23/03/2012 - 21:57

TÍN DỤNG CHO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Cung - cầu chưa gặp nhau

Với lợi thế về nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã vươn ra khắp châu lục trên thế giới, nhưng nông dân vẫn nghèo, sản xuất nông nghiệp đầy rủi ro. Nhu cầu vốn đầu tư cho nông nghiệp- nông thôn rất lớn, nhưng lãi suất cho vay, tài sản thế chấp… vẫn là rào cản trong hiện tại. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn để phát triển bền vững là thách thức nhiều năm qua của vùng ĐBSCL.

Đầu tư chưa tương xứng

Đầu tư cho nông nghiệp hiện chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Ảnh: CTV 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31-12-2011, dư nợ cho vay ở vùng ĐBSCL đạt 191.203 tỉ đồng; trong đó, 53.067 tỉ đồng dư nợ trên lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn. Song, trên thực tế các địa phương cho rằng, nông dân, doanh nghiệp (DN) lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng, do vay theo cơ chế thông thường, nông dân, DN không đủ tài sản thế chấp cho ngân hàng. Còn nếu tiếp cận được vốn thì không đáp ứng nhu cầu cần, các ngân hàng chủ yếu cho vay ngắn hạn thì DN, nông dân rất khó xoay trở.

Ông Mai Chí Tâm, nông dân ở ấp Thới Long, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, nói: “Nếu muốn vay vốn ngân hàng phải có tài sản thế chấp và là khách hàng truyền thống thì ngân hàng mới giải ngân vốn nhiều. Tôi sản xuất 3ha lúa, 4ha làm cá tra giống, nhu cầu vốn cũng khá lớn. Sản xuất cá tra giống 1ha đầu tư khoảng 200 triệu đồng trong thời gian 3-3,5 tháng, nếu đem tài sản 1,5ha cá giống thế chấp ngân hàng có thể vay được 200 triệu đồng. Còn nếu vay sản xuất thông thường chỉ 50 triệu đồng/ha”. Theo ông Tâm, vay vốn sản xuất thì ngân hàng đáp ứng cơ bản nhu cầu, còn nếu mở rộng thêm kinh doanh thì vốn vay rất khó. Đó là chưa kể đến lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, nông dân rất cần vốn lãi suất ưu đãi để đầu tư, mở rộng sản xuất.

Theo nhận định của các nhà khoa học, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều rủi ro từ thị trường, dịch hại... nhưng mức đầu tư công và cả mức đầu tư của DN cho lĩnh vực này chưa tương xứng yêu cầu phát triển. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho biết: “Việt Nam gia nhập thị trường xuất khẩu hơn 20 năm qua, nhưng ngành sản xuất lúa gạo trong nước vẫn thiếu bền vững, giá gạo xuất khẩu thấp hơn gạo Thái Lan. Và năm nào cũng vậy, đến mùa vụ thì DN mới mua lúa chế biến gạo xuất khẩu và mua theo hợp đồng mà DN ký được, chứ không tồn trữ. Thực tế là còn nhiều DN xuất khẩu gạo năng lực yếu, nên khâu tạm trữ, đầu tư kho hạn chế. Đầu tư công cũng chưa đúng mức với tiềm năng mà ngành nông nghiệp đóng góp”. Đơn cử như đầu vụ đông xuân 2011-2012, tình hình xuất khẩu không thuận lợi, DN chậm mua lúa, nông dân đến mùa thu hoạch cần tiền để trả lãi ngân hàng, trang trải chi phí gia đình, tái đầu tư vụ mới... nên phải bán lúa. Tiến sĩ Bảnh cho rằng, dựa vào diện tích gieo sạ lúa, sản lượng lúa hàng hóa hàng năm sẽ tính được lượng cung- cầu trên thị trường, vấn đề còn lại là sự đầu tư, quyết tâm của các DN để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Khi thị trường nguồn cung tăng đột ngột, DN chậm mua thì giá sẽ giảm. VFA đưa ra chính sách mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân và DN thu mua được ưu đãi về lãi suất ngân hàng, nông dân thì không. Trong khi ước tính sản lượng lúa vụ đông xuân ở ĐBSCL khoảng 11 triệu tấn (trong đó 6-7 triệu tấn lúa hàng hóa, qui gạo khoảng 3-4 triệu tấn), dù giá lúa đã nhích lên, nhưng việc tạm trữ này mang tính nhất thời. Do vậy, về lâu dài phải có chiến lược dài hơi hơn nữa trong việc tạm trữ, xây dựng kho tàng để thương hiệu gạo Việt Nam có vị trí vững vàng trên thị trường xuất khẩu, người trồng lúa gắn bó với đồng ruộng.

Để sản xuất bền vững

Năm 2012, theo chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tiếp tục ưu tiên vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu, nông nghiệp- nông thôn. Qua đó, góp phần giải quyết khó khăn cho DN trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, kinh tế thế giới biến động. Theo khẳng định của các NHTM, các ngân hàng đã sẵn sàng nguồn lực, tài lực thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN. Tuy nhiên, để nguồn vốn thật sự đến đúng đối tượng, với lãi suất ưu đãi là chặng đường dài phải có lộ trình rõ ràng. Bởi theo phản ánh của nông dân, DN thì lãi suất vẫn là rào cản lớn.

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh Cần Thơ, đến cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế đạt 40.716 tỉ đồng, tăng 10,64% so năm 2010. Trong đó, dư nợ cho vay thu mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước chiếm 10,7% so tổng dư nợ (năm 2010 là 9,9%); dư nợ cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản chiếm 17,5% tổng dư nợ (năm 2010 là 15%); cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 29% so tổng dư nợ (năm 2010 là 30%)... Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ cho biết, các ngân hàng đều chú trọng cho vay đối với các lĩnh vực trên. Năm 2012, chi nhánh tiếp tục bám sát hoạt động của ngân hàng, ưu tiên vốn cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu. Theo kế hoạch năm 2012 của NHNN chi nhánh Cần Thơ, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 15% so với năm 2011. Tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Các chuyên gia cho rằng, nông nghiệp vùng ĐBSCL có bước tiến dài trong hơn 20 năm qua cả năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu xuất khẩu dạng thô, sơ chế, còn sản phẩm giá trị gia tăng không nhiều, do đầu tư của DN hạn chế. Mức đầu tư công cho nông nghiệp (đầu tư thủy lợi, kho tàng, dịch vụ hậu cần...) chưa cân xứng với tiềm năng. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, phân tích: “Từ năm 2002 đến nay, chủ trương liên kết “4 nhà” theo Quyết định 80 của Chính phủ vẫn chưa phát huy được hiệu quả thật sự của nó là liên kết để tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, đồng nhất tiến đến xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đã phát động phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn với sự tham gia của “4 nhà” có ràng buộc hẳn hòi, nông dân ký hợp đồng với DN trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Khi tham gia mô hình này, nông dân muốn bẻ kèo hợp đồng cũng khó, vì làm như vậy với một khối lượng hàng hóa lớn tiêu thụ nhỏ lẻ trên thị trường rất khó. DN bao tiêu sản phẩm có điều kiện xây dựng vùng nguyên liệu ổn định sản xuất, nhưng vấn đề là DN phải có đủ năng lực”. Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, đầu tư đồng bộ, bài bản và đảm bảo hài hòa lợi ích các bên là cơ sở để phát triển sản xuất bền vững.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết