16/07/2009 - 20:39

Cụ bà 119 tuổi vẫn sống vui, minh mẫn

Bà Đậu, người con gái thứ bảy của cụ Thương đang chăm sóc cho cụ.

Thông thường, những cụ già đã ngoài 90 tuổi thì sức khỏe suy kém, tinh thần không còn minh mẫn. Nhưng với cụ Phạm Thị Thương (ấp Trường Thạnh, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) dù đã 119 tuổi nhưng cụ vẫn còn minh mẫn. Cụ Thương được nhiều người tôn kính, là một trong những người cao tuổi nhất ở ĐBSCL.

SỐNG VÌ CON, VÌ CHÁU

Qua đợt điều tra dân số và nhà ở 2009 vừa qua, Cục Thống kê TP Cần Thơ đã điều tra và phát hiện cụ bà Phạm Thị Thương năm nay đã 119 tuổi, là người cao tuổi nhất tại thành phố Cần Thơ và là một trong những người cao tuổi nhất ĐBSCL hiện nay.

Chúng tôi đến ấp Trường Thạnh, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, tìm nhà cụ Phạm Thị Thương. Cụ Thương sống với người con gái thứ 7 và vợ chồng đứa cháu ngoại. Khi chúng tôi đến, cụ Thương đang nằm ngủ trên chiếc giường gỗ. Da cụ nhăn nheo, có nhiều vết thâm nâu mà mọi người gọi là “trổ đồi mồi”... Bà Nguyễn Thị Đậu, người con gái thứ 7 của cụ Thương ra chợ mua thức ăn chuẩn bị bữa cơm chiều cho cụ cũng vừa về tới. Trong giỏ của bà Đậu có 1 con cá lóc, vài cọng hành, bà nói: “Mấy bữa nay, má tôi hơi mệt nên mua cá lóc về nấu cháo cho bà ăn”.

Nghe tiếng nói của bà Đậu, cụ Thương cất tiếng kêu: “Con Bảy đâu?”. Bà Đậu để cái giỏ đi chợ xuống, nhanh nhẩu lên tiếng: “Con đây nè má!”. Rồi bà nắm bàn tay cụ Thương bóp nhẹ để cụ biết có con bên cạnh, yên tâm, bà Đậu nói: “Tuổi đã ngoài một trăm, má tôi vẫn luôn giữ được tình thương yêu, tôn trọng con cháu. Khi gọi tôi, bà không bao giờ kêu tên, cứ theo thứ của tôi mà kêu. Khoảng 1 tiếng đồng hồ thì bà kêu tôi hoặc kêu thằng Sơn (con trai bà Đậu) đến gần trò chuyện. Tuổi già, sức yếu nhưng tình thương của má tôi dành cho con, cháu vẫn tràn đầy”.

Tận mắt chứng kiến lời nói, cử chỉ, hành động thương yêu của cụ Thương, bà Đậu, tôi chợt nhớ đến câu chuyện “Nhị thập tứ hiếu” của người xưa. Một người đàn ông tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn làm trò trẻ con cho cha mẹ già vui lòng. Bà Đậu năm nay đã 76 tuổi nhưng hàng ngày ngoài việc cơm nước, chăm sóc cụ Thương, bà luôn gần gũi xoa bóp tay chân, kể chuyện vui cho cụ Thương thư giãn.

CHAN HÒA TÌNH YÊU THƯƠNG

Theo bà Đậu, cụ Thương chỉ còn giấy căn cước (của chế độ cũ) để chứng minh cụ 119 tuổi. Trong giấy này ghi rõ tên cụ là Phạm Thị Thương, sinh năm 1890, nguyên quán ở Trường Thành, Cần Thơ. Bà Đậu cho biết thêm, bà có 7 anh chị em ruột, nhưng hiện nay chỉ còn sống 3 người. Đó là người chị thứ 5 Nguyễn Thị Mật, 84 tuổi, đang sống ở Sóc Trăng; người anh thứ 6 tên Nguyễn Văn Sáu, 79 tuổi, sống ở Cần Thơ; bà thứ 7. Những người còn lại đã chết, nếu người anh thứ 2 của bà còn sống thì năm nay đã ngoài 90 tuổi.

Bà Đậu kể: Lúc trước, cụ Thương sống với người em Út (ở cùng địa phương). Khi người em Út của bà qua đời, cụ Thương sống với đứa cháu nội. Không may, năm 1980 đứa cháu nội này qua đời, bà Đậu rước cụ Thương về sống chung từ đó đến nay. Bà Đậu nói: “Lúc đó, cha mẹ chồng tôi đã qua đời, còn chồng tôi cũng hy sinh (năm 1969) trong kháng chiến chống Mỹ nên tôi rước má về phụng dưỡng, chăm sóc. Những năm đầu về sống với tôi, lúc đó tuổi đã cao nhưng bà (cụ Thương) rất khỏe, thường hay ra ruộng làm cỏ, cắt lúa, thậm chí đi ra sau vườn chặt củi, nấu ăn...”.

Anh Đỗ Hoàng Sơn, con trai bà Đậu, cho biết: “Khoảng 3 năm nay, ngoại yếu nên không còn chăm sóc cho mấy đứa con tôi nữa. Chứ thời gian trước, ngoại còn khỏe, ngoài việc chăm nom nhà cửa, ngoại tôi còn trông giữ cháu cốc. Tụi nó lớn lên do một tay bà chăm sóc, dạy bảo. Nhờ bà, vợ chồng tôi yên tâm lao động, nuôi sống gia đình”.

