23/05/2012 - 08:54

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở Bangladesh

Bangladesh được biết đến là một quốc gia nghèo ở khu vực Nam Á. Từ lâu, người dân nơi đây phải sống trong cảnh khốn khó chỉ vì sự tàn phá của thiên nhiên. Ngày nay, những thảm họa thiên nhiên như lốc xoáy, lũ lụt, khô hạn càng trở nên khốc liệt hơn, phá hoại mùa màng, làm cho cuộc sống của người dân Bangladesh vốn đã khốn khó càng trở nên khốn khó hơn.

Dân làng đang sửa chữa con đê chống lũ sau khi bị cơn bão Aila tàn phá năm 2009. Ảnh: AFP  

Trong số những người phải chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Bangladesh, chị Rebecca Sultan là một ví dụ điển hình. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, cuộc sống của chị đã bị làm đảo lộn đến 2 lần. Lần đầu diễn ra vào năm 2007 khi cơn lốc với sức gió 225km/giờ quét sạch ngôi làng của chị, cướp đi 6.000 mạng người. Lần thứ hai diễn ra sau đó 18 tháng, khi cơn bão Aila vượt qua Vịnh Bengla tấn công ngôi làng của chị, cuốn đi bờ kè ven biển, nhấn chìm ruộng muối của chị trong biển nước.

Trong lịch sử, cứ 20-30 năm, những cơn bão với cường độ như vậy xảy ra ở Bangladesh một lần. Tuy nhiên, chứng kiến hai cơn siêu lốc xoáy xảy ra liên tiếp trong hai năm ở Bangladesh, cùng với sự tàn phá kinh khủng của cơn siêu lốc xoáy Nargis cướp đi 10.000 sinh mạng ở nước láng giềng Myanmar gần một năm sau đó, những người dân như chị Rebecca Sultan và giới chức Bangladesh nhận thức rất rõ rằng biến đổi khí hậu đã xảy ra và sự sống còn của Bangladesh đang bị đe dọa.

Gazipara, giống như hàng ngàn ngôi làng khác ở vùng ven biển Bangladesh hiện đang chạy đua để thích ứng với những cơn lũ, sự xói mòn và xâm nhập của nước mặn ngày càng gia tăng. Người dân nơi đây đã nâng nhà của họ cao hơn, trồng những loại cây chịu mặn. Chị Sultan nói: “Chúng tôi biết chúng tôi phải sống với biến đổi khí hậu và đang cố gắng để thích ứng với nó”.

Sau các cơn bão, Bangladesh thường phải dựa vào sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, nhưng không phải lúc nào cũng nhận được đúng số tiền mà các nước giàu đã cam kết hỗ trợ. Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bangladesh Dipu Moni nói: “Biến đổi khí hậu là có thật và đang xảy ra. Khi nhiệt độ tăng 10C, điều đó có nghĩa là Bangladesh giảm 10% GDP. Chúng tôi phải mất từ 10-20 năm để phục hồi sau trận gió lốc Sidr năm 2007, nhưng cho đến nay chỉ nhận được 125 triệu USD, bao gồm 75 triệu USD từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Anh (DfID), chiếm chưa tới 10% số tiền mà các nước giàu đã cam kết hỗ trợ Bangladesh”.

Ở những nơi khác tại Bangladesh, hàng trăm người ra sức củng cố bờ bao, xây dựng các khu vành đai, đào ao, đào giếng lấy nước ngọt. Một số người còn xây dựng các kho để lưu trữ những gì có giá trị, trong khi số khác tìm nơi an toàn để tránh bão. Saleemul Huq, một nhà khoa học của Bangladesh, trưởng nhóm nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế về Môi trường và Phát triển ở Luân Đôn (Anh) bày tỏ: “Tôi khá ngạc nhiên trước cách mà mọi người đang vật lộn với biến đổi khí hậu và cách mà họ thích nghi với nó”.

Ông Atiq Rahman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cao cấp Bangladesh cho biết một nghiên cứu mới nhất cho thấy tình trạng hạn hán cũng như mực nước biển ngày càng dâng cao ở phía Bắc Bangladesh, hơn 30 triệu người dân Bangladesh có thể mất tất cả do biến đổi khí hậu trong vòng khoảng 30-50 năm tới. Ông còn nói: “Những cơn bão, hạn hán sẽ hoành hành liên tục trong tương lai. Chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Những người nghèo không thể chờ đợi, họ đang hành động”. Trong một hội nghị về thích ứng của cộng đồng đối với biến đổi khí hậu, ông nhấn mạnh: “Các kiến thức truyền thống về việc khi nào trồng và trồng cây gì, khi nào thu hoạch có thể không đủ. Chính phủ nhận thấy đó là một mối đe dọa thực tế nhưng những gì sẽ xảy ra trong tương lai lại không được biểu thị. Chúng ta cần có công nghệ mới, các quỹ hỗ trợ mới và kiến thức mới”.

TRÍ VĂN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết