10/08/2024 - 21:05

Cuộc chiến cáp biển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 

Căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung Quốc gia tăng và mạng lưới cáp ngầm rộng lớn dưới biển được dự đoán sẽ trở thành nguồn gây căng thẳng mới. Vì thế, việc bảo vệ các tuyến cáp ngầm, cáp quang biển ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương ngày càng phức tạp.

Bản đồ hệ thống cáp biển ở các đảo Thái Bình Dương năm 2021.

Các tuyến cáp ngầm dưới biển đã gây chú ý vào đầu năm nay sau khi 4/15 tuyến cáp ngầm quan trọng ở Biển Ðỏ bị cắt trong bối cảnh phiến quân Houthi ở Yemen tấn công các tàu của Mỹ và Anh.

Ý nghĩa địa chính trị và kinh tế

Là "mạch máu" của Internet toàn cầu, những tuyến cáp ngầm trải dài hàng ngàn kí-lô-mét dưới đáy đại dương là nền tảng cho xã hội hiện đại và nền kinh tế kỹ thuật số khi truyền tải gần 99% dữ liệu qua các lục địa. Ước tính, mạng lưới cáp ngầm dưới biển vận chuyển gần 10.000 tỉ USD giao dịch tài chính mỗi ngày.

Năm 2024, thế giới sẽ có khoảng 140.000km cáp ngầm được lắp đặt dưới đáy biển, gấp 3 lần so với 5 năm trước. Trong đó, khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương với kinh tế năng động và vị trí chiến lược quan trọng, phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến cáp này để kết nối.

Những năm gần đây, các nhà khoa học cảnh báo địa chất khu vực "vành đai lửa" Thái Bình Dương bị căng thẳng liên tục, làm gia tăng các địa chấn như động đất, lở đất dưới biển và sóng thần. Những thảm họa này gây thiệt hại đáng kể cho mạng lưới cáp ngầm, dẫn đến gián đoạn thông tin liên lạc và tổn thất kinh tế.

Nhưng xét về tính cấp bách, "mối đe dọa nhân tạo" đến từ hành vi cố ý phá hoại và gián điệp đặt ra vấn đề phức tạp hơn. Kiểm soát cáp ngầm có thể mang lại lợi thế chiến lược về mặt tình báo và ưu thế truyền thông. Cụ thể hơn, những hành vi như cố ý cắt hoặc can thiệp mạng lưới cáp ngầm sẽ làm tê liệt hoạt động truyền tải thông tin, khiến một quốc gia thậm chí cả khu vực bị cô lập. Những tình huống như vậy có nguy cơ phá vỡ thị trường tài chính, cản trở thương mại toàn cầu và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Hành vi kiểm soát các loại cáp dưới biển còn ảnh hưởng nặng nề tới truyền tải điện và nhiên liệu, làm gián đoạn các luồng dữ liệu quân sự.

Cho nên, có thể coi việc cố ý nhắm mục tiêu vào các tuyến cáp ngầm là một hình thức chiến tranh hỗn hợp khi nó được định hình như biện pháp phi truyền thống giúp đạt đòn bẩy chiến lược. Trong xung đột hiện đại, cách tiếp cận này đặc biệt hiệu quả khi cô lập và gây thiệt hại cho đối thủ mà không cần tới hành động vũ trang. Ðơn cử như vụ 2 tuyến cáp ngầm nối đảo Mã Tổ của Ðài Loan bị "vô hiệu hóa" hồi tháng 4 năm ngoái. Nếu xét đến vai trò cốt lõi của Ðài Loan trong ngành công nghiệp bán dẫn thì viễn cảnh cơ sở hạ tầng truyền thông hòn đảo này bị phá vỡ có thể lan tỏa đến chuỗi cung ứng, ảnh hưởng các ngành công nghiệp trên thế giới. Nghiêm trọng hơn, nó có thể gia tăng nguy cơ xung đột quân sự giữa các bên liên quan về an ninh trên eo biển Ðài Loan.

Sự thống trị của Mỹ và đồng minh

Mỹ và một số đồng minh đã thống trị thị trường cáp ngầm trong hàng thập kỷ. Và Washington đang nỗ lực xây dựng các mạng lưới thông tin "sạch" không có sự tham gia của Trung Quốc, viện dẫn các rủi ro về an ninh quốc gia. Những năm gần đây, cáp ngầm đóng vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi 2 cường quốc rơi vào vòng xoáy mâu thuẫn chiến lược, bối cảnh địa chính trị ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục làm trầm trọng thêm các thách thức về an ninh cáp ngầm, bao gồm việc Bắc Kinh mở rộng hoạt động trên biển và quân sự hóa các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Ðông. Gần đây, các báo cáo chỉ ra rằng tàu bảo trì của Trung Quốc có thể can thiệp vào tuyến cáp quốc tế.

Trong bối cảnh nguy cơ xung đột về các tuyến cáp và điểm hạ đặt là rất cao, những quốc gia thuộc trung tâm mạng lưới cáp ngầm toàn cầu như Nhật Bản, Úc và Singapore đã nâng tính bảo mật tài sản dưới nước lên thành vấn đề lợi ích quốc gia. Ðiều này được thể hiện qua việc Tokyo ra sức ủng hộ các quy định quốc tế và chủ động tăng cường quan hệ với những đối tác chủ chốt trong ngành như Mỹ, Úc và Canada.

