08/08/2011 - 20:40

ĐẠI HỌC NGOÀI CÔNG LẬP

Đa dạng hóa loại hình đào tạo để "hút" thí sinh

Trường ĐH Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang) trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm thực hành để phục vụ đào tạo cho ngành Dược sĩ đại học, hệ chính quy. Ảnh: CTV

Sau kỳ thi tuyển sinh đại học hằng năm, các trường đại học công lập trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ tuyển từ 10%-20% trong tổng số thí sinh dự thi đại học. Như vậy, hàng chục ngàn thí sinh phải đi đường khác để học các bậc học khác. Bên cạnh các trường cao đẳng, trung cấp, nghề thì các trường đại học ngoài công lập đã và đang đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng loại hình đào tạo để tạo “lực hút” đối với thí sinh...

* Tăng chỉ tiêu, thêm ngành học mới

Hiện nay, các trường Đại học (ĐH) ngoài công lập, như: ĐH Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang), ĐH Tây Đô (TP Cần Thơ) còn dành hàng ngàn chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, NV3 cho thí sinh. Cụ thể, Trường ĐH Võ Trường Toản tuyển 2.150 chỉ tiêu xét tuyển NV2, NV3 cho 12 ngành đào tạo bậc ĐH, cao đẳng (CĐ). Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, năm nay, Trường ĐH Võ Trường Toản mở thêm ngành mới là Dược sĩ đại học (chỉ tiêu tuyển 150 sinh viên). Ở bậc ĐH, CĐ, trường thực hiện tuyển dựa trên kết quả thi ĐH các khối A, B, C, D1 năm 2011 của thí sinh đã dự thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), có tổng số điểm thi (sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực và điểm ưu tiên đối tượng) đạt từ điểm sàn trở lên. Cô Hồ Nhật Mai Trâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Võ Trường Toản, cho biết: “Hiện nay, nhu cầu xã hội đang rất cần cán bộ phục vụ cho lĩnh vực y tế, nhất là ở ngành Dược. Vì thế, Ban Giám hiệu nhà trường đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép mở mới mã ngành Dược. Để phục vụ cho công tác đào tạo, trường đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, vật lực nhằm đáp ứng yêu cầu và nâng cao chất lượng đào tạo”.

Tương tự, năm học 2011-2012, Trường ĐH Tây Đô sẽ tuyển 3.000 sinh viên cho 16 ngành đào tạo bậc ĐH, CĐ. Mặc dù, năm nay trường không mở thêm ngành mới, nhưng tổng chỉ tiêu tuyển sinh lại tăng khoảng 500 sinh viên so với năm học 2010-2011. Cũng như những năm trước, năm nay, trường lấy kết quả thi ĐH năm 2011 của thí sinh đã dự kỳ thi tuyển sinh theo đề chung của Bộ GD&ĐT để tuyển sinh. Thầy Lương Lễ Nhân, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Đô, cho biết: “Dự kiến, điểm chuẩn xét tuyển cho các ngành ĐH, các khối thi năm nay, trường sẽ lấy bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, trường còn áp dụng chế độ xét tuyển ưu tiên theo khu vực, đối tượng. Ví dụ như, đối tượng ưu tiên nhóm 1 sẽ cộng thêm 2 điểm, đối tượng ưu tiên nhóm 2 sẽ cộng thêm 1 điểm... nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh vào học”...

* Sức hút từ đào tạo liên thông

Bên cạnh việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh, mở thêm ngành học mới,... nắm xu hướng đào tạo mới đang được nhiều người quan tâm và tạo “lực hút” đối với thí sinh, năm nay các trường ĐH ngoài công lập đã và đang mở rộng loại hình đào tạo liên thông. Bởi vì, theo đánh giá đây là loại hình đào tạo có nhiều ưu điểm, như: học sinh có thể học tiếp lên bậc học cao hơn mà không phải học lại từ đầu, tốt nghiệp được cấp bằng chính quy, tiết kiệm thời gian, chi phí học tập... Bạn Ngô Thùy Dương, ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, tốt nghiệp ngành trung cấp Kế toán khóa 1 của Trường ĐH Võ Trường Toản, hiện đang học lớp liên thông từ trung cấp lên ĐH ngành Kế toán của trường này. Thùy Dương chia sẻ: “Trước đây, tôi học trung cấp, khi hay trường có mở lớp đào tạo liên thông, tôi đăng ký học ngay, thay vì phải thi đầu vào ĐH vừa mất thời gian, công sức, tiền bạc mà chưa chắc đã trúng tuyển. Vả lại, giờ học ở lớp liên thông phần lớn rơi vào thứ bảy, chủ nhật, nên tôi có điều kiện vừa làm, vừa học”. Cô Hồ Nhật Mai Trâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Võ Trường Toản, cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên trường tuyển sinh 6 lớp đào tạo liên thông từ trung cấp lên ĐH và từ CĐ lên ĐH, với gần 300 sinh viên theo học 3 ngành là Kế toán, Tài chính, Công nghệ thông tin”. Dự kiến, sắp tới khi có nguồn học sinh, Trường ĐH Võ Trường Toản sẽ tiếp tục mở rộng loại hình này, vừa thu hút học sinh, vừa tạo điều kiện cho những học sinh không có điều kiện vào học ĐH có thể học ở bậc cao hơn.

Năm nay, Trường ĐH Tây Đô cũng dành 800 chỉ tiêu cho hệ đào tạo liên thông, vừa làm vừa học. Theo đó, trường sẽ tuyển 4 ngành liên thông từ CĐ lên ĐH và tuyển 2 ngành từ trung cấp lên CĐ. Hệ liên thông từ trung cấp lên CĐ đòi hỏi thí sinh đã có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề hệ chính quy cùng nhóm ngành đăng ký dự thi. Còn hệ liên thông từ CĐ lên Đại học, thí sinh phải có bằng tốt nghiệp CĐ chuyên nghiệp hoặc CĐ nghề hệ chính quy cùng nhóm ngành đăng ký dự thi.

Theo các nhà chuyên môn, dù các trường có nhiều nỗ lực “thu hút” thí sinh nhưng thực tế triển khai hệ đào tạo liên thông vẫn còn “vướng” những khó khăn nhất định. Theo Điều 4, Quyết định số 06-2008/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, đại học, đối với đào tạo liên thông trung cấp lên CĐ, hoặc từ CĐ lên ĐH, những người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; những người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển. Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học, người có bằng tốt nghiệp trung cấp phải có ít nhất 3 năm làm việc gắn với chuyên môn mới được tham gia dự tuyển. Quy định này vô hình trung đã khiến việc học của các sinh viên gián đoạn một thời gian khá dài mới được tiếp tục, nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc học... Theo một số cán bộ phòng đào tạo các trường ĐH, để thu hút học sinh vào học liên thông, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh quy định này, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung cấp hoặc CĐ loại trung bình - khá có thể dự thi học liên thông ngay.

Hiện nay, ngoài những thí sinh có điểm số cao, những thí sinh có khả năng trúng tuyển vào ĐH công lập không nhiều, cần cân nhắc lựa chọn trường, hệ đào tạo sao cho phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế của gia đình, bản thân. Việc đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng loại hình đào tạo ở các trường ĐH ngoài công lập phần nào sẽ tạo điều kiện để thí sinh có thêm cơ hội để chọn lựa ngành học, bậc học phù hợp.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết