18/12/2010 - 20:48

Đặc sắc giao thoa văn hóa Việt Chăm

Qua quá trình biến chuyển của lịch sử, dân tộc Chăm và Việt đã dần dần trở thành những cư dân sống rất gần gũi nhau, cộng canh cộng cư với nhau. Ở nhiều vùng, người Chăm và người Việt sống dựa lưng vào nhau trong mọi sinh hoạt để hỗ trợ cho nhau một cách thiết thực và thân tình.

Nếu người Chăm chuyên sống về nghề ruộng rẫy, nghĩa là chỉ làm thuần nông thì người Kinh lại thạo những nghề trồng rau và buôn bán. Trong các vùng Chăm, chính người Kinh làm nhiệm vụ cung cấp rau sống và các hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người Chăm. Hiện nay, người Chăm đã biết buôn bán (tuy chưa nhiều), hoặc vài gia đình biết trồng rau muống để kiếm sống. Chính sự phân công tự nhiên như vậy trong sinh hoạt hàng ngày đã khiến cho cư dân Chăm-Kinh xích lại gần nhau hơn.

Trong việc làm ăn hàng ngày, phải có những ảnh hưởng qua lại giữa hai dân tộc Chăm-Kinh. Người Chăm đã nhận ảnh hưởng từ người Kinh trong việc buôn bán. Một số gia đình Chăm tập trồng rau muống và một số rau của bản xứ (cà, dưa leo, quế...) ảnh hưởng phần nào của nông dân Kinh.

Kỹ thuật làm đất (ruộng hay rẫy) của người Chăm đã đạt mức độ rất cao. Một số cụ nông dân Chăm cho rằng lưỡi cày và bắp cày của người Kinh là tiếp nhận của Chăm. Kỹ thuật xây đập và dẫn thủy nhập điền của người Kinh phần nào chịu ảnh hưởng của Chăm (đặc biệt là ở xứ Ninh Thuận, Bình Thuận). Theo nhiều nhà nghiên cứu, từ rất sớm – thế kỷ thứ IX – người Chăm đã biết lai giống lúa (loại lúa ngắn ngày – 3 tháng – và chịu hạn tốt như: Bà rên, Cây ối, lúa Chiêm, Ba trăng).

Vũ điệu Chăm.  Ảnh: NGUYỄN ĐỨC 

Trước đây người Chăm có nhiều món ăn rất lạ và sang trọng, nay đã thất truyền. Đặc biệt các món canh rất đặc trưng của người Chăm như: canh măng non nấu với thịt gà, canh rau môn nấu với thịt trâu tơ, canh rau rừng nấu với loại ốc leo (abaw lingik), canh rau đắng nấu với thịt thỏ rừng, canh bầu cá trê... Những món ăn ngon lành đặc sắc như thế mà xem ra hôm nay ít gia đình còn lưu giữ được.

Ngày nay người Chăm có khuynh hướng nấu ăn theo kiểu người Kinh: thường nấu ngọt (trước đây chỉ biết và thích nấu chua), dùng món xào, chiên, và nước mắm (trước đây chỉ biết mắm nêm). Tuy nhiên, người Chăm vẫn còn lưu giữ được cái “gu” riêng: thịt nướng, thịt rừng, các món canh rau rừng nấu đặc sệt với chất bột gạo, và đặc biệt là cách nấu canh chua với gạo rang, loại ia mưnut...

Trong giao thoa ẩm thực, chúng ta nhận thấy người Kinh - đặc biệt ở vùng biển và vùng nông thôn, thích ăn mắm nêm với cà dòn hay cà sống (thay vì mắm nước với cà muối chua), các món canh rau rừng nấu đặc theo kiểu Chăm (nhất là ở vùng Huế và Quảng Bình, Quảng Trị), ưa món cá nước ngọt kho tộ (đây là món ăn đặc trưng Chăm dùng cho các bà đẻ), các món lẩu cũng là loại món nấu canh chua đặc trưng của người Chăm). Người Kinh cũng thích dùng bánh tráng với cà sống mắm nêm (đặc biệt là Ninh Thuận).

