03/12/2008 - 20:30

Công tác chuẩn hóa cán bộ, công chức đang đặt ra những vấn đề gì?

Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những nội dung chính của công tác cải cách hành chính (CCHC) mà nhiều năm nay thành phố tập trung thực hiện và đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công tác CCHC nói riêng, yêu cầu của thực tiễn công tác quản lý nhà nước trong tình hình mới nói chung, công tác đào tạo chuẩn hóa cán bộ, công chức của TP Cần Thơ vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Nghịch lý giữa thực tế và yêu cầu

Từ năm 2004, TP Cần Thơ đã đồng loạt thực hiện cơ chế “một cửa” đối với cơ quan hành chính các cấp, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi quan hệ giải quyết công việc. Để đạt được mục đích này, UBND thành phố đã đặt ra mục tiêu “hoàn thiện về đội ngũ cán bộ” đạt trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Theo đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê, lập danh sách những cán bộ, công chức chưa đủ chuẩn, thông báo về Sở Nội vụ để có kế hoạch đào tạo. Căn cứ vào tiêu chuẩn từng chức danh, Sở Nội vụ đã lập kế hoạch gửi về các quận, huyện để phổ biến cho xã, phường, thị trấn đăng ký, tổ chức lớp học; đồng thời, tổ chức tập huấn ngắn hạn về kỹ năng hành chính, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu CCHC trong tình hình mới. Từng năm, chỉ tiêu đào tạo đều được đề ra cụ thể, nhưng dường như kết quả thực hiện đều... “hụt” xa chỉ tiêu.

Kế hoạch đào tạo, chuẩn hóa cán bộ, công chức năm 2008 của UBND thành phố đề ra đến cuối năm 2008, toàn bộ cán bộ, công chức của thành phố phải đạt chuẩn. Tuy nhiên, đến nay, thực tế công tác chuẩn hóa cán bộ vẫn còn khoảng cách khá xa so với “ngưỡng” chuẩn hóa đề ra. Theo báo cáo của UBND thành phố, đến nay đối với cấp thành phố, cán bộ công chức, viên chức đạt trình độ đại học trở lên chiếm 71,6%; cán bộ, công chức cấp huyện có trình độ cao đẳng trở lên đạt 58,6%; cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên mới đạt 50%. Đây là con số bình quân, nếu tính riêng từng quận, huyện, sở, ngành thì nhiều nơi số cán bộ có trình độ đạt chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay!

 Cán bộ “một cửa” phường Thới Hòa (quận Ô Môn) giải quyết trả kết quả hồ sơ hành chính cho người dân trên địa bàn.

Theo một số cán bộ làm công tác đào tạo cán bộ, nguyên nhân công tác chuẩn hóa cán bộ, công chức của thành phố chậm là do thiếu sự phối hợp, thiếu quyết tâm trong công tác đào tạo, chuẩn hóa của các đơn vị, địa phương có cán bộ cần thiết phải đào tạo chuẩn hóa, bản thân cán bộ công chức chưa đạt chuẩn và cơ quan quản lý nhà nước về công tác đào tạo. Theo quy định, vào đầu năm, các đơn vị, địa phương phải báo cáo số liệu, nhu cầu đào tạo về cho Sở Nội vụ để Sở bố trí, sắp xếp kế hoạch chuẩn hóa, nhưng lâu nay, nhiều địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm, nên cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo chưa chủ động lập kế hoạch mở lớp. Hơn nữa, bản thân cán bộ công chức, nhiều khi được bố trí đào tạo chuẩn hóa, nhưng do không sắp xếp được thời gian, nên xin... lui lại việc học tập chuẩn hóa.

Trong năm 2008, nhiều quận, huyện như Cái Răng, Thốt Nốt đều chọn công tác đào tạo, chuẩn hóa cán bộ làm công tác đột phá trong thực hiện CCHC, nhưng kết quả cuối năm 2008, chỉ tổ chức tập huấn kỹ năng hành chính được vài lớp. Còn đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo kế hoạch thì chưa thực hiện được. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Nội vụ, khi thực hiện CCHC, toàn bộ cán bộ “một cửa” phải đạt trình độ chuẩn từ trung cấp chuyên môn trở lên. Thế nhưng, thực tế nhiều bộ phận “một cửa”, nhất là đối với xã, phường, hiện có nhiều nơi “trắng” cán bộ chuẩn. Cán bộ không đủ chuẩn đã ảnh hưởng đến công tác giải quyết hồ sơ hành chính của người dân. Ông Huỳnh Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND phường Thường Thạnh, quận Cái Răng thừa nhận: “Lâu nay, người dân trên địa bàn than phiền về CCHC đều xuất phát từ việc cán bộ yêu cầu bổ sung giấy tờ nhiều lần, gây khó khăn, phiền hà. Nhưng không phải cán bộ cố tình gây phiền hà mà là do chưa nắm vững các quy định của pháp luật, dẫn đến hướng dẫn không đến nơi đến chốn”.

Nan giải bài toán “Điền vào chỗ trống”!

Theo báo cáo của UBND thành phố, hiện nay tỷ lệ cán bộ công chức xã, phường, quận, huyện chưa đạt chuẩn chiếm khoảng 40% trong tổng số cán bộ, công chức hiện có. Công tác chuẩn hóa đối với số cán bộ này đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có nỗ lực từ nhiều phía. Trao đổi về công tác chuẩn hóa cán bộ công chức, ông Trần Oanh Liệt, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: “Đây là một “khoảng trống” mà các địa phương và thành phố phải nỗ lực “điền vào” trong thời gian tới. Đó là một áp lực lớn mà nếu bản thân cán bộ công chức, cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ không quyết tâm cao thì không thể thực hiện được”.

Về phía các địa phương, công tác chuẩn hóa cán bộ cũng đang đặt ra nhiều khó khăn khiến lãnh đạo chưa thể mặn mà với việc đưa cán bộ đi đào tạo chuẩn hóa. Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Nếu đưa cán bộ đi đào tạo dài hạn thì thiếu cán bộ giải quyết công việc tại địa phương. Trong khi đó, thực hiện yêu cầu CCHC không được để xảy ra chậm trễ trong giải quyết hồ sơ hành chính của người dân. Thị trấn cũng chỉ đạo cán bộ choàng gánh công việc, nhưng nếu đưa đi đào tạo cùng lúc nhiều cán bộ trong thời gian dài, thì không thể choàng gánh nổi”.

Hiện nay, huyện Cờ Đỏ là một trong những địa phương có số lượng cán bộ, công chức chưa đủ chuẩn nhiều nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Chỉ riêng cán bộ lãnh đạo xã, thị trấn, huyện Cờ Đỏ có hơn 80 cán bộ, nhưng có tới 60 cán bộ chưa đủ chuẩn, trong đó chưa chuẩn về chuyên môn (trình độ trung cấp trở lên) chiếm đa số. Thậm chí, trong số này còn có hàng chục cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã chưa tốt nghiệp THPT! Vì thế, vấn đề chuẩn hóa cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo xã, thị trấn cũng đã được huyện Cờ Đỏ ưu tiên thực hiện và đề ra nhiều quyết sách, nhưng kết quả chuẩn hóa chưa cao. Ông Đào Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Năm 2006, huyện đã có chủ trương bắt buộc tất cả những cán bộ chưa có bằng THPT phải tiếp tục học tập đạt trình độ này, nếu không sẽ buộc thôi việc. Tuy nhiên, do hoàn cảnh và điều kiện, nhiều cán bộ chưa đáp ứng được”. Ông Đào Anh Dũng cũng thừa nhận, do chưa chuẩn hóa về chuyên môn nên trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhiều nơi còn lúng túng, thậm chí xảy ra vi phạm phải xử lý, nhất là vi phạm về quản lý tài chính.

****

Tại hội nghị công bố các quyết định sắp xếp, bố trí cán bộ một số cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc UBND thành phố, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND thành phố, đã chỉ đạo: “Công tác cán bộ, trong đó có đào tạo chuẩn hóa cán bộ luôn được thành phố quan tâm, ưu tiên thực hiện. Do vậy, dù khó khăn, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng phải nỗ lực thực hiện theo kế hoạch đề ra của thành phố. Chỉ có chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thì mới đáp ứng tốt yêu cầu CCHC”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết