28/03/2013 - 20:20

Củng cố niềm tin cho doanh nghiệp

Lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, tồn kho, thị trường sụt giảm, nợ xấu… khiến chỉ số niềm tin của doanh nghiệp (DN) vào thị trường giảm. Sự phát triển và tính ổn định của DN có tác động rất lớn đến tăng trưởng của nền kinh tế, do vậy, các bộ ngành đang cụ thể hóa nhiều chính sách của Chính phủ để gỡ khó cho DN.

Niềm tin sụt giảm

DN đang chờ lãi suất cho vay giảm thêm để tái đầu tư sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất thép cuộn tại Công ty Liên doanh Thép Tây Đô. Ảnh: MINH HUYỀN 

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008 kéo dài đến nay và đang trên đà hồi phục chậm. Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cuộc khủng hoảng tài chính này, DN là đối tượng tổn thương nhiều nhất. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, năm qua thành phố có 649 DN và 565 đơn vị trực thuộc đăng ký giải thể. Còn theo Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA) càng về cuối năm 2012, DN càng đuối về tài chính và phải giải quyết các vấn đề nợ thuế, bảo hiểm xã hội, nợ khách hàng, lương thưởng Tết cho công nhân… Hiện CBA có 201 hội viên chính thức và liên kết (DN). Nguồn vốn hoạt động của DN hiện phần lớn phụ thuộc vào vốn vay từ ngân hàng, theo phản ánh của DN gần đây lãi suất cho vay đã điều chỉnh giảm dưới 15%/năm, nhưng các ngân hàng thực hiện chưa đồng bộ, thủ tục vay nghiêm ngặt, DN vẫn khó tiếp cận vốn. Các chính sách của Chính phủ về giãn thuế có tác động gián tiếp với mỗi DN, nhưng với DN đang chịu lỗ liên tục thì giãn thuế chưa đủ để giúp DN thoát khỏi tình trạng nguy cấp...

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực CBA, kiêm Tổng thư ký CBA, cho biết: "CBA đã tiến hành cuộc khảo sát ý kiến của hội viên thông qua internet với 7 câu hỏi liên quan đến môi trường kinh doanh, khó khăn mà DN đang gặp phải, kế hoạch dự kiến của DN trong 3 năm tới, lý do khiến DN mở rộng đầu tư/kinh doanh, lý do không mở rộng đầu tư/kinh doanh… thì kết quả cho thấy rất nhiều khó khăn đang bao trùm DN. Vấn đề mà các chuyên gia kinh tế dự báo là hàng tồn kho là khó khăn lớn của DN, nhưng trả lời CBA chỉ có 1 DN than về vấn đề này. Vốn kinh doanh thì ít DN quan tâm, chỉ 13,3% DN cho là không tiếp cận được vốn ngân hàng do điều kiện và thủ tục khắt khe, họ không vay vốn ngân hàng do lãi suất cao". Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, tất cả DN đều không muốn đóng cửa kinh doanh, nhưng kế hoạch dự kiến trong 3 năm tới thì đa số DN cho biết sẽ giảm qui mô kinh doanh (46,6%) và 33,3% dự kiến mở rộng kinh doanh, chỉ có 13,3% dự kiến kinh doanh bình thường. Lý do lớn nhất để DN mở rộng kinh doanh là cơ sở hạ tầng được cải thiện (tỷ lệ 67%), tăng cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài (40%) và tăng trưởng của thị trường trong nước, khu vực. Như vậy, có thể thấy DN xuất nhập khẩu mới có ý định mở rộng kinh doanh, nhưng những DN này cũng đưa ra nhận định là triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới chưa thuận lợi, chỉ 20% xem đây là yếu tố để mở rộng kinh doanh.

Mới đây, tại hội nghị toàn thể hội viên CBA năm 2013, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam (VinaSME) chia sẻ với DN rằng TP Cần Thơ rất tiềm năng, số lượng DN phát triển nhanh, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát trong nước. Khó khăn và thách thức này tiếp tục kéo dài trong năm 2013. DN vừa và nhỏ chịu nhiều tác động nhất từ hệ lụy của suy thoái kinh tế, lãi suất ngân hàng cao, tồn kho lớn, nợ xấu… Hiện chỉ số niềm tin của DN vào thị trường đang sụt giảm. Do vậy, các chính sách gỡ khó cần thực thi đồng bộ để củng cố niềm tin cho DN vượt qua thách thức.