Trước đây phụ nữ Chăm ăn mặc theo truyền thống: áo dài may thẳng (không eo) như kiểu áo phụ nữ Mã Lai, mang váy (khăn) trắng, đội khăn “hluh” (hoặc khăn truyền thống). Thông thường áo dài chỉ vừa dưới đầu gối, bộ áo lao động thì có áo ngắn (kiểu áo dài Chăm cắt ngắn như áo bà ba), bịt khăn với đội nón (nón là yếu tố văn hóa chung), mang chăn (váy) đen. Hiện nay, người phụ nữ Chăm đã cải biến cách ăn mặc của mình theo khuynh hướng của người Kinh: áo dài nắn eo rất sát theo đúng áo dài người Kinh. Cổ áo thì may kiểu “cổ thuyền” hay “cổ trái tim” chứ không theo truyền thống Chăm, dài chấm gót. Nhiều lúc áo dài lại mặc nguyên bộ, áo và khăn cùng màu chứ không mang khăn trắng. Phụ nữ trẻ thì thích đội mũ, thay vì đội nón. Hiện nay thiếu nữ Chăm có khuynh hướng mặc quần âu bỏ áo vào quần và bình thường thì mang áo bộ (áo và quần cùng màu) chứ không mang áo màu hay áo trắng mặc váy đen như lúc sinh hoạt ở gia đình như xưa kia.

Phong tục là yếu tố văn hóa ăn sâu vào lòng dân tộc. Trong đám cưới, theo phong tục Chăm (nhất là người Chăm theo tôn giáo Bàni) rất khắt khe, một khi cô dâu đã chịu các lễ nghi tôn giáo rồi thì không được khoác áo khác ngay sau đó, nhưng trong thực tế, đa số cô dâu Chăm vẫn thích mua sắm (hoặc thuê) các áo cưới tạm thời để ra mắt bạn bè và tiếp khách trong tiệc mặn. Sau ngày cưới, hiện nay có nhiều cặp vợ chồng trẻ muốn tách ra ăn ở riêng, cũng là hình thức thoát khỏi ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ Chăm. Về nhà ở, trước đây người Chăm chỉ biết xây cất nhà theo kiểu truyền thống, cửa ra vào luôn hướng về phía Tây (hay Nam: Sang halam), không bao giờ được quay mặt về hướng Đông (trừ Sang tong là nhà khách của gia đình quyền quí). Nhưng hầu hết các nhà Chăm hiện nay đều xây theo phong cách hiện đại, quay mặt về hướng Đông cả.

Hiện nay, các cặp vợ chồng trẻ Chăm-Kinh (vợ Chăm chồng Kinh hay ngược lại) ngày càng đông trong việc chấp nhận làm đám cưới theo lễ nghi tôn giáo Chăm (nhất là Chăm Bàni). Người Kinh theo chế độ phụ hệ và chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Quốc (trọng nam khinh nữ), nhưng người Kinh ở miền Trung lại có xu hướng trọng nữ. Câu tục ngữ “Nam đầu nữ Út” thể hiện rõ ràng yếu tố văn hóa Chăm là khi cha mẹ về già phải ở với con gái út để được chăm sóc chu đáo hơn và tận tình hơn, vì thế mà nhiều gia đình miền Trung có chế độ gửi rể.

Về tín ngưỡng, chúng ta nhận thấy là việc đồng bóng cũng như việc thờ cúng đa thần của một số gia đình người Kinh cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Chăm.

Giao thoa âm nhạc là một trong những giao thoa văn hóa được nhiều người chú ý đến. Trong quá trình lịch sử, chúng ta được biết là có nhiều nghệ nhân, vũ nữ và nhạc sĩ Chăm được người Đại Việt đưa đến Thăng Long, chẳng hạn vào năm 1044, với vua Lý Thái Tông, và năm 1202 với vua Lý Cao Tông. Theo G.s Dương Quảng Hàm thì “vua Lý Cao Tông có sai người soạn ra nhạc khúc mới gọi là Chiêm Thành âm, tiếng sầu oán, thương xót nghe đến phải khóc”. Học giả này cũng đưa ra giả thuyết là “nhiều người cho rằng các lối ca Huế là do ta phỏng theo các ca khúc của người Chiêm Thành mà đặt ra”. G.s Đào Duy Anh thì ghi “Ở miền Nam, kể từ khi chúa Nguyễn khai thác bờ cõi vào đất của Chiêm Thành, âm nhạc ở Bắc truyền vào đã chịu ngay ảnh hưởng của Chiêm Thành mà thành những khúc nhạc cung Nam mà người hay đem đối lại với các ca khúc cung Bắc. Những cung Nam như Nam ai, Nam bình, Nam xuân có vẻ trầm bi, oán vọng, hợp với tâm thuật của một dân tộc điêu tàn là dân tộc Chiêm Thành, cùng với cảnh non nước dịu dàng ở xung quanh kinh đô”.

