trung cải tạo những vườn cây ăn trái không hiệu quả sang trồng cây quýt hồng, đồng thời mở rộng thêm diện tích ở những khu vực có điều kiện phát triển được tập trung ở 4 xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước và Vĩnh Thới. Ông Huỳnh Thanh Tồn khẳng định, việc triển khai thực hiện thành công của dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Lai Vung" cho sản phẩm quýt hồng Lai Vung" không chỉ tác động trực tiếp đến người dân sản xuất, kinh doanh quýt hồng, mà kết quả của dự án sẽ là bài học kinh nghiệm cho các địa phương học tập, xây dựng và vận hành hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, hệ thống quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Quýt hồng Lai Vung" còn là kinh nghiệm để các địa phương khác áp dụng cho quá trình xác lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông sản khác… Đây cũng là một giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn về mặt thông tin cho các cấp, ngành, địa phương và người sản xuất trong việc lựa chọn và chiến lược xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản đặc sản.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

Chia sẻ bài viết