13/08/2012 - 20:29

Cụ thể hóa chính sách cứu doanh nghiệp

Cần có những chính sách cụ thể tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ảnh: CTV

Trước bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp (DN), Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp các DN, nhất là DN nhỏ và vừa có được nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp cần tiếng nói chung giữa DN và ngân hàng; đồng thời cụ thể hóa chính sách để cứu DN...

Giải bài toán tiếp cận vốn

Theo báo cáo thường niên do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới thực hiện, năm 2011 cả nước có 79.014 DN giải thể. Còn báo cáo của Tổng Cục thuế trong 6 tháng đầu năm 2012, cả nước có 21.678 DN tạm nghỉ kinh doanh, 22.230 DN ngưng hoạt động. Như vậy, số DN ngưng hoạt động do khó khăn đang tăng lên nhanh so với năm 2011 và những khó khăn này dù được Chính phủ, Ngân hàng cùng các bộ, ngành, địa phương vào cuộc tháo gỡ nhưng hiệu quả chưa như mong đợi.

Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, sản xuất kinh doanh đình đốn, thua lỗ thì DN khó đáp ứng được các điều kiện vay vốn mà ngân hàng đưa ra; đặc biệt là điều kiện tài chính lành mạnh và có tài sản thế chấp. Theo Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), các ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh, như: Vietcombank, VietinBank, BIDV... có những gói hỗ trợ lãi suất 10-12%/năm, nhưng đa số các DN vừa và nhỏ không được hưởng mức lãi suất này và cũng không vay được vốn với lãi suất 13% (dành cho 4 lĩnh vực ưu tiên) cũng như chưa được các ngân hàng điều chỉnh khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm như chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký CBA, phân tích: “Các DN hiện thiếu vốn trầm trọng khó có thể đảm bảo báo cáo tài chính lành mạnh. Tài sản thế chấp nếu có cũng thế chấp ngân hàng vay vốn. Khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là lượng hàng tồn kho với số lượng khá lớn chưa tìm được đầu ra. Dù biết rằng hàng tồn kho có thể được tạo ra từ nguồn vay của ngân hàng hoặc vốn của DN nhưng hầu hết các ngân hàng đều không nhận thế chấp kho hàng. Đa phần hội viên của hiệp hội hàng tháng đều trả lãi suất ngân hàng từ 600-700 triệu đồng/tháng trong khi lợi nhuận làm ra chỉ bằng khoảng 1/2 số tiền trên, còn lại DN phải tự “gồng mình” tìm cách chi trả và không biết có thể “gồng” đến bao lâu”...

Bà Trần Thị Thu, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương - Chi nhánh Cần Thơ, nói: “Ngân hàng cũng là DN, nghĩa là họ phải cân đối và đảm bảo được lợi nhuận thì mới cho vay ra. Lẽ đó, các ngân hàng thẩm định hồ sơ vay của DN rất chặt chẽ mới quyết định cho DN vay vốn”. Một số ý kiến cho rằng, giữa ngân hàng và DN chưa tìm được tiếng nói chung. DN đang “khát” vốn nhưng vẫn cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh trong tình hình thị trường ế ẩm, hàng tồn kho lớn... Ngân hàng muốn giải ngân để tăng dư nợ cũng không dễ tìm được khách hàng “đủ tiêu chuẩn” để cho vay. Vì vậy cần sự chia sẻ, hợp tác giữa DN và ngân hàng để vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Cụ thể hóa chính sách

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, TP Cần Thơ tổ chức nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho DN, song vẫn là những giải pháp chung chung. Vì vậy, để giải quyết được vấn đề cần đi sâu tìm hiểu những khó khăn của DN, từ đó đưa ra những biện pháp cụ thể. Khi NHNN thông báo hạ lãi suất cho vay, chỉ trong tháng 6, tại TP Cần Thơ các ngân hàng đã chuyển dịch 3.000 tỉ đồng (tương đương 10% cho các khoản vay) có lãi suất trên 16%/năm về mức 16%/năm. Hiện nay, các ngân hàng đang tiếp tục thực hiện gói cho vay ưu đãi với lãi suất thấp và hạ lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN.

Bà Trần Thị Thu, Phó Chủ tịch CBA, đề xuất: “Đối với tài sản thế chấp của DN, các ngân hàng có thể rà soát quy tắc thẩm định giá và xem xét tăng giá trị thẩm định tài sản về sát thực tế. Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ cho vay khoảng 60-70% (hiện tại khoảng 50%)”. Ngoài ra, trên thực tế, một số DN vẫn còn khả năng hoạt động và trả lãi cho ngân hàng, song thời gian trả lại chậm. Theo quy định chung của ngành ngân hàng, sau 10 ngày đến hạn DN chưa trả lãi sẽ chịu lãi phạt 150% nhân với số ngày trễ hạn. Vì vậy, DN đã khó càng khó khăn hơn. Trước thực trạng như trên, NHNN có thể xem xét hỗ trợ DN trả chậm lãi suất từ 10-30 ngày mà không bị lãi phạt trong thời gian khoảng 6 tháng nhằm giảm phần nào áp lực cho DN. Đối với các DN nhỏ, đề nghị không yêu cầu báo cáo kiểm toán độc lập, chỉ cần báo cáo tài chính được cơ quan thuế chấp nhận.

Theo ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, để giảm áp lực về vốn cho DN, Quỹ đầu tư và phát triển TP Cần Thơ có thể mở thêm nghiệp vụ bảo lãnh DN vừa và nhỏ tạo điều kiện để các DN có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Ông Ngọc cũng cho biết thêm, trong tháng 8-2012, lãnh đạo NHNN, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tổ chức các hội nghị trên địa bàn TP Cần Thơ để đưa ra giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; đồng thời kết nối ngân hàng và DN, thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố.

Tại buổi làm việc với CBA về tiếp cận nguồn vốn cho DN, ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, các DN phải chủ động tự cứu mình. Đó là tìm hướng ra cho sản phẩm để giảm bớt hàng tồn kho, phát triển và tìm kiếm thị trường tiềm năng... góp phần phát triển kinh tế của thành phố và giải quyết việc làm cho người lao động.

T.TRINH

Chia sẻ bài viết