Trong quá trình sống cộng canh cộng cư với nhau diễn ra nhiều giao thoa văn học-nghệ thuật giữa hai dân tộc. Về chuyện kể dân gian, chuyện kể “Ai mua hành tôi” (giống chuyện “Vua Bếp” của dân tộc Chăm), chuyện “Sự tích đá Vọng phu” (không khác mấy so với chuyện “Nai Carau Caw Bhauw” - đọc là “Nai Charao Cao Phò” của Chăm), “ Sự tích thành Lồi, Sự tích tháp Nhạn”... Chuyện kể “Tấm Cám” cũng rất giống chuyện “Kam Mưlơk” của dân tộc Chăm. Ngược lại một số chuyện kể Chăm cũng bắt nguồn từ chuyện kể của người Kinh. Về sử thi Chăm Pram Dit Pram Lak là một sử thi có xuất xứ từ sử thi Ramayana của Ấn Độ. Có một điều lạ là dị bản Pram Dit Pram Lak lại được tìm thấy trong sách Hán Nôm “Lĩnh Nam chích quái” (Lượm lặt chuyện lạ nước Nam) với tên gọi là Dạ Thoa vương. Về nghệ thuật múa, từ xa xưa vũ nữ Chăm vẫn được ca tụng như những nghệ nhân múa điêu luyện. Cứ nhìn các hình tượng của các vũ nữ được khắc chạm trên các đền tháp còn lưu lại đến ngày hôm nay, chúng ta cũng có thể đánh giá nghệ thuật này đã phát triển đến mức nào. Triều nhà Lý đã có hàng trăm vũ nữ và nghệ nhân Chăm được đưa về Thăng Long và được sử dụng trong cung đình nhà vua lúc bấy giờ. Ngày nay, các điệu múa quạt được khai thác, thể hiện trên sân khấu hiện đại đều phảng phất từ điệu múa Chăm.

Về nghệ thuật xây dựng, sử sách có đề cập đến bàn tay nghệ thuật của các kỹ sư Chăm trong việc xây dựng và tô điểm các chùa chiền cổ ở Thăng Long.

Về họ – tên, các họ mà người Chăm mang hôm nay như: Thành, Tài, Báo, Bá, Phú, Lộ, Thuận, Thông, Quách... và kể cả họ “Nguyễn” đều là những họ do vua Minh Mạng ban phát. Về tên, trước đây người Chăm chỉ lấy những tên đặc trưng Chăm như: Mưng Thang Ôn, Mưng Thang Wa, Mưng Thang Muk (cho nữ), va Ja Thar Chay, Ja Thar Muk, Ja Plôi... (cho nam). Nay người Chăm thường lấy tên giống người Việt, có lẽ để con em mình được thuận lợi hơn khi đến trường hoặc nhiều lý do khác nữa...

Một cuộc sống có sự tương hỗ hài hòa tạo nên những luồng giao lưu và tiếp biến văn hóa về mọi mặt giữa hai dân tộc, từ văn hóa ăn uống, may mặc, kinh tế, âm nhạc, phong tục-tín ngưỡng đến giao thoa nhân chủng, tên họ, địa danh, và đặc biệt nhất là giao thoa ngôn ngữ. Một số yếu tố văn hóa đã từng tiếp biến một cách nhuần nhuyễn, trở thành yếu tố văn hóa truyền thống.

Bùi Hữu Cường

Tài liệu tham khảo:

1. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương.

2. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.

3. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, 1968.

4. Trần Văn Tích, Quê cũ sách xưa (Tạp chí Làng văn, số 150)

5. Đăng Nghiêm Vạn, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật ăn uống, số 101.

6. Phan Đăng Nhật, “Sưu tầm sử thi Chăm”, Tagalau 5.

Chia sẻ bài viết