27/12/2020 - 07:37

Cư dân mạng Trung, Hàn “khẩu chiến” 

Cuộc khẩu chiến giữa cư dân mạng Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng nảy lửa trên mạng xã hội xung quanh nhiều vấn đề, đặt ra nguy cơ mới trong quan hệ giữa 2 nước.

BTS từng hứng chịu chỉ trích dữ dội từ cư dân mạng Trung Quốc. Ảnh: SCMP

BTS từng hứng chịu chỉ trích dữ dội từ cư dân mạng Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Đầu năm nay, nhóm nhạc nam Hàn Quốc BTS đã bị các phương tiện truyền thông nhà nước và người dùng Internet Trung Quốc chỉ trích vì bị cáo buộc xúc phạm Bắc Kinh tại một sự kiện của Korea Society - tổ chức phi lợi nhuận chuyên thúc đẩy nhận thức, hiểu biết và mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Trong phát biểu trước khi nhận giải thưởng có công thúc đẩy quan hệ Mỹ - Hàn, Kim Nam-joon, thành viên của BTS, đã đề cập đến Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trong đó Washington hỗ trợ Seoul chống lại cuộc xâm lược của Bình Nhưỡng. “Chúng tôi sẽ luôn nhớ về thời gian đau thương mà 2 quốc gia chúng ta đã cùng nhau trải qua cũng như luôn ghi nhớ sự hy sinh của vô số đàn ông và phụ nữ 2 nước” - Kim nói.

Phát biểu trên đã khiến BTS bị cư dân mạng Trung Quốc phản ứng dữ dội. Một số nhà quan sát Trung Quốc còn cho rằng BTS đã “làm bẽ mặt” Bắc Kinh khi không công nhận sự hy sinh của những binh sĩ Trung Quốc khi đó. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi Tập đoàn điện tử Samsung buộc phải loại bỏ các sản phẩm mà BTS làm đại diện khỏi các nền tảng Trung Quốc. Tương tự, một số công ty khác đã nhanh chóng xóa hình ảnh của BTS khỏi các trang web Trung Quốc để tránh bị liên lụy. Nhìn bề ngoài, đây có vẻ như là cuộc tranh cãi ngẫu nhiên về phát biểu của một ngôi sao K-pop nhưng tình trạng này đang ngày càng trở nên phổ biến giữa cư dân mạng Hàn Quốc và Trung Quốc.

Nhóm nhạc nữ BlackPink, đối thủ của BTS trên bình diện tiếng tăm toàn cầu, cũng vấp phải tranh cãi khi ôm gấu trúc mà không đeo găng tay. Hàng triệu người dùng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã chỉ trích BlackPink, khiến một số người dùng Twitter của Hàn Quốc đề xuất trả lại những con gấu trúc này cho Trung Quốc.

Thật ra, BTS và Blackpink không phải là những nhóm nhạc Hàn duy nhất hứng chịu phản ứng dữ dội từ cư dân mạng Trung Quốc. Ca sĩ Lee Ho-ryi quyết định ngưng dùng mạng xã hội sau khi bị người dùng mạng xã hội Trung Quốc chỉ trích khi trong một chương trình truyền hình thực tế cho biết nghệ danh của cô là Mao - họ của người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông. Lee đã nhận đến 100.000 bình luận tiêu cực trên tài khoản Instagram sau khi chương trình được phát sóng, trong khi người Hàn tìm cách bênh vực nữ ca sĩ.

Còn mới đây, cư dân mạng ở Trung Quốc và Hàn Quốc đã có một phen tranh cãi dữ dội khi một món ăn Trung Quốc giống món kim chi của Hàn Quốc nhận được chứng nhận quốc tế. Theo đó, Trung Quốc nhận được chứng nhận từ Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cho Pao Cai - món rau ngâm xuất xứ từ Tứ Xuyên. Thời báo Hoàn cầu gọi thành tích này là “tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi do Trung Quốc dẫn đầu”. Truyền thông Hàn Quốc lập tức phản đối tuyên bố của Thời báo Hoàn cầu, đồng thời cáo buộc nước láng giềng đang cố gắng biến kim chi - món ăn truyền thống làm từ bắp cải của Hàn Quốc - trở thành món Pao Cai xuất xứ Trung Quốc.

“Hoàn toàn vớ vẩn. Họ đúng là kẻ ăn cắp văn hóa của chúng ta” - một cư dân mạng Hàn Quốc viết trên mạng Naver.com. Còn trên Weibo, cư dân mạng Trung Quốc tuyên bố kim chi là món ăn truyền thống của đất nước họ, cho rằng hầu hết kim chi tiêu thụ ở Hàn Quốc đều được sản xuất ở Trung Quốc.

Trang phục truyền thống của Hàn Quốc, chẳng hạn như hanbok, cũng trở thành mục tiêu gây tranh cãi của cư dân mạng 2 nước. Người dùng Internet Trung Quốc cho rằng hanbok thực sự là một bản sao của trang phục truyền thống Trung Quốc. Một số người thậm chí còn xem hanbok trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc là trang phục của tầng lớp hạ lưu.

Một số phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho rằng sự phản ứng của cư dân mạng và truyền thông Trung Quốc là hành động “yêu nước cực đoan”, đồng thời nhận định chính quyền Trung Quốc đã ngầm chấp thuận cho công dân nước này tham gia vào các cuộc xung đột trên mạng xã hội với công dân Hàn Quốc. Các cuộc tranh cãi này dường như được hậu thuẫn bởi chính sách ngoại giao mới, quyết liệt hơn gọi là “Chiến lang” được Bắc Kinh áp dụng kể từ khi đại dịch COVID-19 khởi phát vào đầu năm nay tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. 

HOÀNG NAM (Theo The Diplomat, SCMP)

Chia sẻ bài viết