28/07/2018 - 09:01

Cưng con… 

Một lần, ngồi chờ con chơi trong sân trường, tôi vô tình nghe cuộc đối thoại giữa hai phụ huynh, than phiền việc nhà trường không lắp đặt hệ thống nước nóng để con rửa tay. Hai phụ huynh lo lắng, thời tiết đang trở lạnh, nếu rửa tay bằng nước máy, có thể làm con bị cảm. Quan tâm, lo lắng cho con là tốt nhưng nếu cưng chiều con một cách thái quá, có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn…

Các bậc phụ huynh cho con thường xuyên tham gia các hoạt động vui chơi giải trí để giáo dục, rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết. Ảnh: Q.LAM

Trong cuộc sống hiện đại, những câu chuyện đại loại như trên không hiếm gặp. Nhiều bậc phụ huynh quá cưng con, luôn lo lắng về những điều không như ý sẽ gây tổn hại sức khỏe, tinh thần của con. Chị H. (quận Ninh Kiều) bộc bạch: "Tôi có người bạn đi đâu, làm gì cũng nghĩ và nhắc đến con. Mỗi khi ai góp ý hạn chế của con, bạn lập tức "mặt nặng mày nhẹ". Với bạn thì con là... số 1 và muốn tự tay chăm sóc con mới yên tâm". Theo lời chị H., mỗi lần cơ quan tổ chức đi chơi hay dã ngoại, chị cũng đưa con theo. Chị không nhận sự phân công của trưởng đoàn để "toàn tâm toàn ý" chăm lo con. Suốt chuyến đi, chị hầu như bận rộn, tất bật chăm sóc, phục dịch con, chẳng chút thư giãn, còn thêm mệt mỏi…

Tương tự, chị T. (quận Ninh Kiều) cũng "nổi tiếng" cưng con. Vốn làm công tác phụ nữ, thường xuyên vắng nhà nhưng chị luôn tranh thủ thời gian chăm con. Chị T. kể: "Do vợ chồng đi làm và cha mẹ lớn tuổi, tôi đành phải gửi con đi học (một buổi) lúc 4 tuổi. Buổi trưa rước con về nhà ngủ lâu và sâu giấc. Tôi dậy sớm đút con ăn sáng, mới đưa tới trường. Mỗi khi gia đình tổ chức du lịch, tôi dành thời gian lên kế hoạch chuẩn bị chi tiết; nấu sẵn thức ăn mang theo cho con, đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khỏe". Cũng theo chị T., nhà nhiều người nhưng chị không nhờ ai chăm con vì ngại không cẩn thận. Thậm chí, ông xã chị muốn đưa con đi chơi riêng hay đón con tan học, chị cũng ngại vì cho rằng, đàn ông chăm con không chu đáo. Chị muốn tự tay làm mọi việc cho con nên cuộc sống của chị luôn bận rộn.

Nhiều giáo viên mầm non, tiểu học đã nhiều phen phát hoảng khi phát hiện trong lớp có những bạn thuộc hàng "con cưng", bởi phụ huynh có thể làm ầm lên bất cứ lúc nào nếu chẳng may con họ bị trầy sướt, va quẹt, hoặc chỉ là vết muỗi cắn… Cô P. (quận Bình Thủy) bộc bạch: "Trong một lần chạy chơi đùa cùng bạn, bé N. bất cẩn vấp té trầy chân. Dù rằng bé đã tự nhận trước mặt cha mẹ và giáo viên đứng lớp đã xin lỗi nhưng phụ huynh vẫn không tin mà liên tục cằn nhằn, trách móc giáo viên bằng lời lẽ nặng nề, thậm chí còn gặp ban giám hiệu để "mắng vốn", dọa trình báo công an để vào cuộc điều tra cho ra lẽ… Tôi nghĩ ai cũng yêu thương con mình, rất nóng ruột khi xảy ra những điều không mong muốn. Tuy nhiên cũng không vì thế mà làm quá vấn đề, nhất là khi ở trước mặt con. Bởi như thế vô tình gieo rắc trong trẻ suy nghĩ mình lúc nào cũng là nhất; dù mình có sai cỡ nào ba mẹ cũng sẵn sàng đứng ra bảo vệ cho mình…".

Chia sẻ của cô P. hoàn toàn có lý bởi ngày nay, đa số gia đình ít con cháu nên dồn hết tình thương và tâm sức để chăm lo. Có gia đình đến 6-7 người lớn nhưng chỉ có 1-2 trẻ con nên bé được chăm sóc, nuông chiều hết mực. Trường hợp bé L., cháu duy nhất gia đình nội, ngoại, nên ngoài cha mẹ, bé còn có thêm ông bà, cô, cậu… nuông chiều. Ở nhà, bé L. muốn gì được nấy và mọi người cảm thấy vui và hãnh diện mỗi khi được L. "chọn" chơi cùng. Tất cả vật dụng, đồ ăn, thức uống của bé L. chuẩn bị theo chế độ đặc biệt. Mỗi tối trước khi đi ngủ, bé L. chỉ định ai sẽ đưa rước bé đi học sáng hôm sau. Ai bận chuyện đột xuất "bẻ kèo", bé L. sẽ giận dỗi và không thèm nói chuyện… Chị H., mẹ bé L., tâm sự: "Dù biết con làm vậy là quá đáng nhưng từ nhỏ được nuông chiều nên giờ thành thói quen dựa dẫm, ỷ lại người khác. Dù học lớp 5 nhưng những chuyện cá nhân: ăn uống, vệ sinh, tắm rửa, chuẩn bị tập sách đi học… đều có người làm giúp. Tôi lo sau này bé L. sẽ thiếu kỹ năng sống, không biết tự lập, sắp xếp, nhất là tính tự giác trong học tập. Thế nhưng, mỗi khi muốn dạy hay tập bé L. làm việc gì, ông bà ngăn cản vì sợ bé L. mệt…".

Chia sẻ của chị H. là trăn trở chung của nhiều phụ huynh khi muốn thay đổi quan niệm, thói quen chăm sóc trẻ. Có nhiều cách "cưng con", phù hợp từng giai đoạn, lứa tuổi; quan trọng là phụ huynh phải làm thế nào để trẻ vừa rèn kỹ năng sống, thói quen tự giác, tự lập, mà cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ.

TRÂM ANH

Chia sẻ bài viết