Trước sức ép của người biểu tình, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã quyết định chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Omar Suleiman, nhưng vẫn giữ lại cương vị của ông. Động thái này được xem là giải pháp nửa vời làm bối rối các nhà quan sát, chọc giận các nhà lãnh đạo đối lập và kích động hàng ngàn người biểu tình đang tập trung tại quảng trường Tahrir ở Thủ đô Cairo.
Nhượng bộ nửa vời
Tổng thống Mubarak đã gây bất ngờ cho nhiều người khi thông báo hôm 11-2 rằng ông sẽ không từ chức cho tới khi diễn ra cuộc bầu cử vào tháng 9 tới. Khi ông Mubarak xuất hiện trên màn hình lớn ở quảng trường Tahrir, đám đông im lặng chờ đợi tuyên bố từ chức của tổng thống nắm quyền suốt 29 năm qua. Người biểu tình chia thành từng nhóm xung quanh những chiếc radio và điện thoại cầm tay. Tuy nhiên, đám đông biểu tình dần mất kiên nhẫn và thể hiện sự thất vọng vì bài diễn văn dài dòng của ông Mubarak kết thúc mà không đề cập gì tới việc từ chức.
|
Người biểu tình giận dữ tại quảng trường Tahrir ở Thủ đô Cairo. Ảnh: AFP |
Đại sứ Ai Cập tại Mỹ Sameh Shoukry nói với đài truyền hình CNN rằng ông Mubarak đã trao quyền hành cho ông Suleiman, ngoại trừ 3 quyền: sửa đổi hiến pháp, giải tán quốc hội và sa thải nội các. Tuyên bố của ông Mubarak không đáp ứng sự chờ đợi của các nhà lãnh đạo đối lập và người biểu tình, và họ kêu gọi người ủng hộ tiếp tục tập trung qui mô lớn vào hôm nay.
Trong khi đó, cuộc đình công của hàng ngàn công nhân Ai Cập bắt đầu từ hôm 10-2 nhằm phản đối chính sách lương bổng và các điều kiện làm việc hiện hành đang tăng thêm sức ép lên chính quyền Mubarak.
Mỹ rơi vào thế kẹt
Thái độ cương quyết của ông Mubarak khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama bối rối trong việc tìm bước đi kế tiếp giải quyết cuộc khủng hoảng đang dần vượt ngoài tầm kiểm soát ở Ai Cập. Sau bài phát biểu của ông Mubarak, từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama tuyên bố rằng: “Nhân dân Ai Cập đã nghe rõ là sẽ có sự chuyển giao chính quyền, nhưng việc chuyển giao này vẫn chưa rõ sẽ diễn ra ngay lập tức, có ý nghĩa hoặc thích đáng hay không”. Một quan chức Mỹ cho biết bài phát biểu của ông Mubarak đã gây ra “sự hoài nghi” ở Nhà Trắng.
Các quan chức Ai Cập cho rằng ông Mubarak đã đáp ứng nhiều yêu cầu mà Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra hồi đầu tuần này là chuyển quyền hành cho Phó Tổng thống Suleiman. Tuy nhiên, bài phát biểu trên truyền hình của ông Suleiman diễn ra ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Mubarak, cũng khiến người biểu tình tức giận. Ông Suleiman đã không cho thấy ông có sự khác biệt nào với Tổng thống Mubarak. Động thái trên đã phủ bóng đen lên những hy vọng của Mỹ và các đồng minh truyền thống của Ai Cập về việc ông Suleiman sẽ trở thành nhân vật có thể sắp xếp một cuộc chuyển giao quyền lực êm thắm tại Ai Cập vào tháng 9 tới.
Nhà Trắng hiện bị kẹt giữa các đồng minh A-rập và Israel, vốn phàn nàn rằng ông Obama đang quyết hối thúc ông Mubarak ra đi, với các ông nghị Mỹ vốn chỉ trích Nhà Trắng không tác động đủ mạnh lên ông Mubarak. Một quan chức Mỹ cho rằng: “Điều này thật tồi tệ. Washington cần hối thúc cứng rắn hơn, nếu không người biểu tình sẽ chuyển sang bạo lực”.
Vai trò của quân đội
Lời lẽ của ông Mubarak và việc không nhượng bộ cái mà ông gọi là sự can thiệp của bên ngoài (chủ yếu nói Mỹ) đã khiến người biểu tình giận dữ và tình hình ở Cairo rất bấp bênh. Sự phẫn nộ dâng cao đã đặt quân đội vào tình thế báo động trước yêu cầu giữ ổn định và an ninh cho đất nước. Lãnh đạo đối lập Mohamed ElBaradei nói với đài truyền hình CNN của Mỹ sau bài phát biểu của ông Mubarak, rằng tổng thống và ông Suleiman là “cặp bài trùng” và không ai trong số họ có thể được nhân dân chấp nhận. Trước đó, viết trên trang mạng xã hội Twitter, ông ElBaradei cho rằng Ai Cập sẽ bùng nổ và quân đội phải cứu đất nước.
Quân đội đầy quyền lực của Ai Cập cũng đã có dấu hiệu tiến tới nắm quyền điều hành đất nước. Đài truyền hình quốc gia Ai Cập đã phát chương trình về cuộc họp của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang mà không có mặt của Tổng thống Mubarak, vốn giữ cương vị Tổng tư lệnh quân đội. Trong tuyên bố có tựa đề “Thông cáo số một”, hội đồng này cho biết “vẫn tiếp tục thảo luận các giải pháp và thỏa thuận có thể đảm bảo an toàn và những thành quả của đất nước và khát vọng của nhân dân Ai Cập”. Các quan chức phương Tây, các nhân vật chủ chốt trong chính phủ Ai Cập và lãnh đạo đối lập cũng tin rằng ông Mubarak sẽ từ chức và quân đội sẽ lên nắm quyền.
Tuy nhiên, theo báo Guardian của Anh, quân đội Ai Cập sau đó đã ủng hộ quyết định của ông Mubarak. Trong tuyên bố sáng qua, quân đội thông báo sẽ dỡ bỏ luật khẩn cấp 30 năm qua “ngay khi chấm dứt tình hình hiện nay”, nhưng không đưa ra thời gian cụ thể. Trong “Thông cáo số hai”, Hội đồng tối cao quân đội cho biết sẽ đảm bảo những thay đổi hiến pháp, cũng như cuộc bầu cử tự do và công bằng, và kêu gọi khôi phục hoạt động kinh tế bình thường.
N. MINH (Theo WSJ, Guardian và AFP)