09/04/2020 - 20:19

COVID-19 chi phối bầu cử Mỹ 

Với dự đoán dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài, giới phân tích cho rằng cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng viên đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, sẽ xoay quanh chiến lược xử lý cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.

Ảnh: Getty Images

Hôm 8-4, ứng viên cấp tiến Bernie Sanders tuyên bố dừng chiến dịch cạnh tranh đề cử tổng thống của đảng Dân chủ. Sau loạt thất bại ở những vòng bầu cử sơ bộ, thượng nghị sĩ Sanders thừa nhận “không có khả năng” chiến thắng đối thủ Biden; đặc biệt khi dịch COVID-19 bùng phát hạn chế cơ hội tương tác với cử tri.

Trước đó, tình hình dịch bệnh đã buộc nhiều bang ở Mỹ hoãn bầu cử sơ bộ. Sự chậm trễ này có thể kéo dài cuộc cạnh tranh giữa hai ông Sanders-Biden, khiến nhiều nghị sĩ Dân chủ lo ngại người giành đề cử sau cùng có ít thời gian tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Thậm chí có ý kiến cho rằng ông Sanders nên sớm rút lui để tránh lặp lại kịch bản năm 2016. Thời điểm đó, thượng nghị sĩ bang Vermont cũng kéo dài cuộc đua với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và điều này bị cho góp phần dẫn đến thất bại của bà Clinton trước đối thủ Cộng hòa Donald Trump.

Sau quyết định của ông Sanders, ông Biden phát tín hiệu đã sẵn sàng cho nhiệm vụ đoàn kết phe cấp tiến và cánh ôn hòa trong đảng Dân chủ; chuẩn bị màn đối đầu với Tổng thống Trump vào tháng 11. Các cố vấn tin tưởng cách tiếp cận cân bằng giữa một bên phơi bày trách nhiệm của chính quyền Trump trong cách xử lý đại dịch đồng thời đưa ra các chính sách cụ thể sẽ giúp ông Biden giành được sự ủng hộ của cử tri. 

Phe Dân chủ toàn lực “chống Trump”

Đảng Dân chủ vẫn đang vật lộn giữa các giải pháp “tấn công” ông Trump, đặc biệt xung quanh cách tổng thống giải quyết đại dịch đang đảo lộn đời sống người dân Mỹ và khiến kinh tế nước này chao đảo. Sau khi thông qua luật chi tiêu khẩn cấp trị giá hơn 2.000 tỉ USD hồi tháng rồi, Nhà Trắng và các lãnh đạo quốc hội vẫn đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ sụp đổ kinh tế do ảnh hưởng của COVID-19. Nhưng tuần này, Tổng thống Trump và phe kiểm soát Hạ viện tiếp tục lâm vào bế tắc khi đảng Dân chủ phản đối đề nghị của chính phủ bổ sung 250 tỉ USD vào gói hỗ trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng đề xuất của phe Cộng hòa gây bất bình đẳng trong tiếp cận vốn khi cả nước đang cố gắng chống dịch. Họ cho biết chỉ đồng ý khi chính phủ nâng gói này lên 500 tỉ USD, trong đó 100 tỉ USD dành cho các bệnh viện, 150 tỉ USD dành cho chính quyền tiểu bang và địa phương.

Ngoài kinh tế, phe Dân chủ cũng đang “đấu” với ông Trump  quanh yêu cầu thay đổi hình thức bỏ phiếu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường và có thể kéo dài tới thời điểm bầu cử. Do đó, đảng này đề nghị quốc hội cân nhắc bổ sung hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện để bảo vệ cử tri và quyền bầu cử. Đề xuất trên lập tức bị Tổng thống Trump phản đối với lý do tăng khả năng gian lận. Chủ nhân Nhà Trắng còn coi nỗ lực của phe Dân chủ là mối đe dọa trực tiếp đối với triển vọng thắng cử của ông.

Tuy nhiên, ý kiến chiến lược gia Patrick Ruffini cho rằng các cuộc tấn công của đảng Dân chủ không đem lại tác dụng khi người dân đang tập trung vào việc chính phủ giữ an toàn cho gia đình họ hơn là cạnh tranh đảng phái.

Tính tới chiều 9-4, Mỹ ghi nhận hơn 436.000 ca nhiễm SARS-CoV-2, đứng đầu thế giới, và khoảng 15.000 người tử vong, chỉ xếp sau Ý. Tổng thống Trump dự báo số người chết tại nước này có thể từ mức 100.000 - 240.000 người.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Washington Post)

Chia sẻ bài viết