24/12/2019 - 05:54

Cùng con vào tuổi dậy thì 

Theo các chuyên gia y tế, đời sống vật chất ngày càng nâng cao, xu hướng dậy thì ở thế hệ trẻ ngày càng sớm hơn rất nhiều so với trước. Hiện nay, dậy thì được xác định trong giai đoạn trung bình từ 10 đến 13 tuổi ở cả con trai và con gái. Những trường hợp dậy thì khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai được xem là dậy thì sớm. Tình trạng dậy thì sớm thường gặp ở bé gái, gấp 10 lần so với bé trai; dậy thì sớm phổ biến ở thành thị hơn so với nông thôn.

Dấu hiệu nhận biết con dậy thì

Ngày nay, xu hướng dậy thì ở trẻ ngày càng sớm hơn rất nhiều so với trước. Ảnh minh họa: Học sinh tiểu học ở quận Ô Môn trong tiết mục múa hát sân trường. 

Một phụ huynh ở quận Bình Thủy đưa con gái học lớp 2 đến phòng khám chuyên khoa sản để bác sĩ thăm khám vì có dấu hiệu xuất hiện kinh nguyệt. Chị rất băn khoăn, lo lắng, thương con gái còn nhỏ xíu mà “bỗng dưng” thành người lớn. Thực tế hiện nay, không hiếm gặp trường hợp các em nhỏ đang độ tuổi tiểu học bước vào giai đoạn dậy thì. Thạc sĩ - bác sĩ Trịnh Hoài Ngọc, Trưởng Khoa Phụ, BV Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, những dấu hiệu của dậy thì sớm ở bé gái là sự phát triển ngực sớm, tăng tốc độ tăng trưởng, có kinh nguyệt sớm... Còn dấu hiện nhận biết dậy thì sớm ở bé trai là tăng cơ bắp và lông trên cơ thể, tăng tốc độ tăng trưởng, tăng cường độ giọng nói...

Hầu hết những trường hợp dậy thì sớm chỉ đơn thuần là sự tăng tốc của quá trình sinh lý bình thường, nhằm báo hiệu cho tuổi trưởng thành. Những trường hợp này không phải bệnh lý. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, dậy thì sớm có nguyên nhân là do bất thường trục hạ đồi - tuyến yên - cơ quan sinh dục. Hiếm hơn, dậy thì sớm có nguyên nhân là do các tuyến sản xuất hormone sinh dục bao gồm buồng trứng ở bé gái và tinh hoàn ở bé trai, bắt đầu tự hoạt động sớm hơn bình thường. Cuối cùng, việc tiếp xúc với các loại thực phẩm, mỹ phẩm hoặc thuốc có chứa estrogen hoặc testosterone có thể dẫn đến dậy thì sớm. Đây là nguyên nhân gây dậy thì sớm nhiều nhất và được quan tâm nhất hiện nay.

Theo Thạc sĩ - bác sĩ Trịnh Hoài Ngọc, dậy thì sớm gây nhiều tác động đến trẻ nếu không có được sự quan tâm, đồng hành kịp thời, đúng lúc của cha mẹ. Về tâm lý, những thay đổi trên cơ thể khiến các em cảm thấy ngại ngùng, khác biệt, bị bạn bè trêu chọc. Một tác hại đáng lo khác là những trẻ dậy thì quá sớm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ so với bạn cùng trang lứa khi đến tuổi trưởng thành. Bên cạnh đó, những biến đổi tâm sinh lý trong giai đoạn dậy thì có thể khiến trẻ lơ là, thiếu tập trung học tập. Ở bé gái, dậy thì sớm tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành chứng rối loạn nội tiết tố và gây hội chứng buồng trứng đa nang khi trưởng thành. Nghiêm trọng hơn, việc phát triển hormone sinh sản sớm quá mức, dẫn đến những ham muốn tình dục tự nhiên trong khi các em còn nhỏ, chưa ý thức được hành vi, dẫn đến tình trạng quan hệ tình dục sớm, kéo theo nhiều hệ lụy như mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, để lại nhiều sang chấn tâm lý lâu dài trong cuộc đời.

Để xác định tình trạng dậy thì sớm, ngoài việc xem xét biểu đồ tăng trưởng, bác sĩ sẽ chỉ định cho các em thực hiện một số xét nghiệm nồng độ các hormone liên quan. Bác sĩ cũng có thể chụp X-quang bàn tay và cổ tay trái để đo tuổi xương cho trẻ, mục đích để xem quá trình dậy thì tiến triển nhanh như thế nào và có thể ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành hay không. MRI  não có thể được thực hiện để đảm bảo rằng không có bất thường tiềm ẩn nào trong khu vực của tuyến yên và vùng hạ đồi.

Giải pháp phòng tránh dậy thì sớm

Cha mẹ có thể giúp trẻ vượt qua giai đoạn này bằng cách trò chuyện, cung cấp cho trẻ những thông tin cần thiết về sự phát triển tâm sinh lý hoặc đưa trẻ đến các cơ sở y tế có phòng khám thân thiện để được tư vấn về các vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, như: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ TP Cần Thơ; Hội KHHGĐ TP Cần Thơ, đều nằm trên đường Hùng Vương, quận Ninh Kiều.

Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận mối liên quan giữa thực phẩm, mỹ phẩm và thuốc trong xã hội hiện đại có liên quan đến tình trạng dậy thì sớm. Do vậy, để phòng tránh và giảm thiểu tình trạng dậy thì sớm, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến nhiều yếu tố, từ chế độ dinh dưỡng hợp lý đến lối sống tăng cường vận động, hạn chế các sản phẩm chứa các thành phần liên quan đến hormone sinh dục. Theo đó, mỗi gia đình nên thực hành chế độ ăn phong phú, đầy đủ dưỡng chất phù hợp cho nhu cầu năng lượng cần thiết cho trẻ, hạn chế tối đa các loại thực phẩm chế biến sẵn, như đồ hộp, hay thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ và chứa lượng đường cao. Đồng thời, tránh cho trẻ sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vì nếu thực phẩm có chứa hormone tăng trưởng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý của trẻ. Song song đó, khuyến khích trẻ vận động, tập luyện thể dục thể thao để tiêu hao năng lượng, rèn luyện thể chất, tránh tình trạng béo phì, vừa thúc đẩy sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa thể chất và tinh thần theo độ tuổi của trẻ. 

Không phải tất cả các trường hợp dậy thì sớm đều cần điều trị, chỉ có chỉ định điều trị khi dậy thì tiến triển nhanh và/hoặc rối loạn tâm lý xã hội đáng kể. Theo Thạc sĩ - bác sĩ Trịnh Hoài Ngọc, dậy thì sớm có thể là sinh lý, nhưng cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý mà hậu quả sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sự phát triển của trẻ. Chính vì vậy, khi con có các biểu hiện của dậy thì sớm, cha mẹ cần đặt ra các câu hỏi  và phải cùng trẻ giải quyết các vấn đề đó: Con tôi sẽ thay đổi như thế nào trong độ tuổi dậy thì? Tôi có thể làm gì để trở thành cha mẹ tốt cho trẻ vị thành niên? Tôi có thể làm gì để giữ cho phương tiện truyền thông không bị ảnh hưởng xấu đến con tôi? Làm thế nào tôi có thể giữ cho con tôi có động lực để học tập tốt và phát triển đúng hướng?

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết