|
Hai tổng thống Mỹ (phải) và Nga gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Luân Đôn (Anh) hồi đầu tháng 4-2009.
Ảnh: AFP |
Trước thềm chuyến công du Nga đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào đầu tuần tới, cố vấn chính sách đối ngoại của Nhà Trắng Denis McDonough ngày 1-7 đã công bố chi tiết về những chủ đề thảo luận giữa ông Obama với Tổng thống nước chủ nhà Dmitry Medvedev. Theo ông McDonough, hai cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới không chỉ cần ký kết một hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược mới mà còn phải hợp tác trong các vấn đề liên quan đến Iran, Afghanistan, CHDCND Triều Tiên và những mối đe dọa ngày càng lớn về nguy cơ phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trong các chủ đề kể trên, theo giới phân tích, Nga thật sự cần Mỹ thông qua một thỏa thuận mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giai đoạn 1 (START I) sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, bởi khả năng duy trì số lượng đầu đạn hạt nhân hiện nay của Nga không được đảm bảo. Cả hai nước đều tuyên bố đang triển khai khoảng 2.200 tên lửa có mang đầu đạn hạt nhân và ngàn hàng đầu đạn hạt nhân khác còn ở trong kho dự trữ hoặc chờ hủy bỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đánh giá rằng phần lớn đầu đạn hạt nhân của Nga có thể đã trở nên vô dụng về mặt kỹ thuật và nước này chỉ còn khả năng duy trì khoảng 500 đầu đạn hạt nhân được triển khai vào năm 2020. Vì lẽ đó, Nga hy vọng Mỹ sẽ đồng ý cắt giảm 50% đầu đạt hạt nhân, tức mỗi bên duy trì ở mức từ 1.000-1.500 đơn vị. Lời đề nghị này của Nga, nhằm mục tiêu giữ thế cân bằng hạt nhân với Mỹ, từng vấp phải sự phản đối quyết liệt của cựu Tổng thống George Bush, người muốn Mỹ duy trì vai trò siêu cường hạt nhân số một thế giới. Chính quyền mới ở Mỹ thì có thể chấp nhận sáng kiến trên của Nga để khẳng định tầm nhìn “vì một thế giới phi hạt nhân” mà Tổng thống Obama đã hô hào trong chuyến công du châu Âu hồi tháng 4 vừa qua.
Tất nhiên, đổi lại sự thỏa hiệp cắt giảm vũ khí hạt nhân mới từ Mỹ, Nga chắc hẳn phải chấp nhận hợp tác cấm vận Iran và Triều Tiên nếu hai nước này không từ bỏ các chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Nga sẽ buộc phải chấm dứt tham gia vào chương trình hạt nhân của Tehran và ngừng chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến cho nước này như đã cam kết, đồng thời thực hiện nghiêm túc nghị quyết cấm vận mới của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Mát-xcơ-va hẳn sẽ không được “làm khó dễ” Mỹ và NATO tại chiến trường Afghanistan.
Nhưng điều mà Nga ắt chưa thể làm được là gây sức ép buộc Mỹ từ bỏ tham vọng triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu, cũng như dự định kết nạp Gruzia và Ukraina vào NATO. Dù ông Obama chưa vội vàng triển khai hai kế hoạch nhạy cảm trên nhằm tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách khác, nhưng đó vẫn là mục tiêu lâu dài của Washington.
Tổng thống Obama đã tuyên bố “ấn nút” khởi động lại quan hệ với Nga, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc mặc cả giữa hai cường quốc này bớt gay cấn và quyết liệt. Chờ xem!
KIẾN HÒA
(Theo AP, AFP, RIA Novosti, Bloomberg)