Vài năm trở lại đây, Singapore đã dẫn đầu thế giới trong thiết kế và thúc đẩy các hiệp định kinh tế kỹ thuật số (DEA) gồm các quy định quản lý cáp ngầm, đảm bảo luồng dữ liệu an toàn và có thể trở thành mô hình tiêu biểu cho các sáng kiến ​​tương tự. Ở Ðông Nam Á, Philippines cũng hướng tới trở thành trung tâm dữ liệu quan trọng với một số dự án cáp mới, tăng cường tính đa dạng của các tuyến kết nối và giảm độ trễ lưu lượng dữ liệu giữa Ðông Nam Á, Bắc Á và Mỹ.

Lo ngại về gián điệp và kiểm soát địa chính trị, nhiều nước thậm chí có chiến lược bỏ qua các tuyến cáp ngầm của Trung Quốc ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương trong những dự án mới. Cụ thể, sẽ có thêm 7 tuyến cáp ngầm được nối tới Singapore vào năm tới, nhiều hơn gấp đôi so với Trung Quốc. Singapore sau đó bổ sung 9 tuyến cáp ngầm tới đảo Guam và 4 tuyến cáp ngầm tới Nhật Bản. Ðể giải quyết nhu cầu Internet tốc độ cao và đáng tin cậy, Hàn Quốc đã phát triển tuyến cáp ngầm dài 9.000km kết nối 6 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Indonesia, Philippines và Singapore.

Khắc phục rủi ro và giải quyết những thách thức liên quan cáp ngầm là nhu cầu cấp thiết đối với tương lai của khu vực.

Năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ kêu gọi Google và Meta xem lại kế hoạch lắp đặt tuyến cáp ngầm dài 13.000km giữa Los Angeles và Hong Kong (Trung Quốc). Dự án đã ở giai đoạn cuối, nhưng hai gã khổng lồ công nghệ đã nhanh chóng quyết định loại bỏ điểm đến Hong Kong và dừng tuyến cáp ở Ðài Loan và Philippines.

Hồi tháng 4, Google công bố dự án trị giá 1 tỉ USD để xây dựng 2 tuyến cáp ngầm dưới biển nối Nhật Bản - Guam - Hawaii. Khi hoàn tất, dự án sẽ cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng truyền thông kỹ thuật số giữa Mỹ, Nhật Bản và các quốc đảo Thái Bình Dương. Trước đó, dự án cáp ngầm dưới biển do Ngân hàng Thế giới chủ trì ở các quốc đảo Nam Thái Bình Dương cũng đã loại bỏ các công ty Trung Quốc sau cảnh báo của Mỹ về các mối đe dọa an ninh.

Trung Quốc tăng tốc

 Số lượng cáp ngầm dưới biển trên khắp thế giới dự kiến sẽ tăng trong những năm tới, phản ánh nhu cầu ngày càng tăng về lưu lượng dữ liệu được thúc đẩy bởi sự phổ biến của dịch vụ truyền phát video. Hiện có tổng cộng hàng trăm sợi cáp viễn thông khổng lồ trải dài gần 1,4 triệu km được đặt dưới biển, tương đương hơn 30 vòng quanh Trái đất.

Sau khi đưa ra Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vào năm 2013, Trung Quốc đã lần lượt bổ sung thêm dự án "Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21" và “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số". Trong đó, "Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số" với các tuyến cáp ngầm dưới biển đóng vai trò then chốt trong việc mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.

Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp cáp Trung Quốc đã thách thức sự thống trị lâu đời của Mỹ và các đồng minh. Ði đầu trong nỗ lực phát triển cáp ngầm của Trung Quốc là gã khổng lồ thiết bị viễn thông Huawei. Tuy nhiên, cuối năm 2019, Huawei đã bị Mỹ gây áp lực, buộc phải bán phần lớn cổ phần trong Huawei Marine Networks. Huawei Marine Networks sau đó được đổi tên thành HMN Technologies. FiberHome, ban đầu là nhà sản xuất cáp quang trên đất liền, đã đi theo bước chân của Huawei, thành lập mảng thiết bị biển vào cuối năm 2015 và dần đảm nhận các dự án trong nước. Chẳng bao lâu, FiberHome cũng nằm trong danh sách đen của Mỹ.

Tuy vậy, trong khoảng 10 năm qua, Trung Quốc đã chuyển từ chỉ đầu tư một phần vào các liên minh cáp ngầm đến tích cực tài trợ, xây dựng và nâng cấp ít nhất 65 dự án quốc tế. Trong đó, Huawei và HMN Technologies đã tham gia tổng cộng ít nhất 40 dự án quốc tế và giúp lắp đặt 94.000km cáp. Theo Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT), các công ty Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp 45% trong tổng số 770.000km cáp được lắp đặt từ năm 2023 đến năm 2028. Có ít nhất 3 dự án lớn do HMN Technologies phụ trách dẫn đầu đang được xây dựng nối liền Trung Quốc và Hong Kong với nhiều quốc gia Ðông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Singapore. Các dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong vòng 2 năm tới.

MAI QUYÊN (Theo Asia Times, Diplomat)

Chia sẻ bài viết