DN cần chủ động tái cơ cấu

Kết quả khảo sát của CBA năm 2012 có 53,33% hội viên đánh giá điều kiện và môi trường kinh doanh của Việt Nam kém trong khi năm 2011 chỉ 26,66% cho là kém và 40% cho là tạm được. Năm 2013, chỉ có 20% hội viên nhận định môi trường kinh doanh lạc quan. Bởi năm 2012, có đến 73% ý kiến DN cho rằng chi phí đầu vào cao nên lợi nhuận rất thấp khiến DN khó càng khó; 53,3% ý kiến cho biết lo về công nợ khó thu hồi; 60% cho rằng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ làm tăng chi phí vận chuyển của DN. Chính lẽ đó, khiến niềm tin của DN sụt giảm. Các chuyên gia kinh tế lo ngại nếu căn bệnh trầm kha của DN về vấn đề vốn, thị trường chưa được gỡ, sức khỏe tiếp tục xuống dốc sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô, giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Do vậy, cần liều thuốc mạnh để củng cố niềm tin cho DN.

Theo phản ánh của nhiều DN trên địa bàn TP Cần Thơ thì trong khi chờ các giải pháp của Chính phủ thì phần lớn DN đang áp dụng nhiều giải pháp để duy trì hoạt động. Cụ thể như thu gọn qui mô kinh doanh, tập trung vào sản phẩm chủ lực, cố gắng duy trì một lượng khách hàng nòng cốt. Có DN thu gọn kinh doanh, nhưng tìm cách mở ra một hướng mới với những sản phẩm có tính thời vụ cao và có thể mang lại lợi nhuận tức thì để bảo toàn DN. Tuy nhiên, khó khăn nhiều nhất là DN đang vướng vào các quy hoạch của địa phương (mặt bằng sản xuất bị thu hồi), chính sách bồi hoàn chưa thỏa đáng khiến DN lo ngại tổn thất vật chất khi di dời nhà xưởng về chỗ mới. Vấn đề này, CBA đã kiến nghị đến lãnh đạo thành phố để có giải đáp thỏa đáng cho hội viên. Theo CBA, DN đang mong đợi nhà nước cần cụ thể hóa chủ trương về giãn thuế thu nhập DN, thuế VAT, tiếp tục hạ lãi suất cho vay, điều hành ổn định giá các mặt hàng thiết yếu… để giúp DN chống đỡ khó khăn.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận cho biết thêm, năm qua, CBA đã đại diện cho các hội viên kiến nghị với thành phố nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, mặt bằng sản xuất, chính sách thuế (giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN). Đồng thời tổ chức các cuộc đối thoại giữa DN và ngân hàng để tìm tiếng nói chung, giúp DN gỡ khó về vốn sản xuất, kinh doanh… Trong năm 2013 này, CBA sẽ linh hoạt các hoạt động hỗ trợ hội viên dựa vào tình hình thực tiễn. CBA luôn lấy slogan "Liên kết để chia sẻ, hợp tác để thành công" làm phương châm hoạt động để tạo thêm sức mạnh và nguồn lực cho công việc của hội. CBA sẽ làm tốt vai trò cầu nối giữa DN và chính quyền địa phương trong việc chuyển tải thông tin liên quan đến chính sách nhà nước, những vướng mắc mà hội viên cần giải đáp lên chính quyền thành phố.

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm cho rằng, trước biến động thị trường, DN cần tái cơ cấu lại bộ máy hoạt động của mình, xem lại những thế mạnh, yếu để hoạch định chiến lược phát triển, tự thích nghi với điều kiện mới. Hiện Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường, gỡ nút thắt vốn cho DN… Và Nghị quyết 02-NQ-CP của Chính phủ (ngày 7-1-2013) nếu được thực thi đồng bộ sẽ tạo động lực mới cho DN vượt qua khó khăn. Song, quyết định cuối cùng vẫn là tự thân các DN phải vận động linh hoạt để hoạch định chiến lược một cách căn cơ, ứng phó với thực tiễn, vượt qua thách thức.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết