19/10/2021 - 06:53

Cuối năm nay sẽ có thuốc trị COVID-19? 

Bên cạnh vaccine, thuốc điều trị COVID-19 dạng uống mà nhiều hãng dược đang phát triển được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nhân tố chủ chốt giúp chấm dứt đại dịch.

FDA sắp xem xét thuốc trị COVID-19 của Merck. Ảnh: Getty Images

Trong số này, thuốc Molnupiravir do Hãng dược Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics (đều của Mỹ) điều chế, được coi như nhân tố tiềm năng thay đổi đại dịch, đặc biệt là với những người không thể tiêm vaccine. Ðược biết, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ thảo luận về thuốc Molnupiravir vào cuối tháng 11 và có thể cấp phép sử dụng khẩn cấp sớm nhất vào tháng 12 tới. Nếu vậy, đây sẽ là phương thức điều trị kháng virus đường uống đầu tiên với bệnh COVID-19.

Liệu trình Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19 là uống 4 viên 200mg hai lần mỗi ngày trong 5 ngày (tổng cộng 40 viên). Molnupiravir làm gián đoạn quá trình virus sinh sôi. Kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 trên 700 bệnh nhân chưa tiêm vaccine cho thấy thuốc có thể giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong tới 50%. Bệnh nhân có thể tự uống Molnupiravir tại nhà mà không cần tới bệnh viện. Mỹ hồi tháng 6 đã đồng ý chi 1,2 tỉ USD mua 1,7 triệu liệu trình nếu Molnupiravir được phê duyệt, tức có giá 700USD/liệu trình. Merck năm nay dự định sản xuất 10 triệu liều thuốc Molnupiravir và 20 triệu liều trong năm 2022.

Một sản phẩm viên uống khác của Hãng dược Shionogi (Nhật Bản) cũng đang trong quá trình thử nghiệm. Sau khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vào tháng 12, hãng sẽ nhanh chóng nộp đơn xin cấp phép sử dụng ở Nhật Bản. Thuốc của Shionogi ngăn chặn sự phát triển của virus bằng cách ức chế enzyme protease. Ðây là loại enzyme thiết yếu mà virus sử dụng để tự sao chép trong tế bào con người. Trong tháng này, Shionogi sẽ bắt đầu sản xuất thuốc ở quy mô lớn. Shionogi kỳ vọng chế tạo khoảng 1 triệu liều thuốc trị COVID-19 từ nay tới đầu năm 2022 và mục tiêu trong năm tiếp theo là 6-7 triệu liều thuốc.

Ngoài Merck và Shionogi, một số “ông lớn” dược phẩm như Pfizer (Mỹ) và Roche Holding AG/Atea Pharmaceuticals (Thụy Sĩ/Mỹ) cũng đang chạy đua phát triển thuốc trị COVID-19 dạng viên uống. Tuy nhiên, sản phẩm của hai hãng này chưa có lộ trình xin cấp phép cụ thể.

Ðược biết, Pfizer thử nghiệm thuốc dạng viên PF-07321332, có công dụng ngăn chặn lây nhiễm khi một người tiếp xúc gần với một người khác nhiễm SARS-CoV-2. PF-07321332 được phát triển dựa trên việc sử dụng kết hợp thuốc kháng HIV Ritonavir liều thấp. PF-07321332 sẽ ngăn chặn enzyme cần thiết để virus có thể nhân lên, trong khi Ritonavir giúp kéo dài thời gian hoạt động của PF-07321332.

Pfizer hiện thử nghiệm phương pháp kết hợp này trên nhóm tình nguyện viên từ 18 tuổi trở lên và cùng sống trong một gia đình, trong đó có người được xác định đã nhiễm COVID-19. Thử nghiệm được triển khai từ tháng 3 năm nay và đã bước sang giai đoạn 2/3 thử nghiệm lâm sàng vào tháng 9. Pfizer dự kiến sẽ hoàn tất thử nghiệm và công bố kết quả cuối cùng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thuốc PF-07321332 nếu được cấp phép, chỉ được dùng điều trị cho bệnh nhân mới nhiễm bệnh. Bởi khi bệnh chuyển biến nặng, phần lớn virus đã ngừng nhân bản.

Trong khi đó, Roche/Atea phát triển thuốc kháng virus mang tên AT-527 có đặc điểm rất giống với Molnupiravir. Liên danh này công bố kết quả thử nghiệm tích cực đối với AT-527 hồi tháng 6. Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cho thấy chỉ sau hai ngày dùng AT-527 giúp giảm 80% nguy cơ nhập viện đối với bệnh nhân mắc COVID-19. Sau hai tuần, thuốc giúp điều trị khỏi hẳn với 47% bệnh nhân.

Tại sao cần có thuốc trị COVID-19?

Ðến nay, FDA mới chỉ cấp phép sử dụng một phương pháp điều trị COVID-19 là thuốc remdesivir dạng tiêm. Remdesivir giúp rút ngắn thời gian phục hồi ở những bệnh nhân phải nhập viện, nhưng không phù hợp với những bệnh nhân thể nhẹ và trung bình.

FDA cũng đã cho phép sử dụng khẩn cấp các kháng thể đơn dòng, thuốc giúp những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình không tiến triển lên mức độ nặng. Loại thuốc này có hai dạng: truyền tĩnh mạch hoặc tiêm. Mặc dù điều trị bằng kháng thể đơn dòng miễn phí đối với dân chúng Mỹ, nhưng nó khiến chính phủ nước này tốn hơn 2.000USD cho mỗi liệu trình. Do vậy, các hãng dược bắt đầu nghiên cứu phát triển những phương pháp điều trị ít tốn kém và xâm lấn hơn.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Business Insider)

Chia sẻ bài viết