“Cơn bão giá” đã tác động mạnh vào đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực; trong đó có công tác xây dựng cơ bản. Hiện nay, nhiều công trình xây dựng cơ bản của TP Cần Thơ đã bị ngưng trệ, một phần do các nhà thầu “chịu không nổi” với đà tăng giá vật liệu, nhân công...
 |
Do tác động của việc tăng giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng nhiều công trình xây dựng cơ bản của thành phố đang bị ngưng trệ.
(Ảnh: Công trình xây dựng cầu Rạch Cam thuộc dự án Quốc lộ 91B, do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng thành phố làm chủ đầu tư). |
Cũng phải thừa nhận rằng, có một số dự án bị chậm tiến độ là do các ban quản lý còn buông lỏng quản lý, không kịp thời tháo gỡ khó khăn, hay việc nhà thầu chưa tập trung vốn, nhân lực, phương tiện để thi công. Tuy nhiên, cũng có nhiều dự án gặp khó khăn trong bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư nên bàn giao mặt bằng chậm cho nhà thầu, thời gian thi công kéo dài hơn so với dự kiến, kéo theo sự trượt giá. Một cán bộ ban quản lý dự án cho biết: Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là đối với các dự án được phê duyệt dự toán từ trước năm 2006. Có dự án thời điểm phê duyệt dự toán đơn giá giá thép xây dựng chỉ vào khoảng 7.000-7.500 đồng/kg, nhưng giờ đây thép đã tăng lên trên 17.000 đồng/kg; cát xây được phê duyệt với đơn giá 38.000 đồng/m3, nay cát mua tại ghe lên đến 80.000 đồng/m3, giá nhân công cũng tăng theo sau nhiều lần tăng lương tối thiểu của Nhà nước, từ mức 290.000 đồng/tháng lên đến 540.000 đồng/tháng... Cụ thể như: Công trình xây dựng trụ sở UBND và công trình xây dựng trụ sở Huyện ủy huyện Vĩnh Thạnh khởi công giữa năm 2006 với tổng dự toán là 35 tỉ đồng; bây giờ theo khái toán nếu được chấp nhận phương án tính trượt giá theo quy định, tổng mức đầu tư của hai công trình này sẽ tăng lên khoảng 44 tỉ đồng. Đối với các công trình được phê duyệt và khởi công trước năm 2005, mức độ trượt giá sẽ còn cao hơn.
Trước tình hình công tác xây dựng cơ bản của các địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng do trượt giá, đầu năm nay Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản cho phép điều chỉnh giá đối với nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng chủ yếu bị tăng giá đột biến trong thời gian qua ngoài khả năng kiểm soát của nhà thầu. Đồng thời, cho phép điều chỉnh hình thức hợp đồng đối với gói thầu lỡ áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói thành hợp đồng có điều chỉnh giá. Để cụ thể hóa văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 22-2-2008, Bộ Xây dựng đã ban hành “Thông tư hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng”.
Hiện tại, các nhà thầu vốn đã có tâm lý thi công cầm chừng để chờ tăng giá, thì nay khi biết có chủ trương của Chính phủ nên càng thi công “cầm chừng hơn”, thậm chí có nhà thầu còn tạm ngưng thi công. Trong khi đó, trên thực tế công trình tạm ngưng thi công sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, chủ đầu tư, nhà thầu sẽ bị “sức ép” từ nhiều phía. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng không chỉ là biện pháp gỡ khó cho các chủ đầu tư, nhà thầu mà còn góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương.
Giờ đây, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu như đang “ngồi trên đống lửa” chờ đợi được thẩm định, phê duyệt dự toán (bao gồm dự toán công trình đã phê duyệt cộng với các dự toán chi phí xây dựng bổ sung) để tiếp tục thi công hoàn thành dự án. Do đó, cơ quan chức năng của thành phố cần sớm hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư và các nhà thầu xúc tiến thủ tục điều chỉnh giá, điều chỉnh hình thức hợp đồng; đồng thời thẩm định các hồ sơ đã có để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án. Mặt khác, các cơ quan chức năng, chủ đầu tư cũng cần có biện pháp kiên quyết, không vì việc điều chỉnh chi phí mà làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình theo kế hoạch.
THỤY KHUÊ