Ở ấp Trường Thạnh, nói đến cụ Thương, ai cũng khen cụ hay thương người, luôn giúp đỡ bà con lối xóm khi có khó khăn, bệnh hoạn. Thấy hộ nào đói khổ cụ đều mang gạo ra cho; gặp người lỡ đường, cụ dọn cơm cho ăn. Thấy người quen trong xóm đi qua cụ chuyện trò vui vẻ, mời nước đãi đằng. Ông Trần Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thành, cho biết: “Nhắc đến cụ Thương, người dân trong ấp không những kính trọng cụ tuổi cao mà còn quí mến bởi nhân cách của cụ. Cụ sống chan hòa và yêu thương mọi người. Mọi chế độ chính sách về người cao tuổi, gia đình liệt sĩ (bà Đậu là vợ liệt sĩ) đều được địa phương cấp phát tận nhà, thường xuyên động viên, thăm hỏi sức khỏe cụ Thương”.

CUỘC SỐNG GIẢN DỊ

Suốt một ngày ở nhà cụ Thương, nhưng tôi không dám hỏi chuyện về cuộc đời của cụ, vì sợ cụ nhớ lại chuyện xưa rồi xúc động làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng, khi tôi hỏi tên cụ và tên những người con, cháu của cụ thì cụ nói rất rõ, không bỏ sót một ai. Tôi lấy máy ảnh ra chụp hình cụ thì cụ nở nụ cười. Nụ cười của cụ già 119 tuổi không còn tươi, nhưng tôi thấy trong đó ánh lên niềm vui, bên cạnh niềm tự hào, hạnh phúc của con, cháu cụ khi được tận tay chăm sóc, thấy cụ cười vui.

Câu chuyện về cụ được bà Đậu, con gái cụ kể khá tỉ mỉ. Năm 20 tuổi, cụ Thương lập gia đình và sinh được 7 người con. Cuộc sống gia đình chủ yếu là nghề nông. Các con của cụ lớn lên và được dựng vợ, gả chồng đều đủ. Đến năm cụ 60 tuổi thì chồng qua đời, một mình cụ phải bươn chải lo cho cuộc sống gia đình, nuôi con, nuôi cháu. Bà Đậu nói: “Hồi đó, má tôi cấy lúa giỏi lắm. Một ngày bà cấy được vài công đất, vừa cấy vừa hò đối đáp với chị em cùng trang lứa. Mấy năm trước, má tôi còn nhớ rất nhiều ca dao, tục ngữ và dạy cho mấy đứa cháu. Còn bây giờ thì yếu rồi, bà không còn nhớ nhiều ca dao, tục ngữ nữa”.

Trong lúc tôi đang trò chuyện với bà Đậu, chợt cụ Thương lên tiếng: “Má muốn uống cà phê!”. Tôi không khỏi ngạc nhiên bởi tuổi đã cao nhưng cụ vẫn còn thích uống cà phê. Bà Đậu cười xòa nói: “Lúc trước, còn khỏe, bà thích uống cà phê đá lắm. Cho nên, dù khó khăn đến mấy tôi cũng dành tiền mua cà phê để trong nhà pha cho bà uống. Bà thường nói uống cà phê cho người tỉnh táo, phụ giúp con cháu trông chừng nhà cửa và mấy đứa cháu nhỏ”. Bà Đậu cho biết cụ thích cà phê nhưng pha rất nhạt, chỉ cần có mùi thơm là được rồi. Còn bữa cơm hằng ngày của cụ rất đơn giản, gồm một món cá đồng kho, tô canh rau vườn là cụ thích lắm. Bà Đậu nói: “Nhà nghèo, thỉnh thoảng tôi mới đi chợ mua thịt, món ngon cho cụ dùng. Nhưng má tôi thích nhất là cơm ăn với cá kho, chuối hoặc xoài chín. Lúc còn khỏe, má thường ra vườn hái rau về luộc, bắt cá đồng kho khô. Món ăn dân dã này bà rất ưa và dùng cả trăm năm nay. Bà con lối xóm nói đùa là nhờ món ăn này mà bà sống thọ, khỏe mạnh đến ngày nay”. Theo lời kể của bà Đậu, từ trước đến nay, cụ Thương không hề đến bác sĩ khám bệnh. Cụ rất khỏe, thỉnh thoảng bị đau bụng, khi ấy bà Đậu mua thuốc cho cụ uống là hết bệnh.

Cụ Thương sống rất giản dị, tôi thấy trên chiếc giường ngủ của cụ chỉ có chiếc chiếu lác bị rách, được bà Đậu khâu vá bằng những tấm vải cũ kỹ. Mùng, mền của cụ tuy đã ngả màu nhưng trông rất sạch sẽ, được xếp ngăn nắp. Chị Sương, con dâu bà Đậu, cho biết: “Tuy cũ kỹ nhưng mùng, mền, áo gối của ngoại (Cụ Thương) luôn được giặt giũ thường xuyên rất sạch sẽ, tạo sự thoải mái cho ngoại nghỉ ngơi”.

“Cách đây 5 năm, chính quyền địa phương xây dựng căn nhà tình nghĩa cho tôi kế bên căn nhà này, tôi bảo má lên nhà mới ở, nhưng bà không chịu và bảo để vợ chồng, con cái thằng Sơn (con trai bà Đậu) ở, để tụi nó biết được cái nghĩa, cái tình mà Nhà nước dành cho gia đình mình” - bà Đậu cho biết.

Chia tay gia đình cụ Thương, trên đường về, tôi chợt nghĩ với lối sống giản dị, yêu thương con cháu, chan hòa với lối xóm của cụ Thương. Cụ đã truyền dạy cho con cháu những tình cảm tốt đẹp, nhân hậu, là tấm gương sống vui, sống khỏe, động viên con cháu sống tốt. Và có lẽ vì vậy mà sức khỏe, tuổi thọ của cụ được kéo dài.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết